MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mì chính giả bắt không xuể

30-01-2016 - 09:45 AM |

Hàng loạt các vụ mì chính giả thời gian qua đã bị lực lượng chức năng bắt quả tang tại cơ sở sản xuất khi đang chuẩn bị đưa đi tiêu thụ.

Vụ việc gây chấn động dư luận là ngày 26.1, Chi cục Quản lý thị trường TPHCM đã phát hiện vụ làm giả 108 tấn bột ngọt đưa ra thị trường. Mì chính giả xuất hiện nhan nhản ở khắp nơi, từ các quán ăn bình dân đến cao cấp.

Bột ngọt giả hoành hành khắp nơi

Trong vai một nhân viên nhà hàng tìm mua mì chình số lượng lớn, PV Lao Động đã tìm đến cửa hàng bán đồ khô ở chợ Cầu Lủ (Vũ Tông Phan, Hoàng Mai, Hà Nội). Sau khi nêu lý do muốn mua mì chính giá “tốt” nhất thì chị Hương - chủ cửa hàng vồn vã hỏi: “Có phải em muốn mua loại bán theo bao tải, không nhãn mác đúng ko? Nếu như vậy thì chỉ có hàng Tàu em nhé. Nhưng nếu em mua buôn thì chị sẽ lấy hộ chứ cửa hàng chị chỉ bán loại “xịn”. Anh trai chị thường “đổ” mì chính Tàu cho các quán ăn, nhà hàng”.

Vừa nói chị Hương vừa chỉ tay vào quán bún phở Phương Linh bên cạnh: “Mỗi lần cửa hàng thường lấy hẳn 5 tạ, một nồi nước dùng họ xúc cả mấy bát tô mì chính thì nước mới có vị ngọt được, nếu dùng loại tên tuổi thì sao có nổi lãi hả em”.

Khi tới khu chợ Đồng Xuân (Hà Nội), PV hỏi mua mì chính không bao bì bán theo cân thì được người dân chỉ tới cửa hàng Mai Quang trên phố Nguyễn Thiện Thuật. Nhưng khi vào hỏi mua hàng thì nhân viên cửa hàng liên tục cáu kỉnh và luôn nhấn mạnh: “Ở đây không bán mì chính Tàu, chỉ bán chính hãng”. Rồi tìm cách đuổi khéo chúng tôi đi.

Tiếp tục tới phố Thanh Hà gần đó, chủ cửa hàng ở số nhà 34 đưa cho PV 2 túi mì chính loại nửa cân không nhãn mác được buộc chun sơ sài, cáu bẩn. Khi dò hỏi nguồn gốc xuất xứ thì chủ cửa hàng khẳng định, đây không phải hàng Trung Quốc, mà là mì chính “Sari” (tên do chủ cửa hàng cung cấp), một loại của hãng Vedan, giá 44 nghìn đồng/kg, không thêm, không bớt. Chủ cửa hàng còn “bồi” thêm: “Cháu yên tâm, nhà cô buôn bán có uy tín nên không phải lo về chất lượng, khách tìm mua mì chính “Sari” rất đông nhé!”.

Vào sâu các quầy bán đồ khô trong chợ Đồng Xuân, bà Tâm, chủ một quầy hàng vào sâu trong gian hàng ẩm thấp, tối thui “móc” ra cho chúng tôi một gói mì chính được đóng trong túi bóng “xộc xệch”, không hề có nhãn mác cũng như hạn sử dụng, giá 40 nghìn đồng/kg. Khi hỏi loại mì chính này có phải của nhãn hiệu “Hai con tôm” của Trung Quốc không thì bà Tâm gật gù thừa nhận và khẳng định muốn mua bao nhiêu bán bấy nhiêu, 25kg hoặc 50kg đều có hết.

Cơ quan chức năng vẫn bị động

Trên thực tế, mì chính giả được đưa từ các cửa khẩu biên giới vào nội địa. Việc tuồn hàng chót lọt có trách nhiệm từ khâu giám sát cửa khẩu là lực lượng hải quan, biên phòng các địa phương dọc biên giới và lực lượng quản lý thị trường trong nội địa. Hàng giả không chỉ sản xuất trong nước mà còn được sản xuất từ nước ngoài với các thủ đoạn tinh vi, được tổ chức chặt chẽ từ khâu sản xuất đến lưu thông, phân phối rồi đưa vào trong nước tiêu thụ. Lợi dụng chủ trương “Người Việt dùng hàng Việt”, mì chính đóng nhãn Ajinomoto, A-one là hàng sản xuất trong nước nhưng thực chất được sản xuất từ bên kia biên giới, hoặc được tuồn vào VN, rồi chia thành các gói nhỏ tiêu thụ tại các cửa hàng ăn từ bình dân đến cao cấp.

Một lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội chiều 28.1, lý giải nguyên nhân mì chính, bột ngọt giả tràn vào VN là do trước đây có sự chênh lệch lớn về giá giữa bột ngọt trong nước với các nhãn hiêu nhập lậu từ Trung Quốc. Trung bình mức chênh lệch lên tới 50% -100%, nhưng gần đây, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội khẳng định, là mì chính giả đã giảm đi đáng kể vì mức chênh lệch không lớn như trước. Phía Trung Quôc cũng quản lý chặt chẽ mặt hàng này.

Tuy nhiên, ghi nhận thực tế lại không như vậy. Một quan chức có trách nhiệm của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định: Mì chính là mặt hàng được sử dụng hằng ngày, do đó, nếu không đảm bảo an toàn thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng, trong đó không loại chừ dẫn đến ung thư.

 

Theo Trà Giang - Ngô Chuyên - Hồng Quân

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên