MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sản xuất bim bim thịt bò từ nilon: Bất ngờ dừng sản xuất, phi tang xoá dấu vết?

10-11-2013 - 11:26 AM |

Ngay khi đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Hoài Đức tiến hành thanh, kiểm tra công ty TNHH Sa Sa (An Thượng, Hoài Đức, Hà Nội) đến nơi thì công ty này đã ngừng sản xuất vì... mất điện.

Liệu có “tay trong”, biết trước thông tin?

Trong khi đoàn kiểm tra liên ngành gồm công an huyện, đội Quản lý thị trường huyện, phòng Y tế huyện Hoài Đức... đang tiến hành kiểm tra công ty TNHH Sa Sa thì ở một diễn biến khác, cục Quản lý nông, lâm, thuỷ sản (bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) đã đưa ra bản kết luận về sản phẩm Sườn bò thơm cay. 

Theo kết quả kiểm nghiệm của các cơ quan chức năng, sản phẩm sườn bò này không có thịt nói chung và thịt bò nói riêng. Thành phần chính được ghi trên nhãn gồm bột mỳ, nước, dầu thực vật, đường, muối, ớt, bột gia vị, mỳ chính và phụ gia hương liệu. Như vậy, việc ghi tên sản phẩm có chữ "sườn bò" trong khi thành phần lại không có thịt bò là vi phạm quy định ghi nhãn, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

 

Chất tạo màu có xuất xứ từ Trung Quốc.

9h sáng (6/11), chúng tôi có mặt ở xưởng sản xuất của công ty Sa Sa. Lần này chúng tôi đến đây với tư cách là PV chứ không còn vào "vai" giúp người thân mở đại lý ở quận Gò Vấp (TP.HCM) như trước nữa. Khi PV báo ĐS&PL vừa bước vào văn phòng,  L. (nhân vật đã viết ở kỳ trước) cảm thấy rất ngỡ ngàng. Có lẽ, đến giờ phút này, cô nhân viên bán hàng của Sa Sa mới nhận ra được mục đích thực sự của chúng tôi khi thâm nhập vào xưởng của công ty. 

Theo quan sát của PV báo ĐS&PL, trái ngược với cảnh máy móc chạy ầm ầm, mùi phụ phẩm "sốc tận óc" như những ngày thường, bỗng nhiên công ty Sa Sa dừng hoạt động. Khi được hỏi, một nhân viên của công ty này cho biết, không sản xuất là do mất điện. Tuy nhiên, thấy những hộ dân bên cạnh của công ty này và các xưởng gỗ vẫn có điện bình thường, chúng tôi thắc mắc thì bà Phó giám đốc cho biết: "Công ty cắt điện để sửa lại đường dây của công ty". Sự cố cắt điện để sửa lại đường dây một cách "trùng hợp", rồi ngừng sản xuất đúng ngày đoàn kiểm tra liên ngành làm việc của công ty này khiến chúng tôi cảm thấy rất nghi ngờ.

Vào bên trong nhà xưởng sản xuất, chúng tôi thấy khá bất ngờ. Xưởng thứ 2 (theo cách gọi của PV), nơi mà chúng tôi trước đó thâm nhập đã trở thành "vườn không nhà trống". Tất cả các máy móc đã chuyển sang xưởng bên cạnh. Vào bên trong, chỉ còn lại những bao tải đựng đường, bột mỳ để chình ình một góc. 

Lúc này, mấy người lao động Trung Quốc mà các nhân viên gọi là "chuyên gia đến từ Trung Quốc" đang "ngồi chơi, xơi nước" ở xưởng. Bên ngoài và xưởng sản xuất số 1, các công nhân Việt Nam đang thi nhau cọ rửa những thiết bị đựng sản phẩm bim bim và máy móc. Lúc chúng tôi có mặt không thấy sự xuất hiện của "chuyên gia" Khoa, người đàn ông tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc). 

Sau này, PV mới biết, anh ta đang mệt và nằm nghỉ ở phòng bảo vệ. Điều khiến chúng tôi thêm một lần nữa đặt câu hỏi: "Chỉ cách đó mấy ngày, các sản phẩm thành phẩm của công ty chất cao như núi bỗng nhiên không còn một gói và dấu vết nào cả?". Chính vì việc mất điện, dừng sản xuất quá "trùng hợp" nên đoàn kiểm tra của huyện Hoài Đức không thể lấy mẫu sản phẩm mang về xét nghiệm.

 

Một trong hai "chuyên gia" người Trung Quốc của công ty Sa Sa giơ tay ra che mặt khi PV chụp hình.

"Hai không" vẫn  ngang nhiên hoạt động

Việc có đoàn kiểm tra của huyện làm việc tại công ty  Sa Sa, cũng khiến nhiều người dân An Thượng quan tâm. Tại quán nước ở cạnh công ty bim bim này, khá đông người đã có mặt từ sáng sớm để chờ kết luận. 

Trao đổi với PV, bác N.V.T (56 tuổi, xã An Thượng) bức xúc: "Chẳng có lý do gì mà công ty Sa Sa đã bị "đuổi" khỏi thị trấn Sơn Đồng, mà lại về đóng ở địa phương chúng tôi. Đều là con người cả, chẳng lẽ người dân Sơn Đồng không chịu được mùi hôi thối nồng nặc mà chúng tôi phải chịu đựng. Tôi thấy các cơ quan chức năng làm như vậy là không hợp lý và công bằng. Mỗi khi họ sản xuất, mùi mỡ, ớt... bay vào khu dân cư khiến chúng tôi buồn nôn, khó thở. Nhưng có lẽ khổ nhất là ngôi chùa đằng sau xưởng sản xuất. Những hôm công ty này sản xuất, nhiều người không dám đi lễ chùa vì... mùi hôi. Hơn nữa, ai biết được rằng những phụ phẩm đó có an toàn và con cháu chúng tôi hít phải liệu có mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp?".

Được biết, tính đến thời điểm hiện tại, công ty Sa Sa có 33 lao động, trong số đó có khoảng trên dưới 10 lao động người Trung Quốc. Trước đó ít lâu, Sa Sa có tổng cộng gần 20 "chuyên gia" Trung Quốc nhưng qua quá trình kiểm tra, công an đã phát hiện 9 người không đủ các giấy tờ liên quan. Sau đó, 9 lao động người Trung Quốc này đã phải về nước.

Theo quan sát của PV báo ĐS&PL, phẩm màu mà công ty này dùng để sản suất các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng đã thu được 9 hộp chất nhuộm màu tổng, chất nhuộm màu phụ của Trung Quốc. Ở mặt sau của sản phẩm in công ty nhập khẩu là công ty TNHH Hương Mộc (trụ sở phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội). 

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng phát hiện, công ty này có sử dụng muối có nguồn gốc từ Trung Quốc. Theo quan sát của PV, loại muối chỉ có nhãn mác nước ngoài chứ không có nhãn nhỏ ghi công ty nhập khẩu vào Việt Nam.

Sự thật về việc “làm mưa làm gió” trên thị trường

Một thông tin khiến nhiều người dân cảm thấy "sốc", đó chính là việc công ty này chưa đủ các điều kiện mà đã tiến hành sản xuất hàng loạt và "phủ sóng" toàn quốc. Tính đến thời điểm hiện tại, công ty Sa Sa chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực thẩm tại xã An Thượng. 

Bên cạnh đó, việc thực hiện bảo đảm quy định về môi trường, công ty không có bản cam kết bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường được xác nhận theo quy định. Thậm chí, công ty Sa Sa còn không trình các cơ quan chức năng được hoá đơn bán hàng. Có nghĩa là, trong những ngày tháng sản xuất với số lượng sản phẩm "khổng lồ" ở xã An Thượng, công ty này đã liều lĩnh bỏ mặc sức khoẻ của các "thượng đế" chủ yếu là học sinh, bỏ mặc vệ sinh môi trường của người dân An Thượng. 

Khi được hỏi về đề án bảo vệ môi trường, công ty này khẳng định là có. Tuy nhiên, họ đã "trình" ra một đống giấy tờ được cho rằng "đề án bảo vệ môi trường" nhưng ngặt nỗi chưa có cấp có thẩm quyền xác nhận. Lãnh đạo công ty chia sẻ: "Chúng tôi đã nhờ một công ty làm giúp các giấy tờ liên quan nhưng họ hẹn một tháng rưỡi nữa mới có kết quả". Thế nhưng trên bao bì sản phẩm, công ty này vẫn ngang nhiên quảng cáo "sản phẩm đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm", "sản phẩm mới nhất tại Việt Nam"... 

Mặc dù các thủ tục để công ty Sa Sa được phép sản xuất "thiếu đơn, thiếu kép" như vậy, nhưng không hiểu các cơ quan quản lý địa phương đến giờ phút này mới phát hiện được sau khi báo ĐS&PL khởi đăng loạt bài điều tra. Đây cũng chính là câu hỏi rất nhiều bậc phụ huynh đang tìm kiếm câu trả lời từ các cơ quan chức năng? 

Đại diện cục Quản lý chất lượng Nông lâm thuỷ sản còn cho biết, địa chỉ sản xuất ghi trên bao bì là Cụm 4 - Sơn Đồng - Hoài Đức - Hà Nội là không đúng với địa chỉ sản xuất hiện tại. Cơ sở này đã chuyển sang địa chỉ mới, nhưng bao bì vẫn ghi địa chỉ cũ. Cơ sở sản xuất tại địa chỉ mới cũng chưa được công nhận đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Căn cứ kết quả xác minh, Cục đã có văn bản gửi sở Công thương Hà Nội kèm theo hồ sơ, mẫu sản phẩm đã được lấy để tiếp tục xử lý. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra liên ngành huyện Hoài Đức phát hiện trong kho của công ty này có gần 200 bao bột mỳ, 120 bao bột ngọt Vedan, 20 bao đường, dầu đậu nành, dầu hoa hồi, phẩm màu 9 hộp xuất xứ từ Trung Quốc trọng lượng 500 gam/hộp, 2 lọ hương bò, 150kg vỏ bao bì.

Theo Văn Chương – Trinh Phúc

khanhnt

Đời sống và pháp luật

Trở lên trên