MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thâm nhập lãnh địa trùm buôn lậu đường qua biên giới

11-12-2014 - 16:38 PM |

Theo báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, mỗi ngày biên giới Tây Nam có khoảng 1.000 tấn đường nhập lậu gây thất thu cho ngành thuế mỗi năm hơn 700 tỷ đồng. Hơn hai tháng đột kích dọc biên giới Tây Nam, nhóm phóng viên Báo CATP ghi nhận nhiều bất ngờ xung quanh việc chống buôn lậu.

Đường đi của đường lậu

“Anh muốn xâm nhập vào hệ thống đường lậu ở biên giới Tây Nam khó lắm. Tôi sẽ giúp anh nhưng tuyệt đối không được mang máy quay phim, chụp ảnh” - T., một tay em trong đường dây buôn lậu đường căn dặn. Theo lời T., đường lậu chủ yếu nhập qua biên giới trên tuyến sông Bình Di (thuộc địa phận Campuchia-Việt Nam) tại địa bàn huyện An Phú.

Trung tuần tháng 11-2014, chúng tôi tìm đến con sông Bình Di. Trời tối đen như mực, thỉnh thoảng thấp thoáng ánh sáng đèn pin lóe lên kèm tiếng gọi nhau í ới. Xa xa, bên bờ sông thuộc lãnh địa của Campuchia vài chiếc ghe chuẩn bị xuất bến. Tại bờ sông bên này, hàng chục cửu vạn là người dân địa phương chờ sẵn. Một thanh niên cao lớn phân công từng người: một nhóm có nhiệm vụ bốc vác và vận chuyển, nhóm còn lại chịu trách nhiệm “cảnh giới” khi phát hiện lực lượng chức năng, tìm mọi cách thông báo cho đồng bọn chạy ghe về phía Campuchia. T. nói mấy tháng gần đây “bị động” nên lượng hàng về ít, chủ yếu để giữ bạn hàng. Trong nhóm cửu vạn ngoài dân nghèo còn có nhiều đối tượng xã hội đen, sẵn sàng bảo kê đường lậu theo yêu cầu của chủ.

Thông thường, các đối tượng dùng ghe máy từ 20 - 25 tấn làm kho chứa neo đậu trên sông Bình Di doạn thuộc Campuchia. Sau khi móc mối được với bạn hàng là những buôn lậu đường ở biên giới Tây Nam thì thay đổi bao bì cho ghe nhỏ chở vào bờ để đưa vào kho chờ phân phối.

Dù đêm đã khuya nhưng con kênh ngọn Cây Hàng ra sông Châu Đốc (thuộc khu vực xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, An Giang) vẫn xình xịch tiếng xuồng máy của dân vận chuyển đường lậu. Tìm đến địa bàn huyện Tịnh Biên, đường cát ngoại tràn vào nội địa không thua kém gì các nơi khác. Dân buôn tập kết đường lậu tại khu vực gò Tà Lập, Campuchia rồi sử dụng xuồng máy chở theo cống Cây Dương đưa về các kho của trùm buôn lậu đã được xây dựng sẵn chờ ngày tiêu thụ.

Chân dung “ông trùm”


Cửu vạn đang tập kết đường lậu trên sông Bình Di



Một số đối tượng vận chuyển đường lậu nhỏ lẻ tránh bị xử lý hình sự


Cửu vạn thay đổi bao bì nhằm hợp thức hóa số đường lậu


Đường đưa vào kho của Tỷ để hợp thức hóa


Những ngày ở biên giới Tây Nam, chúng tôi phát hiện thị phần đường lậu chủ yếu do ông Vi Ngươn Thạnh (biệt danh Tỷ đường) thao túng thị trường đường lậu chiếm đến 35% tổng số đường lậu. Để hợp thức hóa, Tỷ đường là chủ của 3 doanh nghiệp: Công ty TNHH một thành viên Thiên Thiên Phước (tại phường Châu Phú A, TP.Châu Đốc), Công ty TNHH Hoàng Minh (Cửa khẩu Long Bình, TP.Châu Đốc do con trai là Vi Hoàng Minh đứng tên) và Cơ sở đường cát Minh Long (quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ do vợ Tỷ đứng tên). Ngoài ra, Tỷ còn thuê đất lập rất nhiều kho dọc biên giới và hơn 50 chiếc xe tải chở có dán hình bầy ngựa màu đỏ và dòng chữ “T91 Hoàng Long”.

Tuy hoạt động khá rầm rộ nhưng việc xử lý Tỷ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mỗi khi đường lậu bị bắt giữ thì không bao lâu sau, Tỷ dùng hóa đơn của công ty này bán cho hóa đơn của công ty kia để hợp thức hóa số đường nhập lậu. Năm 2013, Hải quan An Giang bắt giữ của Tỷ gần 400 tấn đường lậu nhập vào Việt Nam nhưng chỉ tịch thu khoảng 50 tấn bởi số còn lại phải trả cho chủ vì thủ tục giấy tờ hợp lệ. Hiện nay, lực lượng công an tạm giữ của Tỷ hàng chục xe tải vi phạm chở đường lậu. Trong năm 2014, Tỷ nhiều lần bị bắt quả tang khi có dấu hiệu buôn lậu đường nhưng chỉ dừng lại ở mức xử lý hành chính.

Một cán bộ hải quan An Giang cho biết, 11 xe tải của Tỷ bị tạm giữ do nghi chở 125,5 tấn đường chờ xác minh làm rõ. Tại thời điểm kiểm tra và lập biên bản, các tài xế không xuất trình được giấy tờ liên quan như: không có hóa đơn, nhãn mác hàng hóa trên bao bì mà khai nhận chở thuê cho Tỷ đường. Vài ngày sau, Tỷ tìm đến các cơ quan chức năng nhận số đường trên là của mình được mua ở một công ty tận... Hà Nội.

Để minh chứng cho lời nói trên, Tỷ trình hóa đơn do Công ty cổ phần 3-2, Hà Nội ghi số lượng 200 tấn, nhiều hơn số lượng đường tạm giữ 75 tấn. Đặc biệt, trong hóa đơn ghi rõ đường hạt to, màu vàng nhưng đường tạm giữ là đường tinh luyện màu trắng, hạt nhuyễn. Nghịch lý là vậy nhưng các cơ quan chức năng đành phải “chào thua”. Khi đường dây bị chặn, Tỷ liền đổi phương thức hoạt động giữ mối. Và để răn đe với các đối tượng khác, Tỷ thuê cả băng nhóm giang hồ sẵn sàng thanh toán khi ai tranh giành lãnh địa.

Trước hoạt động buôn lậu rầm rộ, kéo dài nhiều năm của Tỷ đường, dư luận đặt nghi ngờ liệu tay trùm này có được ai che chở? Nhiều vụ vi phạm của Tỷ đường bị bắt quả tang, song chỉ bị xử phạt hành chính.

Điển hình, ngày 9-3-2013 cơ quan liên ngành kiểm tra kho hàng của Công ty Thiên Thiên Phước phát hiện 7.250 kg đường kết tinh không nhãn mác, không ký hiệu, không rõ xuất xứ. Đến ngày 25-3-2013, Đội Kiểm soát hải quan phối hợp Chi cục hải quan Cửa khẩu Vĩnh Hội Đông phát hiện ông Dương Quang Thố (ngụ huyện An Phú, An Giang) vận chuyển 15.050kg đường không có nhãn hiệu, không rõ xuất xứ, không hóa đơn chứng từ hợp pháp.

Qua sáu tháng điều tra, các cơ quan chức năng trả lời không đủ chứng cứ để khởi tố vụ án hình sự. Tháng 11-2013, UBND tỉnh An Giang ký hai quyết định xử phạt hành chính đối với Tỷ đường với số tiền 52,5 triệu đồng, tịch thu tang vật là 15,776 tấn đường không rõ nguồn gốc. Đến nay, Tỷ đường vẫn tiếp tục hoạt động như thách thức các cơ quan phòng chống buôn lậu.

THƯỢNG TÁ ĐẶNG VĂN ĐẮC, PHÓ TRƯỞNG PHÒNG CSĐTTP VỀ QLKT VÀ CV CÔNG AN TỈNH AN GIANG:

Không có “vùng cấm” đối với tội phạm buôn lậu


Lực lượng liên ngành tuần tra dọc biên giới


Trong thời gian qua, lực lượng công an đã bắt giữ 37 vụ, liên quan đến 39 đối tượng, tạm giữ số lượng 744,32 tấn đường cát và 43 phương tiện vận chuyển. Ngoài ra, chúng tôi còn tổ chức kế hoạch liên ngành gồm 4 lực lượng: Công an, Hải quan, Bộ đội biên phòng, Quản lý thị trường kiểm tra duyệt hóa đơn 256 lượt ôtô tải và 2 ghe máy vận chuyển đường trên các tuyến giao thông thủy bộ đã xử lý hành chính 18 vụ, xử phạt 11 đối tượng và đang điều tra xác minh 12 vụ. Khi có bằng chứng, chúng tôi sẽ xử lý theo đúng pháp luật.  

Theo  Nhóm PVĐT

thamht

Công an TPHCM

Trở lên trên