MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lại choáng với 500.000 tấn đường tồn kho!

30-10-2013 - 08:15 AM |

Các doanh nghiệp mía đường lại đang nơm nớp lo đường sẽ tiếp tục tồn kho khối lượng lớn những tháng cuối năm do sản lượng mía niên vụ mới dự báo đạt trên 1,6 triệu tấn.

Cùng với đó là sự tấn công ồ ạt của đường lậu từ biên giới phía nam tràn vào, và đường nhập khẩu theo hạn ngạch, trong khi cả ngành mía đường vừa trải qua một đợt giải quyết đường tồn kho kỷ lục.

“Thù” trong, “giặc” ngoài

Ông Hà Hữu Phái – Đại diện Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) - ngày 29.10 trao đổi với Lao Động: “Ngành đường vừa trải qua đợt tồn kho kỷ lục với trên 500.000 tấn, kéo dài suốt từ tháng 5 trở lại đây. Chỉ sau khi Bộ Công Thương đồng ý cho xuất khẩu cả đường tinh luyện RE, các DN mới giải tỏa phần nào lượng đường dồn ứ để xuất sang Trung Quốc”. 

Theo ông Phái, thời điểm đường tồn kho tăng cao nhất, Bộ Công Thương đã “bật đèn xanh” cho các DN xuất khẩu khoảng 200.000 tấn đường cả hai loại RS và RE. Hiện tại, do đường dự báo sẽ tiếp tục tồn kho cao trước niên vụ mới, VSSA lại kiến nghị được xuất thêm 165.000 tấn sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch ở Lào Cai. “Hiện, Bộ Công Thương cũng đồng ý cho xuất cả hai loại đường trên nên DN sẽ thuận lợi hơn. Nhưng, các DN đang đối mặt với đợt đường tồn kho mới do chuẩn bị vào niên vụ” – ông Phái cho hay.

Theo tính toán của VSSA, sản lượng đường niên vụ mới dự báo khoảng 1,6 triệu tấn. Đường tồn kho vụ trước hơn 140.000 tấn, cùng với đường nhập theo hạn ngạch khoảng 70.000 tấn. Trong khi lượng tiêu thụ trong nước chỉ khoảng 1,3 triệu tấn. Dự báo, lượng đường tồn kho đợt mới lên đến trên 500.000 tấn vào tháng 12 tới.

Cũng theo ông Hà Hữu Phái, niên vụ mía 2013, các tỉnh ĐBSCL vào vụ tháng 10 – muộn hơn khoảng 2 tháng so với mọi năm do không có lũ sớm, đường đang tồn nhiều, chưa kể đường nhập lậu đang hoành hành ở biên giới phía nam với số lượng lên đến hơn 500.000 tấn mỗi năm. Dù cuối năm là cao điểm tiêu thụ đường phục vụ Tết Nguyên đán, song DN ngành mía đường vẫn loay hoay vì đường tồn kho không tiêu thụ hết.

Ông Đoàn Xuân Hòa – Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông - lâm - thủy sản và nghề muối (Bộ NNPTNT) - cho biết, hiện mối lo ngại lớn nhất của các DN là đường nhập lậu hoành hành. Điều này chi phối lớn đến giá thành sản phẩm, bởi niên vụ trước, giá mía đã giảm đáng kể so với mọi năm. Hiện, Bộ NNPTNT và VSSA đang tích cực làm mọi biện pháp hỗ trợ DN tăng cường xuất khẩu đường, đẩy mạnh tiêu thụ và phối hợp ngăn chặn nạn đường lậu hoành hành.

Phải mở thị trường xuất khẩu

Trả lời những búc xúc của DN ngành mía đường, chiều 29.10, trao đổi với phóng viên Lao Động, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - khẳng định: Việc các DN ngành mía đường chưa mở được các thị trường XK một phần là lỗi tại DN, song cũng do hiện tại năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm của ngành này chưa theo kịp với các nước khu vực.

Trên thực tế, Bộ Công Thương hiện không có bất cứ quy định nào về hạn chế XK, thậm chí còn mở cửa “bật đèn xanh” cho DN xuất khẩu tiểu ngạch sang biên giới qua những cửa khẩu phụ, lối mở. Việc XK tiểu ngạch được xem là phù hợp với các DN xuất khẩu đường của VN do các quy định về xuất khẩu tiểu ngạch không quá khắt khe như xuất chính ngạch, chất lượng sản phẩm xuất tiểu ngạch cũng yêu cầu không quá cao, việc kiểm tra, kiểm soát dọc biên giới được sự “hậu thuẫn” của chính quyền địa phương hai bên. 

Tuy nhiên, mặt trái của XK tiểu ngạch là rủi ro lớn. Thị trường phụ thuộc lớn vào phía Trung Quốc do nhu cầu của các tỉnh giáp biên có hạn, đôi khi chính sách của phía bạn thay đổi, thì hàng hoá của Việt Nam xuất sang sẽ bị chặn lại, tồn kho ngay tại cửa khẩu. Đó là chưa kể những rủi ro về điều kiện thanh toán, phát sinh chi phí nếu tồn kho...

Chính vì có những rủi ro như đã nêu nên để quản lý việc XK tiểu ngạch, Bộ Công Thương yêu cầu các DN phải có giấy phép XK. Tuy nhiên, giấy phép này hoàn toàn không phải là “giấy phép con” gây khó khăn cho DN, mà chỉ để sàng lọc các DN yếu năng lực, nợ đọng tài chính, việc này cũng giảm bớt nguy cơ rủi ro. Về lâu dài, các DN phải nâng cao năng lực XK, đề xuất với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) để tìm kiếm các thị trường XK ổn định, giàu tiềm năng như Philippines, Ấn Độ hay Châu Phi...

Bộ NNPTNT cảnh báo, không bao lâu nữa Hiệp định Thương mại AFTA có hiệu lực và thuế nhập khẩu hàng hóa từ ASEAN vào Việt Nam bằng 0%. Lúc đó, ngành đường nước ta khó cạnh tranh được so với các nước nếu không sớm chuyển đổi. 

Theo ông Nguyễn Thành Long, vấn đề cấp bách lúc này là tích cực đầu tư cho ngành mía đường để tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành nhằm tăng sức cạnh tranh. Các nhà máy đẩy mạnh đầu tư vùng nguyên liệu, gắn kết chặt hơn với nông dân.

Ngành nông nghiệp quy hoạch lại vùng mía theo hướng sản xuất quy mô lớn, giảm nhỏ lẻ. Các doanh nghiệp chế biến bánh kẹo, nước giải khát... nên hợp tác với nhà máy đặt hàng về chủng loại đường, số lượng... Phải làm đồng bộ nhiều giải pháp, và giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nhà máy đường với nông dân cùng người tiêu dùng, thì ngành đường mới thoát khỏi mối nguy sản xuất ra không tiêu thụ được.

 

Trung Quốc và Indonesia nhập khẩu đường lớn nhất thế giới
Tính từ 10.2012 đến 6.2013, Trung Quốc đã nhập khẩu 2,5 triệu tấn đường. Dự đoán trong niên vụ 2012-2013, nước này sẽ nhập tới 3,5 triệu tấn so với mức dự báo 2 triệu tấn trước đó. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, nhập khẩu đường của Trung Quốc đạt kỷ lục vào niên vụ 2011-2012 với 4,4 triệu tấn.
Lượng đường nhập khẩu vào Trung Quốc tăng sau khi chính phủ ban hành chính sách yêu cầu các nhà sản xuất đường trong nước tạm tích trữ sản lượng nhằm đẩy giá đường trong nước cao hơn thị trường quốc tế. Về phần Indonesia, nhập khẩu đường thô của nước này dự kiến tăng gấp đôi lên 5,4 triệu tấn trong năm nay - ông Achmad Widjaja - Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Indonesia - cho biết.                    Khánh Minh

Theo Dương Hà – Hồng Quân

khanhnt

Báo lao động

Trở lên trên