MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hãy xem thẻ tín dụng là một phương tiện thanh toán thay vì một công cụ để vay tiền

17-02-2017 - 13:43 PM | Tài chính - ngân hàng

Thẻ tín dụng là sản phẩm đi đầu trong công cuộc chuyển đổi sang phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên tiện ích của thẻ tín dụng không chỉ đơn giản như vậy.

Cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng từng là một phương thức cho vay quen thuộc được Quy chế cho vay 1627/2001 thừa nhận. Tuy nhiên, Thông tư 39/2016/TT-NHNN thay thế Quy chế cho vay 1627 đã không còn xem việc phát hành và sử dụng thẻ tín dụng là một phương thức cho vay. Điều này có thể làm ngạc nhiên nhiều người bởi lâu nay họ vẫn nghĩ mỗi lần “quẹt thẻ” là đang đi vay ngân hàng.

Việc loại bỏ thẻ tín dụng khỏi danh sách các phương thức cho vay không phải là quy định mới của Thông tư 39. Kể từ năm 2010, Luật Các Tổ chức tín dụng đã quy định phát hành thẻ tín dụng là một nghiệp vụ cấp tín dụng khác ngoài cho vay.

Vì sao thẻ tín dụng bị loại khỏi danh sách các phương thức cho vay

Thực ra bản chất của thẻ tín dụng và quy trình phát hành, sử dụng thẻ tín dụng hầu như không thay đổi nhiều so với năm 2001. Nguyên nhân thẻ tín dụng bị loại bỏ khỏi danh sách các phương thức cho vay là vì quan điểm nhìn nhận của NHNN và các NHTM về sản phẩm thẻ tín dụng đã thay đổi.

Theo định nghĩa trong Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2010, “Cho vay là hình thức cấp tín dụng, theo đó bên cho vay giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi”.

Thẻ tín dụng là sản phẩm đi đầu trong công cuộc chuyển đổi sang phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên tiện ích của thẻ tín dụng không chỉ đơn giản như vậy. Sự khác biệt lớn nhất của thẻ tín dụng so với các phương thức thanh toán khác là người cùng có thể mua trước, trả sau, tận hưởng thời hạn ưu đãi miễn lãi lên đến 45 ngày. Thời gian tính lãi chính là điểm đặc trưng khiến thẻ tín dụng không được coi là một phương thức cho vay.

Đối với tám (08) phương thức cho vay được quy định trong Thông tư 39 (Cho vay từng lần, Cho vay hợp vốn, Cho vay lưu vụ, Cho vay theo hạn mức, Cho vay theo hạn mức cho vay dự phòng, Cho vay theo hạn mức thấu chi trên tài khoản thanh toán, Cho vay quay vòng, Cho vay tuần hoàn), thời gian tính lãi được tính từ ngày tiếp theo của ngày tổ chức tín dụng giải ngân vốn vay cho khách hàng cho đến thời điểm khách hàng phải trả hết nợ gốc và lãi tiền vay. Trong khi đó, đối với thẻ tín dụng, mặc dù ngân hàng vẫn “giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng” nhưng không tính lãi ngay mà lãi chỉ được tính nếu như sau ngày đến hạn thanh toán, khách hàng không thanh toán được nợ.

Đối với sản phẩm thẻ tín dụng, ngân hàng luôn mong muốn khách hàng sử dụng để thanh toán hàng hóa, dịch vụ. Thu nhập của ngân hàng sẽ đến từ các khoản phí. Có lẽ không có ngân hàng nào kỳ vọng thu được nhiều lãi vay do khách hàng không trả được nợ, hoặc do khách hàng rút tiền mặt. Bởi đó chỉ là công cụ dự phòng tài chính trong trường hợp đột xuất, và nó báo hiệu rủi ro bắt đầu gia tăng với các khách hàng này. Ai đó nói rằng rủi ro cao phải được bù đắp bằng mức sinh lợi cao là không ngoa: Lãi suất thẻ tín dụng thông thường ở mức 25%-30%/năm, tức gấp khoảng 3 lần so với lãi suất vay kinh doanh; Phí phạt chậm thanh toán khoảng 4%-6% số tiền chậm thanh toán; Phí rút tiền mặt từ thẻ tín dụng thông thường khoảng 4% số tiền rút.

Hãy là người dùng thẻ tín dụng thông minh

Thứ nhất, trừ trường hợp bất khả kháng, hãy luôn tâm niệm thẻ tín dụng là một phương tiện thanh toán, thay vì là một công cụ để vay tiền. Vì các mức phí rút tiền, phí chậm trả, lãi suất cao nên tốt nhất là đừng để chúng trở thành hiện thực. Hãy luôn luôn nhớ ngày thanh toán và thanh toán đầy đủ, tốt nhất là đăng ký thanh toán tự động.

Thứ hai, cần tránh mình khỏi những cám dỗ mua sắm. Chi tiêu bằng thẻ tín dụng đồng nghĩa với việc mình đang mang nợ. Nếu bạn không kịp trả khoản nợ đầy đủ vào cuối mỗi tháng, bạn sẽ phải gánh thêm phần lãi trên khoản tiền đó. Vì vậy trước khi mua một món đồ, hãy dành thời gian để cân nhắc món đồ kia là rất cần thiết hay không. Bạn có thể áp dụng nguyên tắc 20-10 để xác định mức tín dụng bạn có thể chi trả: Khoản chi tiêu thẻ tín dụng không nên nhiều hơn 20% mức thu nhập hàng năm và không nhiều hơn 10% của thu nhập hàng tháng.

Thứ ba, phải bảo mật thẻ cẩn thận. Hãy luôn để mắt tới tấm thẻ của bạn để kịp thời nhận biết và báo cho ngân hàng phát hành thẻ kịp thời khi thẻ bị mất hoặc đánh cắp. Chức năng thanh toán online chỉ nên được yêu cầu mở khi thực sự cần thiết để giảm rủi ro. Không bao giờ cho người khác mượn thẻ. Không để nhân viên thu ngân cầm thẻ của mình ra khỏi tầm mắt; luôn thanh toán trước mặt và trong tầm kiểm soát. Không cung cấp thông tin thẻ, thông tin cá nhân hay mật khẩu dưới bất kỳ hình thức nào cho các trang web và email lạ, không tin cậy.

Phong Hiếu

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên