MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hanjin phá sản sẽ tác động nhẹ trong ngắn đến trung hạn với ngành logistic Việt Nam

06-09-2016 - 12:09 PM | Doanh nghiệp

Hãng tầu Hanjin Shipping Global (Hàn Quốc) chính thức đệ đơn phá sản và thông báo từ ngày 31/8 sẽ dừng booking hàng hóa mới. Hiện tại, Hanjin đang chiếm khoảng 5% thị phần vận chuyển hàng hóa tại thị trường Việt Nam.

Mới đây, thông tin hãng tầu Hanjin Shipping Global (Hàn Quốc) chính thức đệ đơn phá sản và thông báo từ ngày 31/8 sẽ dừng booking hàng hóa mới đã dấy lên những lo ngại ảnh hưởng tiêu cực tới các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistic bởi lẽ Hanjin hiện chiếm 2,9 % công suất vận tải container toàn cầu với công suất 3,7 triệu TEU hàng container mỗi năm cùng 140 tàu container.

Hanjin đang hoạt động ra sao tại Việt Nam?

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết Hanjin hiện chiếm khoảng 5% thị phần vận chuyển hàng hóa tại thị trường Việt Nam.

Tại Việt Nam, tàu của Hanjin chủ yếu vận chuyển hàng hóa vào các cảng ở khu vực TPHCM, bao gồm cảng Cát Lai, Tân Cảng Hiệp Phước và Cảng Container Quốc Tế Việt nam (VICT). Hiện nay, hàng tháng có 11 tàu của Hanjin ra vào các cảng ở TPHCM.

Ở khu vực Hải Phòng, hiện Hanjin không có tàu vận chuyển hàng hóa trực tiếp vào các cảng ở đây mà chỉ có hàng hóa trung chuyển. Dù vậy, lượng hàng hóa trung chuyển tại các cảng ở Hải Phòng cũng không đáng kể. CTCK HSC cho rằng vấn đề phá sản của Hanjin sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của các cảng ở Hải Phòng

Tác động nhẹ trong ngắn đến trung hạn với ngành Logistic Việt Nam

Theo đánh giá của HSC, có vẻ như các doanh nghiệp hoạt động cảng biển và dịch vụ logistic đã niêm yết không chịu thiệt hại lớn từ sự phá sản của Hanjin.

Với Cảng Cát Lái, HSC không chắc chắn có lỗ hay không và HSC cũng không đưa ra bình luận về khả năng một số khách hàng của Hanjin tại Việt Nam có thể gặp khó khăn do tàu của Hanjin với hàng hóa trên tàu bị các cảng trên thế giới từ chối tiếp nhận. Tuy nhiên, ở trường hợp này sẽ có sự tham gia của bảo hiểm.

Ngoài ra, trong bản tin của HSC cũng đưa ra một số lưu ý về hoạt động cảng biển, logistic của một số doanh nghiệp đang niêm yết:

Gemadept (GMD) cho biết ông nợ chưa thanh toán của Hanjin tại cảng Nam Hải Đình Vũ là khoảng 1 tỷ đồng (doanh thu từ hoạt động cảng của GMD trong 6 tháng đầu năm 2016 là 821 tỷ đồng).

Cảng Đình Vũ (DVP) cho biết tổng hàng hóa của Hanjin đang lưu bãi tại Cảng Đình Vũ là khoảng 200 container (phí lưu bãi dao động từ 600.000đ – 1.000.000đ/ngày/một container 40 ft).

Viconship (VSC) cho biết tổng hàng hóa của Hanjin mà các cảng của VSC tiếp nhận là không đáng kể và sẽ không ảnh hưởng đến KQKD. Tổng công nợ chưa thanh toán từ Hanjin tại VSC tính đến 31/08/2016 là 5 tỷ đồng và Hanjin vẫn có 200 container có hàng và 500 thùng container rỗng lưu bãi tại cảng Green.

Hanjin mới trở thành khách hàng của cảng Green Port từ 3 tháng trước với lượng hàng hóa hàng tháng là 2.300 TEU – chiếm khoảng 4% tổng lượng hàng hóa xử lý hàng tháng hiện tại của VSC. HSC nhận định KQKD Quý 3 của Green Port có thể bị ảnh hưởng.

Cuối cùng, HSC cho rằng việc Hanjin phá sản sẽ có tác động nhẹ trong ngắn đến trung hạn đến ngành logistic của Việt Nam và hàng hóa do tàu của Hanjin vận chuyển sẽ sớm được chuyển sang các hãng vận tải biển khác. Theo đó, hàng hóa tiếp nhận bởi các cảng của Việt Nam sẽ rất nhanh trở về mức thông thường.

Long Nhật

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên