img
“Hãy mơ cùng giấc mơ của Việt Nam” - Ảnh 1.
“Hãy mơ cùng giấc mơ của Việt Nam” - Ảnh 2.

Trải qua 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Bộ trưởng đánh giá như thế nào về những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong thu hút FDI?

Sau 30 năm đổi mới và mở cửa với quốc tế, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia thu hút FDI thành công nhất trong khu vực. Khu vực FDI cũng trở thành thành phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Có thể khái quát hoá những thành tựu trong thu hút FDI ở 7 điểm sau.

“Hãy mơ cùng giấc mơ của Việt Nam” - Ảnh 3.

Thứ nhất, tạo thêm nguồn lực cho đầu tư thông qua việc mở ra một kênh mới cho đầu tư cho phát triển. Khu vực FDI hiện nay đóng góp khoảng 25% tổng vốn đầu tư cho xã hội và 20% GDP của cả nước.

Thứ hai, đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung vào những ngành công nghiệp và dịch vụ. Hiện nay, khoảng 58% tổng vốn FDI được đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, giúp chúng ta nâng cao giá trị và tạo ra sự chuyển dịch trong nội bộ các ngành kinh tế theo hướng tích cực hơn và cạnh tranh hơn.

Thứ ba, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu. Năm 2017, khu vực FDI chiếm tới 72% tổng giá trị xuất khẩu.

“Hãy mơ cùng giấc mơ của Việt Nam” - Ảnh 4.

Thứ tư, tạo công ăn việc làm cho nền kinh tế, góp phần ổn định tình hình xã hội. Khu vực FDI tạo ra khoảng 3,5 triệu việc làm trực tiếp và gần 5 triệu việc làm gián tiếp; trong đó, có nhiều lao động của chúng ta đã được đào tạo và tiếp cận với trình độ công nghệ  và quản lý tiên tiến của thế giới.

Thứ năm, đóng góp rất lớn cho ngân sách nhà nước.

Thứ sáu, góp phần cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; từ đó, giúp nâng cao tầm vóc, vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thứ bảy, tạo ra những áp lực để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế nhanh hơn, hiệu quả hơn và thực chất hơn theo hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.


“Hãy mơ cùng giấc mơ của Việt Nam” - Ảnh 5.

Đóng góp của khu vực FDI vào nền kinh tế rất lớn, nhưng khu vực FDI cũng có những hạn chế nhất định. Theo Bộ trưởng, hạn chế lớn nhất của khu vực FDI hiện nay là gì?

Đề cập đến những hạn chế của khu vực FDI, trước hết, chúng ta phải nói tới những hạn chế về công nghệ. Thực tế, Việt Nam đã "hút" được công nghệ tiên tiến từ khu vực FDI như công nghệ cao, công nghệ nguồn để hỗ trợ cho phát triển kinh tế… vẫn chưa được như kỳ vọng. Trong một số trường hợp, đó còn là công nghệ lạc hậu hay thế hệ thấp, gây ảnh hưởng tới môi trường cũng như tới chất lượng tăng trưởng.

Thực thi pháp luật của một số doanh nghiệp chưa nghiêm, nhiều doanh nghiệp có hành vi chuyển giá, gian lận thương mại hay gây tổn hại đến môi trường… Đặc biệt là sự liên kết và kết nối giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp Việt Nam rất hạn chế, chưa hỗ trợ nhiều cho các doanh nghiệp trong nước phát triển.

Các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam chủ yếu vẫn là gia công lắp ráp, sử dụng lao động giá rẻ, tận dụng yếu tố đầu vào đang được ưu đãi của Chính phủ Việt Nam trong khi chúng ta vẫn chưa chuyển hẳn sang nâng cao giá trị gia tăng.

“Hãy mơ cùng giấc mơ của Việt Nam” - Ảnh 6.

Với những hạn chế của khu vực FDI, có nhiều quan điểm cho rằng Việt Nam mất nhiều hơn là được. Bộ trưởng nghĩ sao về điều này?

Các doanh nghiệp FDI như những con ong chăm chỉ thụ phấn, tạo ra những trái ngọt. Họ hưởng trái ngọt và cũng có những đóng góp to lớn cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong suốt hàng chục năm đổi mới. Theo tôi, đây mới là hình ảnh đúng của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Nếu mình nghĩ doanh nghiệp FDI đến Việt Nam chỉ vì lợi ích của họ thì khá phiến diện. Mà nếu nghĩ họ đến chỉ để đóng góp cho Việt Nam thì cũng không đúng; vì không ai tới để làm kinh doanh từ thiện cả, họ tới phải vì lợi ích của chính họ. Nghĩ như vậy thì nghĩa là ta cho họ làm chứ không phải ta cần họ. Thế nên mới có chuyện, các cơ quan và địa phương rất hay nghĩ mình có quyền cho nhà đầu tư cái này, cái kia…

Tư tưởng này là tư tưởng hỏng, cần phải thay đổi. Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ sai ngay từ khi tiếp cận nhà đầu tư. Thay vì tạo dựng, kiến tạo cơ hội thì lại gây khó dễ cho nhà đầu tư.

Hiện nay, nhiều người có quan điểm "kỳ thị" doanh nghiệp FDI bởi họ cho rằng doanh nghiệp FDI đang chèn ép doanh nghiệp trong nước, không tạo dựng liên kết với doanh nghiệp nội địa, hình thành "một nền kinh tế hai tốc độ" hay "hai nền kinh tế trong một quốc gia" cũng như nền kinh tế phụ thuộc.

Theo tôi, vấn đề của chúng ta không phải là thái độ này mà quan trọng hơn là tìm kiếm những giải pháp điều chỉnh thu hút FDI. Những gì chưa tốt như công nghệ, chuyển giá, thâm dụng lao động hay liên kết với doanh nghiệp Việt Nam… thì phải thay đổi chính sách, những gì doanh nghiệp FDI đang làm tốt thì phải khuyến khích. Tư tưởng kìm hãm là rất nguy hiểm.


“Hãy mơ cùng giấc mơ của Việt Nam” - Ảnh 7.


“Hãy mơ cùng giấc mơ của Việt Nam” - Ảnh 8.

Thúc đẩy liên kết giữa khu vực FDI và trong nước là hướng đi quan trọng để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nền kinh tế. Vậy chủ trương trong thời gian tới sẽ như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Trước hết, chúng ta phải trả lời được câu hỏi tại sao mối liên kết đó còn yếu và chưa phát triển mạnh mẽ. Đó chính là do trình độ công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp, năng lực nghiên cứu ứng dụng đổi mới, sáng tạo, sáng chế… rất thấp.

Vì thế, doanh nghiệp Việt Nam không có nhiều những thành quả trong đổi mới, sáng tạo, sáng chế đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế để hợp tác đầu tư, liên doanh hay tham gia vào chuỗi sản xuất chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị với khu vực FDI. Sự chênh lệch giữa quy mô, công nghệ, trình độ quản lý giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI là khá lớn nên Việt Nam cũng không thể kết nối suôn sẻ với khu vực FDI.

“Hãy mơ cùng giấc mơ của Việt Nam” - Ảnh 9.

Hơn nữa, các doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Việt Nam thường có sẵn hệ thống phân phối, hệ thống sản xuất, hệ thống cung ứng từ trước. Hệ thống sẵn có này sẽ đồng hành với các doanh nghiệp FDI bởi một phần từ sự chi phối của các công ty mẹ và một phần từ sự gắn kết chặt chẽ giữa nhóm doanh nghiệp trong hệ thống này dựa trên cơ chế phân tầng nên gần như sẽ không có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam chen chân nếu chúng ta không đáp ứng được yêu cầu.

"Cửa" để chúng ta hợp tác với doanh nghiệp FDI mẹ với sản phẩm cốt lõi, chiến lược là không có bởi doanh nghiệp Việt Nam không đủ tầm, tham gia vào hệ thống cung ứng sẵn có cũng không có nhiều khả năng mà khả năng cạnh tranh với nhóm hàng giá rẻ, chất lượng phải chăng, số lượng lớn như của Thái Lan hay Trung Quốc cũng rất thấp do chi phí sản xuất của ta cao hơn rất nhiều. Đây chính là điểm yếu trong chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.

Nhược điểm rất lớn này buộc chúng ta phải kịp thời khắc phục, điều chỉnh lại chính sách khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài trong hỗ trợ đào tạo, thúc đẩy liên kết sản xuất với Việt Nam và phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Chúng ta cần khuyến khích tạo sức lan tỏa cũng như kích thích khu vực kinh tế tư nhân, tạo áp lực yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam phải tự đổi mới nâng cao trình độ công nghệ, quản lý năng lực sản xuất của mình. Và cuối cùng, Nhà nước phải có những chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp lớn mạnh.

Doanh nghiệp của ta phải lên ngang tầm với các doanh nghiệp nước ngoài thì mới liên kết được với nhau, nếu còn chênh lệch thì sẽ không thể thiết lập được sự gắn kết nào. Chúng ta có mong muốn thì cũng không thể gắn kết họ được vào với nhau bởi đây là nhu cầu cộng sinh tất yếu trên thị trường.

“Hãy mơ cùng giấc mơ của Việt Nam” - Ảnh 10.

Quan điểm thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn đã được nhiều lần nhắc tới. Sau chặng đường 30 năm, định hướng này trong thời gian tới sẽ như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Đây là thời điểm quan trọng để Việt Nam tổng kết đánh giá mặt được và chưa được từ đầu tư nước ngoài và đặt trong bối cảnh mới với sự chuyển động, chuyển dịch của thế giới, với những thay đổi của kinh tế Việt Nam để có chiến lược mới trong thu hút đầu tư nước ngoài đúng hướng, đúng mục đích phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước.

Đó là việc chọn lọc những dự án có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ nguồn có giá trị gia tăng cao, những dự án lớn của các tập đoàn xuyên quốc gia để tạo ra sức lan tỏa thúc đẩy doanh nghiệp trong nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ thông qua sự kết nối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Đó phải là những dự án giảm sử phụ thuộc vào nguồn lao động giá rẻ, giảm tiêu hao năng lượng, nguyên liệu đầu vào.

“Hãy mơ cùng giấc mơ của Việt Nam” - Ảnh 11.

Vậy thông điệp mà Bộ trưởng muốn gửi tới những doanh nghiệp FDI đã, đang và sẽ đầu tư vào Việt Nam là gì sau chặng đường 30 năm Việt Nam thu hút FDI?

Tôi muốn gửi lời cảm ơn tới tất cả các nhà đầu tư, các doanh nghiệp nước ngoài đã đến và đang làm ăn ở Việt Nam góp phần vào sự phát triển của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua.

Với những nỗ lực không ngừng trong cải cách của Chính phủ, với sự thân thiện cởi mở của người dân Việt Nam và với tham vọng vươn mình một cách mạnh mẽ để tiến về phía trước của một đất nước xinh đẹp, tôi mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam sẽ tìm thấy cơ hội để đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam.

Hãy mơ cùng giấc mơ của Việt Nam để trở thành một đất nước thịnh vượng!

“Hãy mơ cùng giấc mơ của Việt Nam” - Ảnh 12.

Theo Đặng Hương

Vneconomy

Trở lên trên