MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ thuốc hàm lượng “lạ” vẫn trúng thầu: Cần cơ quan chức năng làm rõ

05-07-2013 - 08:07 AM |

Việc các công ty dược trúng thầu thuốc với hàm lượng “lạ” đang đặt ra vấn đề liệu có vi phạm các quy định hiện hành?

Ngay sau khi chúng tôi đăng bài “Thuốc hàm lượng “lạ” vẫn trúng thầu - Ai hưởng lợi?”, hôm qua 4-7, theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, qua kết quả trúng thầu cung ứng thuốc năm 2013 của 9 tỉnh, thành đã rà soát được khoảng 20 thuốc có hàm lượng bất bình thường, tập trung chủ yếu ở các nhóm thuốc kháng sinh và giảm đau. Tuy nhiên, hầu hết các loại thuốc có hàm lượng “lạ” này là của 2 nhà sản xuất có tỷ lệ trúng thầu khá cao ở các tỉnh, thành.

Trong khi đó, liên quan đến một số thuốc trúng thầu của Công ty cổ phần Tập đoàn Merap (Việt Nam) vào tỉnh Bình Dương và một số tỉnh có hàm lượng “lạ”, giá cao như Cefalexin 350mg, Cefoperazol + Sulbactam 1,5g + 750mg…, ông Phan Thanh Bình, Phó Tổng giám đốc công ty, cho biết những loại thuốc trúng thầu của công ty đều được cấp số đăng ký lưu hành từ cuối năm 2011, do đó không thể nói việc sản xuất thuốc có hàm lượng “lạ” để đối phó với Thông tư 01/2012/TTLT-BYT-BTC (Thông tư 01) về hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế (có hiệu lực 1-6-2012).

Thuốc hàm lượng “lạ” đáp ứng nhu cầu điều trị vì qua khảo sát cho thấy bác sĩ có xu hướng sử dụng thuốc kháng sinh tăng liều nên việc thay đổi hàm lượng để bác sĩ có nhiều lựa chọn điều trị cho phù hợp.

Mặt khác, những loại thuốc trúng thầu đều đã được Hội đồng Thuốc quốc gia xét duyệt, thậm chí có loại thuốc đã được thử nghiệm tương đương sinh học. Trả lời về việc vì sao có giá trúng thầu cao so hơn với các loại thuốc có hàm lượng thông thường, ông Phan Thanh Bình cho biết giá thuốc đã được kê khai với Cục Quản lý dược Bộ Y tế và nếu quy chuẩn giá trên hàm lượng 100mg thì giá trúng thầu một số loại thuốc của Merap ở mức trung bình…

Ông Phan Thanh Bình cũng lý giải nguyên liệu đầu vào sản xuất thuốc nhập khẩu từ Thụy Sĩ, Ý nên chắc chắn có giá cao hơn các loại thuốc có hàm lượng thông thường có nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ… “Công ty sản xuất thuốc ra hàm lượng dựa trên cơ sở nhu cầu sử dụng và đúng quy trình. Nếu mọi thứ không giải quyết hợp tình hợp lý, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn, thậm chí phá sản” - ông Phan Thanh Bình nhấn mạnh và kiến nghị được trao đổi với Hội đồng xét duyệt thầu để phân tích một cách cặn kẽ…

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ Công ty cổ phần Tập đoàn Merap mà nhiều công ty khác cũng sản xuất thuốc có hàm lượng “lạ” và trúng thầu với giá cao ngất ngưởng. Thống kê sơ bộ của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến nay cho thấy mới chỉ có gần 30 tỉnh, thành phố đã và đang tổ chức đấu thầu mua thuốc theo hướng dẫn mới của Thông tư 01. Các địa phương còn lại chưa tổ chức đấu thầu mua thuốc theo quy định mới chủ yếu do thời hạn hợp đồng mua thuốc cũ chưa hết hiệu lực.

Tuy nhiên, thực tế còn một số địa phương mặc dù thời hạn hiệu lực hợp đồng mua thuốc theo quy định cũ đã hết nhưng vẫn chưa tổ chức đấu thầu theo quy định mới mà đề nghị được gia hạn hiệu lực hợp đồng theo kết quả đấu thầu cũ. Ngay cả TPHCM, nơi có tỷ lệ sử dụng thuốc rất lớn nhưng đến nay vẫn còn vướng mắc đấu thầu thuốc cho năm 2013 vì “chờ” đấu thầu thuốc tập trung.

PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết đã hết gia hạn áp thầu giá theo năm 2012 nhưng đến nay Trung tâm Mua sắm công của Sở Y tế vẫn chưa hoạt động nên chưa đấu thầu thuốc được. Khi tổ chức đấu thầu sẽ xem xét rất kỹ càng về những trường hợp thuốc có hàm lượng “lạ”.

Trong khi đó, theo Thông tư 01, việc đấu thầu thuốc vào bệnh viện không quy định hàm lượng mà chỉ quy định về hoạt chất. Do vậy, việc các công ty dược trúng thầu thuốc với hàm lượng “lạ” đang đặt ra vấn đề liệu có vi phạm các quy định hiện hành? Hơn nữa, nếu đối chiếu với Dược thư quốc gia, việc sản xuất thuốc có hàm lượng “lạ” có ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị hay không? Những vấn đề này cần được Hội đồng Thuốc quốc gia cũng như Cục Quản lý dược thông tin rõ bởi đã cấp phép đăng ký lưu hành!

Theo Tường Lâm

khanhnt

Sài Gòn giải phóng

Trở lên trên