MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hành trình nghị lực và đáng khâm phục: Từ cậu bé mù trở thành triệu phú của CEO 23 tuổi

09-09-2016 - 08:05 AM | Sống

Nếu đã đọc những câu chuyện đầy cảm hứng của Nick Vujicic, người đàn ông sinh ra không có chân tay, bạn sẽ biết làm thế nào để có thể tạo ra hy vọng ngay cả khi chúng không có cho tương lai. Khuyết tật không đồng nghĩa với không có khả năng.

Câu chuyện đầy cảm hứng này là về một cậu bé đã chinh phục khuyết tật của mình bằng sức mạnh ý chí, quyết tâm và niềm tin. Cậu đã cho cả thế giới thấy, không có trở ngại nào ngăn cản một người theo đuổi mục tiêu nếu anh ta có đủ sự quyết tâm và kiên định. Cậu bé mù Srikanth Bolla, người từng bị từ chối bởi công ty nổi tiếng về công nghệ - IIT - đã trở thành một triệu phú bởi sự xuất sắc của bản thân.

Dưới đây là câu chuyện đầy cảm hứng và rung động được đăng tải trên tờ Insbright:

Trong một ngôi làng hẻo lánh ở Ấn Độ, cậu bé đã được sinh ra trong gia đình nghèo khổ với thu nhập hàng năm chỉ đạt 300 USD. Sự ra đời của một đứa trẻ luôn là một thời điểm trời cho đối với mỗi bậc phụ huynh nhưng cha mẹ của cậu bé nghèo này lại không đủ may mắn để kỷ niệm ngày sinh của con em mình như những gia đình giàu có khác.

Nỗi buồn họ trở nên tồi tệ hơn khi một số bạn bè, hàng xóm, các thành viên gia đình họ coi sự ra đời của đứa trẻ này là "một tội lỗi". Thế giới chưa sẵn sàng để chào đón đứa trẻ bị mù bẩm sinh này. Vì nghèo đói và sợ hãi sự bất lực của bản thân, một số bạn bè đã khuyên họ bỏ rơi cậu bé. Tuy nhiên, cha mẹ của Srikanth vượt qua những lời dèm pha và quyết định không chỉ giữ con mà còn cố gắng đem cho cậu bé một môi trường sống tốt nhất có thể.

Tuy nhiên, con đường trong cuộc sống Srikanth không hề dễ dàng. Cậu phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong suốt cuộc đời.

Con đường học hành trắc trở

Trong những năm đầu đời, cha của Srikanth đã quyết định tự mình dạy cho cậu tất cả mọi điều nhưng ông sớm nhận ra, có thể những người hàng xóm đã đúng bởi cậu bé chẳng thể giúp gì cho ông với đôi mắt mù lòa. Cuối cùng, ông quyết định gửi cậu đến trường.

Không có trường học trong khu vực quanh nơi ở của họ do đó Srikanth được gửi vào một trường nằm cách đó vài dặm. Những con đường lầy lội, xe cộ hỗn loạn là không dễ dàng với một đứa trẻ và càng chẳng đơn giản đối với một cậu bé khiếm thị nhưng Srikanth đã cố gắng vượt qua để đến trường. Tuy nhiên, trở ngại thật sự lại đón chờ cậu ở chính ngôi trường này - sự cô đơn.

Những đứa bạn đồng trang lứa và ngay cả giáo viên đều không công nhận sự tồn tại hay hỗ trợ gì cho cậu. Họ có thái độ thù hằn với Srikanth. Cậu từng bị xếp vào ngồi băng ghế phụ ở cuối lớp và không được tham gia tiết thể dục. Cuối cùng, cậu phải chuyển tới ngôi trường dành riêng cho người khuyết tật.

Chiến đấu với Chính phủ

Mặc dù 90% điểm số trên lớp của Srinkath là 10 nhưng cậu không được phép theo ngành Khoa học bởi một lý do vô lý là cậu bị mù. Với ý chí, quyết tâm cao và không chấp nhận sự bất công như vậy, cậu đã quyết định đấu tranh tới cùng. Cậu bé phát biểu: “Tôi đã kiện chính phủ và chiến đấu trong sáu tháng. Cuối cùng, tôi nhận được lệnh: Tôi có học các môn khoa học nhưng phải tự chịu trách nhiệm nếu có vấn đề gì. Liệu điều này có phải vì tôi bị mù bẩm sinh? Không hề. Tôi thấy rằng chính nhận thức và sự kỳ thị của mọi người mới là điều khiến tôi bị coi là mù".

Những trở ngại đó thúc đẩy cậu bé mù chăm chỉ học hành hơn. Một giáo viên đã chuyển đổi tất cả các bài giảng trên lớp thành các đoạn âm thanh để giúp Srikanth chuẩn bị cho kỳ thi chính thức. Kỳ vọng và quyết tâm không hề bị uổng phí, cậu đã đạt 98 phần trăm tổng điểm trong kỳ thi cuối cùng.

Lời từ chối bất hợp lý từ Viện công nghệ Ấn Độ IIT

Lời từ chối thứ hai trong cuộc đời nghiên cứu và đi học của cậu là từ IIT (Viện Công nghệ Ấn Độ) vào năm 2009. Từ những năm còn ngồi trên ghế nhà trường, cậu từng có giấc mơ sẽ làm việc cho IIT nhưng thực tế là cậu đã bị loại với lý do khiếm thị cho dù mặc dù có số điểm tốt trong kỳ thi tuyển.

Phản ứng của Srikanth khi nhận lá thư từ chối đã phản ánh sự tự tin và quyết tâm: “Nếu IIT không muốn tuyển dụng tôi thì chẳng có lý do gì để tôi muốn cống hiến cho IIT.”

Về sau, viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã tạo cơ hội để cậu có thể chứng minh khả năng. MIT nhận được đơn và cấp giấy nhập học cho cậu bé mù. Không lâu sau đó, vào năm 2012, cậu hoàn thành việc học tại Mỹ.

Cuộc sống với những mảng màu tươi sáng

Sau khi tốt nghiệp, Srikanth quay trở lại Ấn Độ. Thay vì bắt đầu một cuộc sống sang chảnh với mức lương cao ngất, cậu quyết định tự mở một công ty trong nước để giúp đỡ những người đang gặp khó khăn như mình.

Srikanth đã bắt đầu bằng cách thành lập tổ chức sử dụng lao động không có tay nghề và những người khuyết tật. Với cương vị Giám đốc điều hành của công ty Bollant Industries với 450 nhân viên chuyên sản xuất bao bì sinh thái thân thiện với môi trường.

Từ một cậu bé mù bị lãng quên, giờ đây, Srikanth đã trở thành khởi nguồn hạnh phúc của nhiều người.

Khuyết tật không bao giờ là một sự bất lực nếu bạn tự tin và quyết tâm, đủ để đạt được mục tiêu. Đừng sợ bị từ chối. Hãy nhớ, nếu một cửa được đóng lại, có nghĩa là, một cánh cửa khác mở ra. Bạn chỉ cần có để tìm thấy và đấu tranh cho nó.

Không bao giờ chú ý đến những gì người tiêu cực nói. Trở thành người điếc trước họ. Không bao giờ được chán nản về tình hình hiện tại của bản thân. Bạn không biết những gì đang chờ bạn trong tương lai. Hãy hy vọng và chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Nguyễn Nguyễn

Insbright

Trở lên trên