MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hành động “nhỏ nhưng có võ” giúp các sếp thu phục lòng người, nhất là nhân viên dưới trướng mình: Tưởng là dễ nhưng chỉ số ít người dám làm

24-01-2019 - 12:00 PM | Sống

Việc tiết lộ những thất bại hay sai lầm mà bản thân từng gặp phải sẽ giúp những người ở vị trí lãnh đạo ít gặp phải sự đố kị từ người khác. Đây là một chiến lược quan trọng trong quan hệ giữa các cá nhân với nhau mà những người không phải là sếp cũng nên học hỏi và áp dụng.

Một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc trường Kinh doanh Harvard mới đây đã chỉ ra rằng các nhà quản lý dám chia sẻ về những thất bại của mình sẽ ít phải đối mặt với sự bực bội, oán giận từ nhân viên và những người khác. Điều này nghe có vẻ không thực tế nhưng đó chính là cách đơn giản để mọi người giảm bớt sự đố kị, nghiên cứu sinh Nicole Abi - Esber chia sẻ với Money.

Cô nói: "Tất cả chúng ta đều muốn mọi người nghĩ rằng bản thân mình tài giỏi và có đủ khả năng. Hãy kết hợp điều đó với một chút trở ngại bạn gặp phải và rồi nó sẽ khiến mọi người kết nối với bạn nhiều hơn".

Abi - Esber đã dành thời gian để phát triển bài viết "Mitigating Malicious Envy: Why Successful Individuals Should Reveal Their Failures (Giảm nhẹ sự ghen tị độc hại: Tại sao người thành công nên tiết lộ những thất bại của mình). Cô tham gia vào nhóm nghiên cứu nhằm làm rõ xem việc chia sẻ về những thất bại so với giấu diếm chúng có khiến mọi người bớt ghen tị hơn hay không. Và đây là kết quả của cuộc nghiên cứu cùng những lý do mà ai cũng nên làm vậy.

Sai lầm hay thất bại cũng có điểm tốt của nó

Đầu tiên, các chuyên gia của Havard tiến hành xác minh liệu có phải mọi người thường ít chia sẻ về thất bại của mình hơn so với thành công không. Thông qua Mechanical Turk (MTurk) của Amazon - một chương trình trả phí cho người tham gia khảo sát, các nhà nghiên cứu đã hỏi 150 người tham gia về các thành tựu của họ và người mà họ chia sẻ những điều ấy. Kết quả thu được đã chứng minh giả thiết được đưa ra ban đầu.

"Mọi người luôn không sẵn lòng và tỏ ra miễn cưỡng khi tiết lộ về những thất bại của mình. Nếu bạn cho họ cơ hội, họ sẽ chọn nói về thành công," Abi - Esber cho hay.

Hành động “nhỏ nhưng có võ” giúp các sếp thu phục lòng người, nhất là nhân viên dưới trướng mình: Tưởng là dễ nhưng chỉ số ít người dám làm - Ảnh 1.

Sau khi thiết lập cơ sở, các nhà nghiên cứu tiếp tục xem xét tới việc nói ra những thất bại cùng với thành công liệu có thực sự khiến người nghe ít đố kị hơn hay không. Cuộc khảo sát tiếp tục được tiến hành qua chương trình MTurk, và 300 người tham gia sẽ đọc những tiểu sử ngắn gọn của các đồng nghiệp giả định.

Một số tiểu sử chỉ tiết lộ về thành tựu như các giải thưởng đạt được hay mức lương cao, trong khi nhiều bản tiểu sử khác lại tiết lộ cả về thành công và thất bại. Kết quả, những người chọn đọc bản tiểu sử có đủ cả hai điều trên có cảm giác ghen tị thấp hơn những người chỉ đọc về thành công.

Sau khi thu lại kết quả tương tự trọng một cuộc nghiên cứu khác trên MTurk với 600 người tham gia, nhóm nghiên cứu chuyển sang nghiên cứu thực địa về việc cạnh tranh trong lĩnh vực khởi nghiệp.

Các nhà nghiên cứu đã cho khoảng 80 doanh nhân nghe một bản ghi âm của ai đó. Một số bản chỉ nói về thành công như "Tôi đã từng giành được một vài khách hàng lớn - các công ty như Google và GE". Các bản ghi còn lại thì nói cả về thành công cũng như thất bại với câu nói "Không phải lúc nào tôi cũng thành công. Để đứng được ở vị trí này như hôm nay, tôi đã gặp phải vô vàn khó khăn..., nhiều khách hàng tiềm năng đã từ chối tôi".

Qua đây, các nhà nghiên cứu một lần nữa nhận thấy những người nghe bản ghi âm chia sẻ về cả thành công và thất bại sẽ cảm thấy ít ganh ghét, đố kị hơn. Họ cũng phát hiện ra rằng việc kể về những sai lầm của mình sẽ làm tăng nhận thức về sự tự tin và niềm kiêu hãnh đích thực. Thêm vào đó, nhiều người còn thậm chí cảm thấy như được truyền cảm hứng để ngày càng hoàn thiện bản thân.

Elvis, Oprah và bạn

Có lẽ bạn đã từng nghe hàng trăm câu chuyện thất bại của những người nổi tiếng. Chẳng hạn như Elvis Presley từng nói rằng có lẽ ông sẽ không thể làm ca sĩ nhưng sau đó ông đã trở thành "ông hoàng nhạc Rock and Roll". Oprah Winfrey bị sa thải khi mới bắt đầu làm công việc đầu tiên của mình trên truyền hình nhưng hiện tại trở thành "nữ hoàng truyền thông Mỹ". Bản thảo bộ truyện "Harry Potter" của tác giả J.K. Rowling từng bị 12 nhà xuất bản từ chối, nhưng sau đó lại trở thành cuốn sách ăn khách và được chuyển thể thành phim, góp phần đưa nữ tác giả thành một trong số những phụ nữ giàu nhất nước Anh...

Hành động “nhỏ nhưng có võ” giúp các sếp thu phục lòng người, nhất là nhân viên dưới trướng mình: Tưởng là dễ nhưng chỉ số ít người dám làm - Ảnh 2.

Trải qua nhiều khó khăn, thử thách, "nữ hoàng truyền thông Mỹ" Oprah Winfrey là phụ nữ gốc Phi đầu tiên lọt vào danh sách các tỷ phú và được xem là một trong những nhân vật có nhiều ảnh hưởng nhất thế giới.

Thế nhưng, bạn không cần phải giống như họ - là người nổi tiếng - để có thể "hưởng lợi" từ những thất bại của mình. Đặc biệt, nếu bạn là sếp, quản lý hay người nắm giữ vai trò lãnh đạo thì lại càng cần ghi nhớ và áp dụng chiến lược này của Havard vào cuộc sống và công việc hàng ngày. Nhờ đó, bạn không chỉ có thể nhìn lại quá trình vất vả để đạt được thành công của mình, mà còn có thể khiến nhân viên và những đồng nghiệp khác thấu hiểu và bớt ganh tị với bạn hơn. 

Một ví dụ điển hình là giáo sư của trường Princeton, Johannes Haushofer, với bản CV về những thất bại nổi tiếng. Đó là một danh sách về toàn bộ những chương trình cấp bằng mà ông không được nhận vào, những học bổng và giải thưởng mà ông không thể giành lấy.

Nghiên cứu sinh Abi - Esber cũng đã áp dụng lời khuyên này vào cuộc sống đời thường của bản thân. Khi cô đăng nhập vào LinkedIn đầu tháng này để đăng tin về bài báo học thuật đầu tiên được xuất bản của mình, cô không chỉ chăm chăm nói về thành tựu. Bên cạnh đó, cô nói về tất cả những thách thức cô đã gặp phải với các chứng cứ, sự xét duyệt và chỉnh sửa mà cô và các đồng nghiệp đã phải đối mặt để đạt được kết quả như vậy.

Bạn thấy đó, việc nói về thất bại của mình chỉ đơn giản như vậy thôi. Vậy nên lần tới, khi bạn ăn mừng một thành tựu nào đó trong công việc, hãy tiết lộ thêm cả những thất bại mà bạn gặp phải nữa. Dù bạn chẳng phải là sếp hay nhà quản lý, nhưng việc bạn đã vượt qua những khó khăn ấy để chạm tới thành công dường như sẽ giúp bạn bớt đi sự ngạo mạn đối với đồng nghiệp. Đồng thời, nó cũng giúp bạn tránh đi những đố kị và tị nạnh không đáng có trong công việc và cuộc sống.

"Trong một vài khoảnh khắc nào đó khi bạn đang chia sẻ về những chiến thắng của mình, hãy nói cả về những sai lầm lệch hướng mình từng mắc phải nữa," Abi - Esber nói. Và bạn cũng đừng lo lắng rằng tiết lộ những điều ấy sẽ làm mất uy tín hay thể diện của bản thân, bởi khi bạn biết kết hợp hài hòa thành công với thất bại trong lời chia sẻ của mình, danh tiếng của bạn vẫn sẽ tốt đẹp thôi!

Đinh Kim

Time

Trở lên trên