MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngà voi, sừng tê giác ồ ạt nhập lậu

27-08-2015 - 08:52 AM |

Các doanh nghiệp lợi dụng hệ thống phân luồng xanh, thông quan tự động để nhập hàng tấn ngà voi, sừng tê giác và vảy tê tê vào Việt Nam bằng đường biển

Chỉ trong vòng 2 tuần qua, tại cảng Tiên Sa (TP Đà Nẵng), Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan và Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm buôn lậu - Bộ Công an cùng Chi cục Hải quan cảng Đà Nẵng đã phát hiện 3 vụ nhập lậu ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê từ châu Phi, Malaysia về Việt Nam với số lượng gần 6 tấn. Số ngà voi, sừng tê giác nhập lậu này được xem là lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam.

Giấu hàng cấm trong thạch cao, đậu đỏ

Qua quá trình theo dõi, điều tra, ngày 25-8, tại cảng Tiên Sa, các đơn vị nêu trên đã tiến hành kiểm tra container mang số hiệu 291192-22G1 của hãng vận tải tàu biển Wanhai, được trung chuyển từ Malaysia về đây từ ngày 13-8.

Theo cơ quan chức năng, khi cập cảng Tiên Sa, container này được bốc xếp lên bãi để chờ chủ doanh nghiệp tới làm thủ tục nhận hàng. Tuy nhiên, từ hôm 13-8 tới nay, doanh nghiệp vẫn không đến làm thủ tục. Trên vận đơn thể hiện lô hàng này là đậu đỏ, tổng số lượng 220 bao, người nhận là Công ty TNHH Hùng Huy Bảo (trụ sở trên đường 3/2, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng). Sau khi mở container kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong tất cả các bao đậu đỏ đều chứa vảy tê tê và ngà voi. Kết quả kiểm đếm ngày 26-8 cho thấy mỗi bao nặng 90 kg, bên trong chứa khoảng 25-30 kg ngà voi, vảy tê tê - tổng khối lượng ước trên 5 tấn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ lô hàng nhập về từ hôm 13-8 nhưng Công ty Hùng Huy Bảo không đến làm thủ tục nhận là vì thời điểm đó, lực lượng chức năng đang tiến hành kiểm tra các lô hàng chứa ngà voi, sừng tê giác của Công ty TNHH Vạn An (trụ sở trên đường 2/9, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu).

Trước đó, tại cảng Tiên Sa, lực lượng chức năng cũng phát hiện 2 vụ nhập lậu ngà voi và sừng tê giác với số lượng lớn. Cụ thể, chiều 13-8, lực lượng chức năng kiểm tra 2 container hàng nhập từ châu Phi về thì phát hiện hơn 700 kg ngà voi và sừng tê giác được ngụy trang trong các kiện hàng thạch cao. Đến ngày 23-8, cơ quan chức năng phát hiện thêm trong 3 container gỗ nằm ở cảng Tiên Sa có chứa 2,3 tấn ngà voi. Cả 2 vụ vận chuyển hàng cấm này đều do Công ty Vạn An thực hiện.

Thủ đoạn tinh vi

Liên quan đến 2 vụ nhập lậu ngà voi và sừng tê giác của Công ty Vạn An, cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án.

Theo ông Phạm Văn Thiềng, Phó Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Trung thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan, để che đậy hành vi vi phạm, Công ty Vạn An đã mở tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng và chỉ mô tả là đá cẩm thạch dạng khối, đá thô, cắt cạnh chưa đánh bóng, hàng mới 100%. Giá trị đơn hàng trên tờ khai chỉ gần 480 triệu đồng. Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, giá 1 kg sừng tê giác hiện nay khoảng 300-400 triệu đồng, còn ngà voi khoảng 30-35 triệu đồng. Như vậy, lô hàng của Công ty Vạn An có giá đến hàng trăm tỉ đồng. Còn với lô hàng trên 5 tấn ngà voi và vảy tê tê của Công ty Hùng Huy Bảo, tổng trị giá lên đến cả ngàn tỉ đồng.

Công ty Vạn An được thành lập vào tháng 5-2004, do ông Nguyễn Văn Sáu làm giám đốc. Ngành nghề kinh doanh của công ty này cũng rất đa dạng: từ việc trồng bắp và cây lương thực có hạt, khai thác gỗ, đá, cát, sỏi, đất sét đến buôn bán ô tô, xe máy, kinh doanh bất động sản, vận tải hành khách và hàng hóa…

Trước đó, vào năm 2007, công ty này đã đưa về cảng Tiên Sa nhiều container gỗ sưa để làm thủ tục xuất khẩu. Trên tờ khai tại Hải quan TP Đà Nẵng, Công ty Vạn An ghi khối lượng gỗ xuất đi 60 tấn nhưng qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định đến 81 tấn. Do Công ty Vạn An không xuất trình được giấy tờ chứng minh 21 tấn gỗ chênh lệch là hợp pháp nên bị Cục Hải quan TP Đà Nẵng thu giữ.

Ngay sau đó, Công ty Vạn An khởi kiện ra tòa vì cho rằng cách quy đổi gỗ từ khối lượng sang trọng lượng mà hải quan áp dụng là không đúng, gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Tại phiên xét xử vào cuối năm 2007, tòa đã tuyên buộc Cục Hải quan TP Đà Nẵng hủy toàn bộ các quyết định xử phạt liên quan đến 21 tấn gỗ sưa, đồng thời hoàn trả toàn bộ số gỗ thu giữ và 15 triệu đồng tiền phạt.

Theo thông tin từ ông Nguyễn Quang Lãng, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng, kể từ vụ gỗ sưa, đến giờ Công ty Vạn An mới nhập khẩu trở lại thì bị phát hiện.

Trong khi đó, Công ty Hùng Huy Bảo mới thành lập vào tháng 5-2015 do ông Trần Đức Khánh làm đại diện pháp luật. Ngành nghề kinh doanh của công ty này là khai thác đá, cát, sỏi; buôn bán ô tô; đại lý môi giới, đấu giá; buôn bán kim loại và quặng kim loại; vận tải hàng hóa bằng đường bộ. Liên quan đến vụ nhập “đậu đỏ”, cơ quan chức năng đã mời lên làm việc nhưng đại diện công ty này vẫn chưa đến.

 

Lợi dụng kẽ hở thông quan

Ông Phạm Văn Thiềng cho biết tất cả lô hàng cấm này đã được cơ quan chức năng thu giữ, niêm phong để điều tra. Theo ông Thiềng, nguyên nhân gia tăng tình trạng buôn lậu hàng cấm là do thủ tục thông quan còn nhiều kẽ hở. Các doanh nghiệp đã lợi dụng hệ thống phân luồng xanh đối với các loại hàng không phải kiểm tra hồ sơ, chi tiết hàng hóa mà chỉ dựa vào tờ khai để cho thông quan tự động để tuồn hàng cấm nhập từ đường biển.

 

 

Theo Bích Vân - Quỳnh Châu

Người lao động

Trở lên trên