MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhập ốc vít, Việt Nam vẫn kiên trì giấc mơ ôtô nội

18-07-2014 - 08:09 AM |

Đến giai đoạn 2026 - 2035 ngành công nghiệp ô tô phải đáp ứng trên 65% nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.

Đây là một trong những mục tiêu được đặt ra tại Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Theo đó Việt Nam đặt mục tiêu đến 2035, số xe sản xuất lắp ráp trong nước chiếm khoảng 78% so với nhu cầu nội địa, bên cạnh đó, tổng lượng xe xuất khẩu đạt khoảng 90.000 chiếc...

Chiến lược sẽ ưu tiên các nhóm sản phẩm gồm: xe tải và xe khách từ 10 chỗ trở lên; xe chở người đến 9 chỗ; xe chuyên dụng và công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể, đối với xe tải và xe khách từ 10 chỗ trở lên sẽ chú trọng phát triển dòng xe tải nhỏ đa dụng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn và các loại xe khách tầm trung và tầm ngắn chạy liên tỉnh, huyện, nội đô... phù hợp với điều kiện địa hình, hạ tầng giao thông trong nước với giá thành hợp lý, an toàn và tiện dụng.

Đối với xe chở người đến 9 chỗ sẽ tập trung vào dòng xe cá nhân kích thước nhỏ, tiêu thụ ít năng lượng phù hợp với hạ tầng giao thông và thu nhập của người dân.

Về công nghiệp hỗ trợ, sẽ tiếp cận và ứng dụng công nghệ để chế tạo được các chi tiết, linh kiện quan trọng như bộ truyền động, hộp số, động cơ, thân vỏ xe... cho một vài chủng loại xe; tăng cường hợp tác với các hãng ô tô lớn để lựa chọn chủng loại phụ tùng, linh kiện mà Việt Nam có thể sản xuất để đảm nhận vai trò mắt xích trong chuỗi sản xuất - cung ứng toàn cầu, trên cơ sở đó đầu tư công nghệ tiên tiến, sản xuất phục vụ xuất khẩu.

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là xây dựng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trở thành ngành công nghiệp quan trọng, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe có lợi thế cạnh tranh, tham gia xuất khẩu, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác và nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới.

Mục tiêu đặt ra là năm 2035, tổng sản lượng xe đạt khoảng 1.531.400 chiếc, trong đó: xe đến 9 chỗ khoảng 852.600 chiếc, từ 10 chỗ trở lên khoảng 84.400 chiếc, xe tải khoảng 587.900 chiếc, xe chuyên dụng khoảng 6.500 chiếc. Tỷ lệ số xe sản xuất lắp ráp trong nước chiếm khoảng 78% so với nhu cầu nội địa.

Nền tảng yếu, lo mục tiêu khó đạt

Từng đưa ra nhận định thẳng thắn ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội DNCK Việt Nam (VAMI) cho rằng: Việt Nam hiện nay đến cả một cái trục khuỷu ô tô hay ốc vít cũng không thể sản xuất được mà tất cả phải đi nhập.

Theo đó, ông Thụ lo ngại nếu cứ tiếp tục làm theo kiểu chắp vá như vậy thì không thể thay đổi được thực trạng nền kinh tế. Cơ khí không phát triển cũng có nghĩa mục tiêu hiện đại hóa, công nghiệp hóa đã thất bại.

"Phải xác định, định hướng được nền kinh đi theo hướng nào, nếu muốn hiện đại hóa, công nghiệp hóa phải cơ khí hóa có công nghiệp chế biến và công nghiệp chế tạo. Nếu không làm được như vậy thì không nên đặt ra mục tiêu là công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà nên chấp nhận là một nước dịch vụ đi làm thuê, xuất khẩu hộ, thiếu thì đi mua chứ không nên đặt mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa", ông Thụ nói.

Theo ông Thụ, trước đây ngay từ đầu phát triển ngành cơ khí đã không được coi trọng nên không có được quyết sách đúng đắn. Cơ khí không phát triển đồng nghĩa với công nghệ thông tin không phát triển, công cụ phục vụ nông nghiệp, dệt may, cung cấp máy cho y tế, dân sinh không phát triển. Nhưng vì nó èo uột nên những ngành khác cũng không phát triển.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Vũ Quang Tâm, Giám đốc Nhà máy ô tô VEAM, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM)  cũng từng nói thẳng: Ngành công nghiệp sản xuất ô tô Việt nam đã có hơn 20 năm hình thành và phát triển song mới chỉ phát triển theo chiều rộng với sự có mặt của nhiều doanh nghiệp tham gia, chứ chưa có những đầu tư chiều sâu về công nghệ, máy móc, và con người.

"Trong lĩnh vực SX, lắp ráp ô tô chúng ta chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô-tô thật sự bởi mới ở mức độ lắp ráp, với dây chuyền SX chủ yếu mới dừng lại ở hàn, sơn và lắp ráp chưa có sự tham gia của bộ phận dập và nghiên cứu phát triển (đây là hai bộ phận rất quan trọng trong lĩnh vực SX, lắp ráp ô tô), còn ngành công nghiệp phụ trợ cũng mới chỉ làm được các chi tiết đơn giản có hàm lượng công nghệ không cao, sản lượng thấp", ông Tâm nói.

Chính vì thế, trước mục tiêu của Chiến lược đưa ra không phải dễ thực hiện.

Nhàn hạ hưởng lợi tội gì giảm giá ôtô


Theo Phương Nguyên

khanhnt

Báo đất Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên