MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thu hồi sữa nghi nhiễm khuẩn: Người tiêu dùng có được hỗ trợ, đền bù?

06-08-2013 - 09:10 AM |

2 loại sản phẩm sữa dành cho trẻ em nghi nhiễm khuẩn độc hại vừa bị yêu cầu thu hồi đang gây hoang mang. Vấn đề đáng quan tâm là nếu trẻ đã dùng các sản phẩm này, liệu có được đền bù, hỗ trợ?

Khó đánh giá lượng sữa “bẩn” đã tiêu thụ

Theo công văn của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Cục chưa cấp phép cho bất cứ sản phẩm sữa Karicare cho trẻ dưới 12 tháng tuổi nào vào Việt Nam. 

Trước đó, Bộ Công nghiệp cơ bản New Zealand thông báo chính thức về các sản phẩm Karicare do Công ty Nutricia - New Zealand sản xuất có sử dụng whey protein concentrate trên có thể bị nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum (C.Botulinum) bao gồm: Karicare Formula số 1 (cho trẻ từ 0-6 tháng tuổi) với số lô 3169 và 3170; hạn sử dụng 17.6.2016 và 18.6.2016 và Karicare Gold+ Follow on Formula số 2 (cho trẻ từ 6-12 tháng tuổi) với số lô D3183; hạn sử dụng 31.12.2014.

Dù vậy, tìm kiếm qua trang Google với cụm từ “Sữa Karicare Aptamil Gold Plus dành cho trẻ 0-6 tháng” đã hiện lên hơn 44.000 kết quả mua bán sản phẩm này ở Việt Nam. Trên rất nhiều trang web như shopsocquay, cityplaza, onlinemuasam… và hàng chục trang khác đều đang có bán sản phẩm sữa Karicare số 1 và số 2. Không ai dám chắc trong số sữa đã được các cửa hàng online đó bán ra có bao nhiêu hộp sữa thuộc các lô sữa nghi nhiễm vi khuẩn độc hại!

Ngày 5.8, văn phòng đại diện Công ty Abbott tại Việt Nam và Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A (đơn vị phân phối sản phẩm) đã có công văn gửi Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) về việc thu hồi các lô hàng Similac GainPlus Eye-Q cho trẻ 1-3 tuổi bị nghi nhiễm khuẩn đang bán tại Việt Nam. 

Theo đó, Văn phòng Abbott đã đi kiểm tra và nhận hàng từ 2.060 cửa hàng, 90 nhà phân phối tại địa phương và 5 chuỗi siêu thị. Theo ông Đỗ Thái Vương – Giám đốc đối ngoại Văn phòng Abbott, 10 lô sữa Similac nghi nhiễm khuẩn được nhập vào Việt Nam từ ngày 17.6, đã bán ra 12.927 thùng, đã thu hồi được 10.135 thùng, trong đó thùng sữa loại 400g có 24 hộp, thùng loại 900g có 12 hộp. 

Ông Vương cho biết, Văn phòng Abbott đã khẩn trương thu hồi, đồng thời đã có nhiều khách hàng mua sữa liên hệ đổi sản phẩm. Tuy nhiên, chưa thể định lượng được số hàng đã được trẻ “dùng hết” là bao nhiêu. 

Ông Trần Quang Trung – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, Cục đang tiếp tục yêu cầu Văn phòng Abbott và nhà nhập khẩu Similac GainPlus Eye-Q bị nghi nhiễm khuẩn khẩn trương thu hồi sản phẩm. Đồng thời, Cục đã chỉ đạo Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia xét nghiệm sản phẩm sữa Similac nghi nhiễm khuẩn và công bố kết quả chính thức vào tuần này. 

Lo thì... tự đi khám 

Ông Đỗ Thái Vương cho biết, các khách hàng đã mua sữa Similac các lô nghi nhiễm khuẩn như đã thông báo có thể đến các đại lý sữa Abbott hoặc gọi điện đến các đường dây nóng có trên hộp sữa để được đổi hoặc hoàn tiền, kể cả các hộp sữa đã mở nắp, dùng rồi.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi: “Trẻ em đã dùng hết, nếu nguy hiểm đến sức khỏe thì Abbott sẽ chịu trách nhiệm như thế nào, ông Vương cho biết, hiện cả Văn phòng Abbott tại Việt Nam và cả Hãng Abbott chưa ghi nhận được trường hợp nào về việc nhiễm bệnh của trẻ sau khi uống sữa thuộc các lô đang bị thu hồi. 

“Tuy nhiên, nếu cha mẹ băn khoăn về sức khỏe của con thì có thể tự đưa con đi khám tại các cơ sở y tế” - ông Vương nói (!?). 

Chị Nguyễn Thu Trang (Ba Đình, Hà Nội) có con gái đã uống sữa Similac GainPlus Eye-Q được 4 tháng. Sau khi nghe “hung tin”, chị về nhà kiểm tra và tá hỏa khi thấy hộp sữa của con gái mình trùng với số lô được cảnh báo nhiễm khuẩn 2565G54118. Chị mang hộp dùng dở ra đại lý đổi và được hoàn tiền. 

“Tôi mua cùng lúc 2 hộp 400g, con tôi đã dùng hết 1 hộp, còn 1 hộp cũng dùng gần hết. Điều đó đồng nghĩa với việc có thể con tôi đã uống không biết bao nhiêu vi khuẩn vào người. Sẽ không thể biết sức khỏe của cháu bị ảnh hưởng đến mức nào. Chẳng nhẽ hãng sữa “chỉ đổi sữa” là rũ hết trách nhiệm của mình?” – chị Hằng cho biết. 

Ông Vương Ngọc Tuấn – phụ trách Văn phòng tư vấn hỗ trợ, giải quyết khiếu nại người tiêu dùng thuộc Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, đối với bất cứ sản phẩm nào, khi đã xác nhận là kém chất lượng, nhiễm khuẩn gây độc hại đến sức khỏe thì đều cần phải đền bù cho người tiêu dùng vì “bán sản phẩm kém với thực chất số tiền khách hàng đã bỏ ra” chứ không “trả lại tiền” là xong hay đợi đến khi sản phẩm đó thực sự gây hại cho khách hàng mới chịu trách nhiệm. 

Theo ông Tuấn, nếu như khách hàng không khởi kiện, thì căn cứ trên sản phẩm “khuyết tật” đã bán ra, cơ quan nhà nước nên bắt buộc tổ chức bán, sản xuất sản phẩm khuyết tật phải nộp một số tiền nhất định vào một quỹ bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, chứ không thể nhập nhằng “đánh bùn sang ao” vì không xác định được cụ thể thiệt hại như hiện nay.

Theo ông Vương Ngọc Tuấn: “Điều 23 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã quy định: Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật”. Nếu không đền bù thỏa đáng cho khách hàng là vi phạm luật”.

 

Theo Diệu Linh

khanhnt

Dân Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên