MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng tuần, Bí thư và Chủ tịch Hà Nội đều đi "vi hành"!

Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016 năm nay ghi nhận cố gắng xuất sắc của Hà Nội khi thành phố này có sự bứt phá, tăng 10 bậc để xếp hạng thứ 14 với 60,74 điểm. Đây cũng là năm đầu tiên Thủ đô “đặt chân” vào nhóm có chất lượng điều hành Tốt.

Theo đó, nỗ lực này được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận nhiều nhất ở chỉ số thành phần chi phí thời gian và chi phí không chính thức, điểm số lần lượt tăng 0,3 và 0,4 so với năm ngoái. Cụ thể, có 53% doanh nghiệp được khảo sát cho biết không phải đi lại nhiều lần để lấy dấu và chữ ký – tăng 4% so với năm 2015 và 15% so với cách đây 2 năm.

Có 49% doanh nghiệp tại Hà Nội cho biết “cán bộ Nhà nước thân thiện trong giải quyết thủ tục hành chính”, tăng 13% so với một năm trước đó. Tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp cũng giảm từ 78% xuống còn 69%.

Đại diện cho thành phố, ông Trần Ngọc Nam, Phó Giám đốc Sở KHĐT Hà Nội cho hay, để cải thiện chỉ số PCI, Chủ tịch TP cũng trực tiếp chỉ đạo ban cải cách, bên dưới có tổ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo hướng rộng mở, quyết nhanh chóng kịp thời, tạo môi trường thân thiện.

Cụ thể, thành phố thực hiện báo cáo hàng tuần, hàng tháng. Trên cơ sở các khó khăn được nêu ra, thành phố sẽ thành lập tổ công tác giải quyết tất cả khó khăn của doanh nghiệp trên địa bàn, trong đó nêu rõ mời lãnh đạo các ngành nào, ngày nào, giờ nào để trực tiếp ngồi cùng doanh nghiệp và tháo gỡ khó khăn cho họ.

Ông Nam cho hay, Chủ tịch TP Hà Nội rất kiên quyết. Lãnh đạo Sở KHĐT Hà Nội cũng tiết lộ trong thời gian qua từ Bí thư cho đến các đồng chí thường trực đều đi “vi hành” để có thể tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

“Khi đi cơ sở làm việc, Bí thư Hà Nội và Chủ tịch Hà Nội đều yêu cầu lãnh đạo các sở ngành tham dự và báo trước cho các doanh nghiệp tham gia”, ông Nam nói.

Tại các cuộc họp này, tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn quận, huyện đều phản ánh, báo cáo ngay với lãnh đạo. Trên cơ sở đó, các ban ngành giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp.

“Cái gì hướng dẫn được thì hướng dẫn, nếu không thì sẽ phải ghi lại để giải quyết sau. Mỗi lần như vậy, thường sẽ có thông báo là ngành nào tháo gỡ cái gì, địa điểm, thời gian ra sao. Phải báo cáo doanh nghiệp, báo cáo bí thư, hàng tuần như vậy”, vị lãnh đạo Sở này cho hay.

Bên cạnh đó, Hà Nội nêu khẩu hiệu 4 rõ: Rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ hiệu quả. Đây là cơ sở để kiểm đếm, xác định chức trách, đánh giá người thực thi công vụ.

Thưa ông, trong đăng ký kinh doanh Hà Nội đã có cải cách gì?

Muốn phát triển kinh tế xã hội thì một trong những nội dung rất quan trọng là đẩy mạnh phát triển và hỗ trợ cho doanh nghiệp. Năm qua là một năm vượt bậc về đăng ký doanh nghiệp tại Hà Nội, trên 20.000 doanh nghiệp được thành lập, 2 tháng đầu năm nay đã có 2.880 doanh nghiệp được đăng ký mới, hiện tại gần 4.000 doanh nghiệp, tăng 11% so với cùng kỳ. Tổng số 211.000 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Có được kết quả này là đẩy mạnh cải cách hành chính trong đăng ký kinh doanh, một trong số đó là đăng ký kinh doanh qua mạng, khoảng 68% doanh nghiệp đăng ký qua mạng,( theo 36A Hà Nội được giao 10-11% đăng ký qua mạng). Điều này đã được cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ rất nhiều.

Ông có thể nói thêm về sáng kiến mới tạo thêm sân chơi cho cộng đồng doanh nghiệp của thành phố?

Sân chơi cho cộng đồng doanh nghiệp, Hà Nội đã cố gắng nhiều, như có đề án khởi nghiệp sáng tạo, trong đó có đề án đẩy mạnh sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp phát triển, trong đó có 1 số vườn ươm công nghệ thực phẩm, công nghệ thông tin…

Đặc biệt thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tới năm 2017 lãnh đạo thành phố đưa ra khẩu hiểu là năm kỷ cương hành chính, do đó chúng tôi đang tích cực triển khai.

N.D

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên