MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hãy quên câu chuyện lãi 11,2 tỷ USD không phải đóng thuế đi, làm thế nào Amazon duy trì được đế chế khổng lồ dù liên tục báo lỗ?

Những năm trước đây, về mặt kỹ thuật, thỉnh thoảng Amazon vẫn có lời. Nhưng thu nhập đó của họ hoàn toàn không đáng kể so với quy mô gần 800 tỷ USD của công ty này. Đó là một câu chuyện về tầm quan trọng của lợi ích dài hạn.

Mới đây, nhiều người phát hiện ra, Amazon không phải đóng thuế vì được khấu trừ lỗ theo luật thuế của Hoa Kỳ. Nhưng nếu như báo lỗ liên tục trong thời gian dài như thế, thì Amazon làm thế nào để tồn tại, thậm chí còn phát triển liên tục?

Mãi đến năm 2016, con số lợi nhuận của họ mới lên đến hàng tỷ USD - khoảng 2,3 tỷ USD, những năm trước đó họ chỉ lời vài trăm triệu, thậm chí là lỗ. Amazon đã lỗ tất cả 4 tỷ đô la trong giai đoạn năm 2012 đến 2014 trong quá trình xây dựng đế chế lớn nhất thế giới như hiện nay.

Năm 2017, họ lãi 3 tỷ USD, con số nghe có vẻ hoành tráng nhưng thực ra chẳng thấm vào đâu với giá trị hơn 600 tỷ USD của Amazon lúc bấy giờ. Nếu so sánh với các công ty công nghệ khác thì cảm giác như Amazon chỉ là gã không lồ thất bại. Khi giá trị của Apple là 600 tỷ USD vào năm 2016, doanh thu của họ đã lên tới 45 tỷ USD, gấp 15 lần Amazon.

Hãy quên câu chuyện lãi 11,2 tỷ USD không phải đóng thuế đi, làm thế nào Amazon duy trì được đế chế khổng lồ dù liên tục báo lỗ? - Ảnh 1.

Nhưng đoán mà xem, chẳng ai quan tâm đến việc đó. Kể cả khi Amazon chỉ tạo ra vài trăm triệu, hay thậm chí báo lỗ, chẳng ai hoảng loạn cả. Các nhà đầu tư thì vẫn tiếp tục rót tiền cho họ, cổ phiếu Amazon tiếp tục tăng giá, tiền vẫn chảy về túi họ, đưa Jeff Bezos trở thành người giàu nhất hành tinh.

Nếu bạn đầu tư 90 USD vào Amazon vào thời điểm họ ra mắt năm 1997, khoản đầu tư của bạn giờ đây đã trị giá 100.000 USD. Nếu bạn hào phóng hơn và đầu tư 900 USD, thì giờ bạn đã chính thức trở thành triệu phú USD.

Mấu chốt chính là lợi ích dài hạn. Amazon ưu tiên lợi ích dài hạn hơn là lợi nhuận trong ngắn hạn và tập trung vào việc đem đến giá trị cho khách hàng nhiều nhất có thể, với giá rẻ nhất có thể. Chiến lược của Jeff thật ra rất đơn giản. Amazon tấn công bất kỳ lĩnh vực nào, khiến đối thủ cạnh tranh thiệt hại đến mức phải đóng cửa, cho tới khi họ thâu tóm thị trường, kể cả khi điều đó có nghĩa là họ chịu lỗ trong ngắn hạn.

Và một khi Amazon đã ở đỉnh cao thì họ muốn tăng giá hay làm gì cũng được.

Năm 2010, Amazon quyết định thâm nhập thị trường tã trẻ em và Diapers.com đang dẫn đầu thị trường lúc bấy giờ, Amazon ngỏ ý mua lại nhưng nhà sáng lập từ chối. Thế là Amazon doạ sẽ giảm giá xuống bằng không, và họ làm thật. Họ giảm giá xuống thấp nhất thị trường, và cung cấp cho khách hàng 3 tháng dùng miễn phí sản phẩm. Diapers.com bị thiệt hại nghiêm trọng và phải lựa chọn giữa đóng cửa hoặc bán lại cho Amazon. Có lẽ ai cũng có thể đoán được cái kết.

Hãy quên câu chuyện lãi 11,2 tỷ USD không phải đóng thuế đi, làm thế nào Amazon duy trì được đế chế khổng lồ dù liên tục báo lỗ? - Ảnh 2.

Đó chỉ là một trong số rất nhiều ngành mà Amazon thâu tóm: Whole Food Market, Twitch, Audible, IMDB, Alexa, Zappos, Amazon Web Service, Amazon Web Studio… Và danh sách cứ nối dài mãi cho tới khi Amazon dẫn đầu ngành đó.

Tuy rất hiếm khi các công ty đủ bản lĩnh để duy trì tổn thất nặng nề chỉ để mở rộng một cách nhanh chóng, nhưng Amazon không phải là gã không lồ duy nhất sử dụng chiến lược này. Trên thực tế còn có Netflix, và Uber.

Hãy quên câu chuyện lãi 11,2 tỷ USD không phải đóng thuế đi, làm thế nào Amazon duy trì được đế chế khổng lồ dù liên tục báo lỗ? - Ảnh 3.

Ông chủ Reed Hastings của Netflix tham vọng lật đổ ngành công nghiệp truyền hình thông thường bằng cách bán phim và chương trình truyền hình qua Internet, cũng như Uber với ước mơ thay đổi cách mà chúng ta di chuyển. Chân lý là chỉ cần họ liên tục mở rộng thị trường bằng cách giảm giá, cung cấp cho người dùng dịch vụ tuyệt vời kể cả lỗ, cho đến khi họ trở thành người đứng đầu, chỉ cần họ ngưng mở rộng thì lợi nhuận sẽ tăng vọt.

Miễn là họ tìm ra cách để chi trả cho các khoản lỗ lũy kế khổng lồ. Uber khai thác rất sâu thị trường vốn tư nhân, trong khi Netflix thì cam kết sẽ thanh toán chậm 14 tỷ USD cho các hãng phim và nghệ sĩ để mua nội dung sáng tạo.

Hãy quên câu chuyện lãi 11,2 tỷ USD không phải đóng thuế đi, làm thế nào Amazon duy trì được đế chế khổng lồ dù liên tục báo lỗ? - Ảnh 4.

Uber cho biết họ có lợi nhuận cao nhất ở các thành phố nơi Uber hoạt động lâu nhất, chẳng hạn như San Francisco, và lợi nhuận liên tục tăng sau khi họ ngưng mở rộng. Netflix khấu hao chi phí nội dung trong khoảng thời gian tối đa năm năm, do đó, hàng năm họ vẫn có lợi nhuận về mặt kế toán, ngay cả khi thực tế thì họ chảy máu rất nhiều tiền mặt. Và Amazon thì khỏi nói, bạn có thể thấy hiện tại họ đang đứng ở đâu rồi đấy.

Nguyễn Thái Quỳnh Trang

The Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên