MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lỗ oan vì cúm gia cầm

01-03-2014 - 20:38 PM |

Gà không bị dịch bệnh và chấp nhận bán lỗ đến 10.000 đồng/kg, nhưng nhiều chủ trang trại vẫn không bán được gia cầm.

Thông tin về dịch cúm gia cầm khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng, còn người tiêu dùng hoang mang không dám sử dụng. Để tránh tình trạng này, một trong những giải pháp đặt ra là xây dựng các chuỗi thực phẩm sạch có khả năng truy xuất nguồn gốc từ trang trại tới bàn ăn.

Nhiều người chăn nuôi cho biết dù chấp nhận bán lỗ gia cầm trên 10.000 đồng/kg nhưng vẫn không có người mua.

Lỗ thê thảm

Ngày 28-2, ông Nguyễn Văn Hữu (huyện Tân Phú, Đồng Nai) cho biết sau nhiều ngày năn nỉ và thúc giục, cuối cùng thương lái đã đến mua hết 5.000 con gà tam hoàng (gà lông màu) đã quá ngày xuất chuồng với giá 25.000 đồng/kg. Với giá thành vụ vừa qua lên đến 37.000 đồng/kg, tính ra ông Hữu lỗ trên 100 triệu đồng. “Lỗ nhưng bán được là còn may, để thêm ngày nào giá xuống ngày đó trong khi vẫn phải chi tiền cám cho gà ăn” - ông Hữu buồn bã. Sau khi bán gà, ông Hữu đã đóng cửa chuồng, chưa có ý định nuôi lại. “Còn phải đợi xem thị trường như thế nào, tình hình này thì không ai dám nuôi gà đâu” - ông cho biết.

Người nuôi gà đã khổ, người sản xuất gà giống cũng khổ không kém khi gà giống không thể tiêu thụ được. Ông Phạm Văn Giới (Định Quán, Đồng Nai) cho biết mỗi tuần đơn vị này đưa ra thị trường 10.000 con gà tam hoàng giống. Nhưng từ khi có thông tin dịch cúm gia cầm đến nay, lượng tiêu thụ giảm thê thảm. Hiện gà giống đang ùn ứ trong các kho vì người chăn nuôi không dám thả lứa mới. “Gà giống không còn chỗ chứa nữa, chúng tôi đã giảm giá bán nhưng tình hình không cải thiện. Tình trạng này còn tiếp diễn thì chắc tuần sau nhiều công ty sản xuất gà giống phải đốt bỏ” - ông Giới than thở.

Cùng với giá gà tam hoàng, giá trứng gà công nghiệp cũng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng ba năm qua. Theo đó, ngày 28-2 giá trứng bán tại trại chỉ còn trung bình 1.010-1.020 đồng/quả. “Giá bán ra chỉ bằng 55-60% giá thành sản xuất, phen này các công ty trứng phá sản” - giám đốc một công ty chăn nuôi tại Đồng Nai than thở.

Theo các công ty chăn nuôi, giá gà và trứng giảm mạnh thời gian qua chủ yếu do thông tin dịch cúm gia cầm khiến người tiêu dùng e ngại dùng các sản phẩm này. “Thông tin dịch cúm gây chết người nên họ sợ không dám ăn gà nữa” - ông Nguyễn Hồng Sơn, giám đốc Công ty Sơn Mai (Long Khánh, Đồng Nai) than thở.

Xây dựng chuỗi thực phẩm sạch

Theo các công ty chăn nuôi, hơn mười năm trở lại đây năm nào VN cũng xảy ra dịch cúm gia cầm. Tuy nhiên, xu hướng các năm sau thì dịch chủ yếu phát sinh ở các hộ nuôi nhỏ lẻ, rải rác với số lượng rất nhỏ so với tổng đàn. “Đây là lỗi của các cơ quan thú y địa phương đã không tiêm phòng đầy đủ với các hộ nhỏ lẻ nên xảy ra dịch bệnh. Với những đơn vị chăn nuôi lớn, chúng tôi đều làm theo quy trình kiểm dịch và tiêm phòng đầy đủ nên 5-7 năm nay có xảy ra dịch bệnh đâu” - ông Phạm Văn Giới nói.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, phó chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Đông Nam bộ, cho rằng hầu hết trang trại lớn đều đầu tư vào công tác phòng dịch và tiêm phòng đầy đủ vì số tiền đầu tư cho chăn nuôi là rất lớn. Sản phẩm tại các trại chăn nuôi này đang chiếm đến 50-90% tổng nguồn cung ra thị trường tùy loại và đảm bảo phòng chống dịch bệnh. Các khâu vận chuyển, giết mổ, phân phối đều có sự kiểm soát của cơ quan thú y nên sản phẩm an toàn cho người sử dụng. Thế nhưng thời gian qua thông tin đã đánh đồng cả sản phẩm an toàn với sản phẩm dịch bệnh khiến người tiêu dùng hoang mang không sử dụng.

Ông Mai Văn Hiệp - phó cục trưởng Cục Thú y (thuộc Bộ NN&PTNT) - thừa nhận thời gian qua các cơ quan chức năng chỉ tập trung đưa tin diễn biến dịch cúm với các thiệt hại liên quan mà không hướng dẫn người dân cách sử dụng thực phẩm an toàn. Hậu quả là người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm chăn nuôi. Dịch cúm gia cầm thời gian qua chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, rải rác có lỗi của cơ quan thú y địa phương không thực hiện tốt công tác tiêm phòng định kỳ theo quy định. “Đến nay có địa phương vẫn chưa thực hiện lịch tiêm phòng đợt 2 năm 2013 và đợt 1 năm 2014” - ông Hiệp cho biết.

Theo ông Nguyễn Phước Trung - giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM, thời gian qua TP.HCM và các tỉnh lân cận đã liên tục trao đổi thông tin về dịch bệnh, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong giết mổ và chế biến thực phẩm. Các địa phương đã thông báo danh sách các trại nuôi an toàn, các cơ sở giết mổ, chế biến thực phẩm đảm bảo tiêu chuẩn cho TP để dễ dàng quản lý. Do đó, các sản phẩm đảm bảo rõ nguồn gốc và có kiểm soát của cơ quan thú y thì đưa ra thị trường đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Hiện Sở NN&PTNT TP.HCM cũng đang lên kế hoạch xây dựng các chuỗi thực phẩm sạch có khả năng truy xuất nguồn gốc từ trang trại tới bàn ăn. Mục tiêu của chương trình này là một sản phẩm đưa ra thị trường sẽ đảm bảo có đủ thông tin về cơ sở nuôi, ngày giết mổ, đơn vị giết mổ và phân phối để người tiêu dùng tham khảo. “Hiện Sở NN&PTNT đang cử đoàn đi Đồng Nai là địa phương có sản lượng chăn nuôi lớn nhất cung cấp cho TP.HCM để làm việc với các đơn vị nhằm tiến tới xây dựng các chuỗi thực phẩm này” - ông Trung cho biết.

Gà phía Bắc cũng ế

Trao đổi với chúng tôi ngày 28-2, bà Phùng Thị Hải - chủ trang trại nuôi gia cầm ở thị trấn Thứa, huyện Lương Tài, Bắc Ninh - cho biết trang trại của bà còn gần 1.000 con gà cần bán nhưng “mấy ngày nay gọi thương lái không đến”. Giá gà lông màu bán tại khu vực thị trấn Thứa hiện khoảng 35.000 đồng/kg, gà Lương Phượng dao động 40.000-50.000 đồng/kg. Trứng gà hiện nay bán giá 1.500 đồng/quả nhưng không có khách mua.

Ông Nguyễn Ngọc Thụ - chủ trang trại chăn nuôi tại Ba Vì, Hà Nội - cho biết hôm qua trang trại vừa bán gà lai với gà ta giá được 33.000 đồng/kg. Gà Lương Phượng lai gà Mía 45.000/kg, gà trắng hiện giá chỉ khoảng 22.000-25.000 đồng/kg. “Giá giảm nhưng muốn bán cũng khó vì dân không ăn, lượng gà trong dân cũng nhiều” - ông Thụ cho biết.

Tuy nhiên, ngoài một số điểm bán gia cầm “công ty” có chứng nhận nguồn gốc, còn hiện tại mua gia cầm ngoài chợ hầu hết chỉ có lời đảm bảo từ người bán hàng. TÂY GIANG - LAN ANH

Theo TRẦN MẠNH

khanhnt

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên