MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hành trình xây bằng sự quyết tâm: Từ thực tập sinh bị hủy hoại khuôn mặt thành bà chủ công ty mỹ phẩm 12 triệu đô

29-09-2016 - 12:28 PM | Sống

Cơ duyên, sự nhạy bén và trải nghiệm bản thân đã giúp nữ doanh nhân Vicky Tsai từ một thực tập sinh của công ty mỹ phẩm, từng tự hủy hoại khuôn mặt vì thử nghiệm sản phẩm trở thành bà chủ của công ty chuyên về các sản phẩm chăm sóc da trị giá 12 triệu USD.

Câu chuyện của nữ doanh nhân Vicky Tsai là điển hình cho câu nói “Ý tưởng hay không nhất thiết phải là ý tưởng mới”. Sử dụng sáng kiến và bí kíp cổ xưa của Geisha Nhật Bản, từ đó nghiên cứu và phát triển sản phẩm sao cho phù hợp với thị hiếu hiện đại đã đem tới thành công.

Hiện tại, Vicky Tsai là chủ nhân của Tatcha – công ty chuyên về các sản phẩm chăm sóc da lấy cảm hứng từ Geisha. Thành công từ chính trải nghiệm bản thân cùng tư duy thức thời, nhạy bén, nữ doanh nhân chia sẻ câu chuyện của mình: làm thế nào để biến những thứ vật liệu cổ xưa (dầu, phấn, giấy thấm dầu của Geisha) trở thành cơ nghiệp trị giá 12 triệu USD:


Vicky Tsai là chủ nhân của Tatcha – công ty chuyên về các sản phẩm chăm sóc da lấy cảm hứng từ Geisha.

Vicky Tsai là chủ nhân của Tatcha – công ty chuyên về các sản phẩm chăm sóc da lấy cảm hứng từ Geisha.

Trong quá trình theo học tại trường kinh doanh – đại học Harvard, tôi trở thành thực tập sinh của một công ty mỹ phẩm lớn. Một trong những công việc của tôi là tìm ra chuẩn cạnh tranh giữa các sản phẩm. Tôi phải tự mình thử nghiệm các sản phẩm mới, trải qua các liệu trình chăm sóc da mặt. Hậu quả của công việc này là chứng viêm da cấp tính. Toàn bộ khuôn mặt tôi bị chảy máu, phồng rộp và nứt toác, thậm chí còn lan sang cả mí mắt và môi.

Năm thứ hai đại học của tôi là những kí ức buồn. Mọi người chỉ trò, bàn tán về tôi: “Trời, chuyện gì xảy ra với cô ta vậy” thay vì nghĩ rằng “Chắc là da cô ấy xấu mà thôi”. Tôi đi phỏng vấn ở khắp nơi với khuôn mặt không khác gì Quasimodo (nhân vật thằng gù xấu xí trong tiểu thuyết Nhà thờ Đức Bà Paris của Victor Hugo).

Sau khi tốt nghiệp, tôi được nhận vào làm việc ở Starbucks. Công việc của tôi là hỗ trợ kinh doanh các sản phẩm Starbucks tại Trung Quốc. Cứ hai tuần một lần, tôi đáp máy bay từ trụ sở công ty tại Seattle tới Trung Quốc và có một chặng nghỉ tại Nhật Bản. Ở đó, tôi có cơ hội biết đến loại giấy mỏng nhẹ mà phụ nữ Nhật Bản dùng để thấm dầu.

Tôi chưa bao giờ dùng thứ gì giống như vậy và muốn tìm hiểu thêm. Tôi liên lạc ngay với công ty sản xuất giấy thấm dầu, trình bày nguyện vọng muốn đem chúng tới Mỹ nhưng người chủ tỏ ra không mấy quan tâm. “Vậy tôi tới thăm thôi được không?”, khi tôi nói vậy thì ông ta đồng ý.

Giấy thấm ban đầu được sử dụng để dập vàng vào vàng lá. Tôi không thể hiểu được vì sao một sản phẩm phụ trợ như vậy lại có thể trở thành sản phẩm làm đẹp. Người chủ nói: “Geisha và các nghệ sĩ Kabuki (một loại hình sân khấu truyền thống của Nhật Bản) đã sử dụng loại giấy này từ hàng trăm năm trước. Cô có thể hỏi họ”.

Ông ta giới thiệu tôi tới gặp một Geisha. Cô ấy thật đẹp, vẻ đẹp tinh tế như một tác phẩm nghệ thuật sống động. Da mặt cô mịn màng đến mức khó tin. Cơ duyên của tôi đối với Geisha và các bí kíp chăm sóc sắc đẹp của họ bắt đầu từ đây.

Sau cuộc gặp gỡ với Geisha, tôi trở về Mỹ cùng với bộ đồ trang điểm gồm phấn và sáp của cô. Sau 4 tuần sử dụng, da tôi bắt đầu lành lặn và sau 8 tuần thì trở lại bình thường. Các bác sĩ từng nói với tôi rằng đó là điều không thể.

Tôi trở lại Nhật Bản, tìm đến những Geisha khác theo sự giới thiệu của Geisha đầu tiên. Tôi hỏi họ về cách chăm sóc da. Quy trình làm đẹp của họ hoàn toàn khác với những gì chúng ta làm hiện nay, đơn giản hơn rất nhiều nhưng nếu bạn không là Geisha thì sẽ không thể nào biết được. Tôi thuê một phiên dịch và một nhà nghiên cứu, tìm ra cuốn sách viết năm 1813 về các quy trình chăm sóc sắc đẹp của Geisha. Đây chính là nền móng cho sự hình thành của công ty mỹ phẩm Tatcha.

Khó khăn lớn nhất trong quá trình nghiên cứu là bạn không thể cứ đến một ngọn núi, một vùng biển nhất định mà mang nguyên liệu về được. Tôi liên tục thử nghiệm và thất bại tới hàng triệu lần trước khi tìm ra được các công thức.

Bán xe, bán nhẫn cưới, thậm chí tôi đã phải đổi việc tới 4 lần mới có đủ tiền cho việc thử nghiệm. Sự quyết tâm cuối cùng đã mang lại kết quả. Năm 2009, công ty chăm sóc Tatcha sau nhiều năm thai nghén chính thức được ra đời. Từ một sản phẩm duy nhất ban đầu, giờ Tatcha đã có trọn vẹn dòng sản phẩm uy tín trên thị trường Mỹ.


Vicky Tsai và Geisha chụp ảnh trong khu vườn truyền thống ở Kyoto.

Vicky Tsai và Geisha chụp ảnh trong khu vườn truyền thống ở Kyoto.

Hiện nay, các sản phẩm của Tatcha đã có mặt ở Barneys (New York), chuỗi cửa hàng Sephora. Chúng tôi là một trong những “ngôi sao đang lên” của hệ thống bán hàng qua truyền hình QVC (năm 2014). Da mặt của tôi chưa hẳn là hoàn hảo và vẫn dễ bị viêm. Khi tôi dùng thử sản phẩm mới, tôi có thể biết ngay rằng nó có tốt hay không. Những sản phẩm của chúng tôi không thử nghiệm trên động vật mà là một thạc sỹ quản trị kinh doanh của Harvard.

Đối với tôi, Kyoto (nơi cô gặp Geisha đầu tiên) thật đẹp. Nó gợi nhắc cho tôi về những ngày xưa cũ, khi danh dự và sự giản đơn được coi trọng, khi giá trị của các di sản và ngành nghề thủ công được đề cao. Đó là những thứ mà tôi muốn đem đến cho khách hàng – với tôi, giấy thấm dầu (sản phẩm đầu tiên của công ty Tatcha) thể hiện tất cả những giá trị tuyệt vời đó.

Nguyễn Nguyễn

Inc.

Trở lên trên