MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hành trình 20 năm không cần lãi của Coca-Cola Việt Nam

06-07-2016 - 09:34 AM | Doanh nghiệp

Khảo sát của Nielsen cho biết, 80% người Việt đang chủ động tìm kiếm các sản phẩm có chứa các thành phần tốt cho sức khoẻ, hạn chế các sản phẩm chứa nhiều đường. Điều này khiến Coca-Cola buộc phải chuyển sang sản xuất các loại nước uống có lợi cho sức khoẻ, thay vì tập trung vào thương hiệu đồ uống có gas đặc trưng của mình.

Mới đây, Coca-Cola vướng vào rắc rối về giấy phép, khi 13 sản phẩm của hãng, như Nutriboost, Samurai, Aquarius, Dasani... đã bị Thanh tra Bộ Y tế yêu cầu dừng lưu thông trên 6 tỉnh thành do chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đáng chú ý là, chỉ chưa đầy 1 ngày sau, Coca-Cola tuyên bố đã sở hữu giấy chứng nhận này.

Cùng điểm lại hành trình kinh doanh tại Việt Nam của đại gia đồ uống có ga lớn nhất thế giới này tại Việt Nam.

Ngày 8/5/1886, Coca-Cola được John S.Pemperton sáng chế và bán tại hiệu thuốc Jacobs tại Mỹ. Trong suốt năm này, mỗi ngày Coca-Cola bán được trung bình 9 ly, đánh dấu sự ra đời của hãng nước giải khát hàng đầu thế giới.

Gần 100 năm sau, vào tháng 2/1994, Coca-Cola đặt chân vào thị trường Việt Nam với số vốn đầu tư 163 triệu USD, sau khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại với Việt Nam.

Những liên doanh không bao giờ lãi

Coca-Cola nhanh chóng thành lập 3 liên doanh tại 3 miền Việt Nam, miền Bắc là liên doanh giữa Coca-Cola Đông Dương và Công ty Nông nghiệp và thực phẩm Vinafimex (tháng 8/1995); Miền Nam là Coca-Cola Chương Dương; Miền Trung là Coca-Cola Non Nước (tháng 1/1998).

Tuy nhiên, các liên doanh đều không có lãi, khiến các đối tác Việt Nam với năng lực tài chính yếu hơn không thể trụ vững. Tháng 10/1998, Chính phủ cho phép các công ty liên doanh trở thành công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài. Chính sách này giúp Coca Cola mua lại phần vốn góp của các đối tác Việt Nam, sở hữu toàn bộ 3 liên doanh, để rồi năm 2001 chính thức trở thành công ty 100% vốn nước ngoài, với số vốn đầu tư 350 triệu USD. Khi đó, tổng công suất 3 nhà máy của Coca Cola khoảng 400 triệu lít/năm.

Sau khi trở thành công ty 100% vốn nước ngoài, Coca-Cola vẫn "bền bỉ" báo lỗ trong suốt một thời gian dài. Tính đến năm 2012, lỗ luỹ kế được công ty xác nhận là 3.768 tỷ đồng, vượt quá vốn chủ sở hữu 2.950 tỷ đồng.

Bất chấp thua lỗ, Coca-Cola vẫn tiếp tục mở rộng. Cuối tháng 10/2012, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành, ông Muhtar Kent tới Việt Nam và tuyên bố rót thêm 300 triệu USD vào Việt Nam trong 3 năm tới. Sang năm 2014 đầu tư thêm 210 triệu USD để mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.

Điệp khúc thua lỗ - mở rộng khiến nhiều người đặt ra nghi vấn Coca Cola chuyển giá, lách thuế. Một cán bộ cục thuế TPHCM cho biết: “Bí quyết để doanh nghiệp này có thể liên tục kê khai lỗ nằm ở chi phí nguyên phụ liệu, trong đó chủ yếu là hương liệu được nhập trực tiếp từ công ty mẹ với giá rất cao”. Cụ thể, trung bình chi phí nguyên phụ liệu chiếm tới 70% giá vốn của Coca Cola, cá biệt có năm lên tới 80-85% giá vốn.

Tuy nhiên, việc chứng minh Coca Cola vi phạm pháp luật là rất khó, bởi không có cơ sở so sánh, đối chiếu giá nguyên liệu với các doanh nghiệp khác cùng ngành nghề, vì nguyên liệu là do công ty mẹ của Coca-Cola Việt Nam độc quyền cung cấp. Cũng không thể lấy chi phí nguyên phụ liệu của doanh nghiệp Việt Nam cùng ngành nghề để so sánh vì đây là doanh nghiệp đặc thù.

Về phía Coca-Cola, doanh nghiệp này cho rằng, công ty tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật, còn thua lỗ là do các nguyên nhân khách quan.

Bất ngờ lãi sau 20 năm vào Việt Nam

Thế nhưng, điều đặc biệt là sau khi dư luận xôn xao về việc Coca Cola báo lỗ, cùng nghi vấn chuyển giá, thì doanh nghiệp này liền bất ngờ... báo lãi. Số liệu từ Cục thuế TPHCM cho biết, năm 2013 và 2014 Coca Cola báo lãi lần lượt 150 tỷ và 357 tỷ đồng, giúp xoa dịu câu chuyện không nộp thuế của Coca Cola.

Thực tế, những nghi vấn về Coca Cola là hoàn toàn có cơ sở, khi thị trường nước giải khát tại Việt Nam rất rộng lớn và đang mở rộng nhanh chóng trong vài năm gần đây. Một báo cáo phân tích của Canadean - công ty chuyên nghiên cứu về thị trường đồ uống cho biết, thị trường đồ uống có gas tại Việt Nam đang mở rộng nhanh chóng.

Nếu như năm 2004 doanh thu của Coca-Cola Việt Nam chỉ đạt 728 tỷ đồng thì đến năm 2010 con số này tăng lên 2.529 tỷ đồng, gần gấp 3,5 lần trong 7 năm.

Với số liệu trên, có thể tính toán ra giai đoạn này tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) của doanh thu Coca-Cola Việt Nam đạt khoảng 23,06%. Với giả định doanh nghiệp này duy trì tốc độ tăng trưởng trên, ước tính của chúng tôi năm 2014 công ty này đạt doanh thu gần 6.000 tỷ đồng.

Còn theo một khảo sát của BMI, thị trường nước giải khát Việt Nam tăng trưởng nóng 19,35%/năm trong suốt giai đoạn 2009-2013, bất chấp khủng hoảng kinh tế kéo theo sự đi xuống của hầu hết các ngành nghề.

Trong giai đoạn 2010-2014, sản lượng tiêu thụ thực tế đã tăng từ 587 triệu lít lên 836 triệu lít, tăng bình quân 9,2%/năm.


Doanh thu 2011-2014 là số ước tính, được tính dựa trên giả định đạt tốc độ tăng trưởng kép CAGR bằng 23,06% giai đoạn 2004-2010 theo số liệu cục thuế TPHCM công bố. Lợi nhuận năm 2013 và 2014 là số liệu công bố của cục thuế TPHCM tương ứng 150 và 357 tỷ đồng.

Doanh thu 2011-2014 là số ước tính, được tính dựa trên giả định đạt tốc độ tăng trưởng kép CAGR bằng 23,06% giai đoạn 2004-2010 theo số liệu cục thuế TPHCM công bố. Lợi nhuận năm 2013 và 2014 là số liệu công bố của cục thuế TPHCM tương ứng 150 và 357 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng này đang có xu hướng chậm lại. Báo cáo mới đây của Nielsen cho biết, ngành hàng thức uống nói chung ở 6 thành phố chính, bao gồm bia, nước giải khát, nước uống tăng lực, nước đóng chai, Tonic Food Drink, nước trái cây, trà túi lọc, trà chai, cà phê chai, cà phê trong quý I/2016 vẫn tăng trưởng 10%, nhưng chủ yếu do sự tăng trưởng của bia với 15,1%.

Trong khi đó, các nhóm sản phẩm còn lại đang tăng trưởng chậm lại, chỉ đạt 4,7% so với 8,8% của quý IV/2015.

Nielsen cũng công bố khảo sát của mình, rằng 80% người Việt đang chủ động tìm kiếm các sản phẩm có chứa các thành phần tốt cho sức khoẻ, hạn chế các sản phẩm chứa nhiều đường.

Đây là xu hướng không chỉ ở Việt Nam mà còn là xu hướng chung trên toàn thế giới. Tại thị trường Mỹ, nơi có lượng tiêu thụ nước có gas thuộc hàng lớn nhất trên thế giới, doanh số bán chung của các sản phẩm nước có gas đã giảm 11 năm liên tiếp. Trong đó, mức giảm của Coca-Cola là 1,28%, cao hơn so với mức giảm trung bình ngành là 1,2% năm 2015.

Sức ép từ phía người tiêu dùng về việc tiêu thụ hàm lượng đường và carbon quá cao từ Coca-Cola đã khiến hãng phải tìm hướng thay đổi, trình làng nhiều dòng sản phẩm mới như Diet Coke, Coca Cola Zero và Coca Cola Life, bên cạnh dòng sản phẩm chủ đạo Coca Cola.

Ý thức được rằng người Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề sức khoẻ, Coca-Cola đang trên đường sản xuất các dòng nước uống bổ sung vi chất, cạnh tranh với các đối thủ khác trong ngành nước giải khát, như sữa đậu nành của Vinasoy, trà xanh của Tân Hiệp Phát...

Năm 1960, Coca Cola hiện diện tại Việt Nam.

Năm 1994, công ty này bắt đầu chính thức kinh doanh.

Tháng 8/1995, Coca Cola Đông Dương và công ty nông nghiệp và thực phẩm Vinafimex thành lập liên doanh đặt trụ sở tại miền Bắc. Tuy nhiên phía Vinafimex đã bán lại 30% cổ phần cho Coca Cola sau nhiều năm thua lỗ triền miên với giá khoảng 2 triệu USD.

Tháng 1/1998, tập đoàn Coca Cola lập thêm một liên doanh với công ty nước giải khát Đà Nẵng đặt tên Coca Cola Non Nước đặt tại miền Trung. Ngoài ra còn một liên doanh khác của Coca Cola đặt tại miền Nam là Coca Cola Chương Dương.

Tháng 10/1998, Chính phủ cho phép các công ty Liên doanh trở thành công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài, các liên doanh này này lần lượt thuộc sở hữu hoàn toàn của Coca-Cola Đông Dương khi công ty này lần lượt mua lại cổ phần của đối tác Việt Nam khi hoạt động kinh doanh thua lỗ triền miên.

Từ tháng 3 đến tháng 8/1999, 3 liên doanh lần lượt chuyển hình thức sở hữu. Đến tháng 6/2001, 3 công ty này hợp nhất thành một và quản lý bởi Coca-Cola Việt Nam. Việc hợp nhất 3 nhà máy thuộc 3 công ty này có tổng công suất khổng lồ gần 400 triệu lít.

Năm 2012, Coca-Cola xác nhận lỗ lũy kế lên tới 3.768 tỷ đồng, vượt số vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỷ đồng. Mặc dù liên tục thua lỗ nhưng năm 2012, Chủ tịch kiêm tổng giám đốc điều hành Coca-Cola tuyên bố sẽ rót thêm 300 triệu USD vào Việt Nam trong 3 năm tới, đưa tổng vốn đầu tư lên nửa tỷ USD trong 5 năm.

Năm 2014, Coca-Cola đầu tư thêm 210 triệu USD để mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.

Theo Minh Quân

Trí thức trẻ/CafeBiz

Trở lên trên