MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hệ lụy “cắt phao” tín dụng ngoại tệ

29-10-2017 - 09:19 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo Thông tư số 31/2016/TT-NHNN, chỉ còn hơn hai tháng nữa để các ngân hàng thương mại kết thúc hoạt động cho vay bằng ngoại tệ.

Nếu không điều chỉnh thời hạn, dự kiến hoạt động huy động và cho vay ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng sẽ chuyển sang quan hệ mua - bán sau ngày 31/12/2017. Điều này sẽ tác động như thế nào đến các doanh nghiệp xuất khẩu?

Trong 7 năm qua, đã nhiều lần Ngân hàng Nhà nước muốn chấm dứt cho vay ngoại tệ, nhưng do yêu cầu thực tế nên cơ quan này đã phải “nới” thời hạn cho đến nay.

Khách hàng gửi tiết kiệm ngoại tệ tại Dong A Bank

Cho vay ngoại tệ tăng mạnh

Báo cáo cập nhật định kỳ của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho thấy, tín dụng ngoại tệ liên tục tăng mạnh từ đầu năm nay, cao hơn nhiều so với cùng kỳ. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2017, tín dụng ngoại tệ ước tăng 12,9%, cao hơn nhiều so với mức 5,4% của cùng kỳ năm 2016 và chiếm 8,4% tổng tín dụng.

Nếu nhìn vào một số ngân hàng lớn có hoạt động tín dụng ngoại tệ chiếm tỷ trọng lớn so với toàn ngành hiện nay, thì sẽ thấy sự tương phản đáng kể giữa hoạt động huy động và cho vay ngoại tệ. Như tại VietinBank, huy động ngoại tệ giảm 0,1% nhưng cho vay ngoại tệ tăng đến 11,5%, trong khi tiền gửi ngoại tệ của BIDV giảm mạnh 10,7%, thì cho vay lại tăng 6,3%; tương tự tại Sacombank 2 con số này là giảm 9,3% và tăng 12,6%.

Ngoài ra, một số TCTD có tốc độ tăng trưởng cho vay ngoại tệ rất cao, như MB tăng đến 24,9%, nhưng huy động vốn ngoại tệ giảm 3,6%; thậm chí cho vay ngoại tệ của VPBank tăng tới 45,5% nhưng huy động ngoại tệ giảm 13,8%, tiếp nối mức giảm mạnh 35,1% của năm 2016.

Dẫn đầu về dư nợ cho vay ngoại tệ trên toàn hệ thống hiện nay là Vietinbank, với số dư hơn 89,8 nghìn tỷ đồng, nhưng lượng tiền gửi ngoại tệ chỉ ở mức 44,4 nghìn tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ dư nợ cho vay/ tiền gửi ngoại tệ lên đến 202%, tăng từ mức 144% trong năm 2015 và 181% trong năm 2016. Tương tự tại BIDV, tỷ lệ này cũng lên tới 196%, tăng đáng kể so với mức 136% vào cuối năm 2015 và 164% cuối năm 2016.

Sẽ chuyển dịch theo hướng mua - bán

Rất nhiều chuyên gia cho rằng, tín dụng USD tăng mạnh chưa đáng lo ngại. Bởi khi lãi suất tiền đồng được duy trì ở mức cao hơn so với ngoại tệ, cộng với tỷ giá được NHNN cam kết ổn định, sẽ xuất hiện nhiều người đã dịch chuyển từ ngoại tệ sang gửi tiết kiệm tiền đồng.

Trong 9 tháng đầu năm 2017, tín dụng ngoại tệ ước tăng 12,9%, cao hơn nhiều so với mức 5,4% của cùng kỳ năm 2016

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng- Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, nếu phân tích sâu về nghiệp vụ và dưới góc độ quản lý, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ thời gian qua diễn ra bình thường, phản ánh những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế vĩ mô. Tín dụng ngoại tệ tăng phản ánh hoạt động sản xuất - kinh doanh xuất nhập khẩu của nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng tốt.

Bởi lẽ, tín dụng ngoại tệ là tín dụng có điều kiện, chỉ các đối tượng doanh nghiệp, các dự án sản xuất - kinh doanh xuất nhập khẩu có đủ điều kiện mới được tiếp cận nguồn vốn này.

Ông Hà Văn Huệ - Giám đốc Cty Xuất Nhập khẩu Khánh Hà, cho biết, thời gian qua, đối tượng được vay ngoại tệ để bán ra tiền đồng là những doanh nghiệp xuất khẩu có nhu cầu vay vốn rất lớn. Nếu không được vay ngoại tệ nữa, chắc chắn các doanh nghiệp này sẽ phải vay tiền đồng, đẩy nhu cầu tiền đồng tăng lên, khiến mặt bằng lãi suất cho vay cũng sẽ tăng, nhất là ở những ngân hàng đang gặp khó khăn về thanh khoản.

Trước diễn biến trên, nhiều chuyên gia đã cảnh báo về rủi ro tiềm ẩn của tín dụng ngoại tệ đối với tỷ giá và tình trạng đô la hóa. Theo đó, NHNN đã bắt đầu định hướng siết lại tín dụng ngoại tệ. Theo định hướng chung, NHNN sẽ thực hiện chính sách chuyển đổi dần hoạt động huy động - cho vay ngoại tệ trong hệ thống sang quan hệ mua bán thương mại đơn thuần. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp chủ động trong việc đáp ứng nhu cầu ngoại tệ phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh.

Theo Hà Phương

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên