MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hết thời lao động giá rẻ, "công xưởng thế giới" tiến hóa lên "Trung Quốc 2.0"

19-04-2017 - 08:48 AM | Tài chính quốc tế

Trong phiên bản 1.0 (kéo dài đến khoảng năm 2010), các nhà máy thâm dụng lao động của khu vực PRD vẫn chủ yếu dựa vào lợi thế lao động giá rẻ. Khi chi phí nhân công tăng mạnh, nhiều học giả đã dự đoán vùng đồng bằng này sẽ trở nên hoang vắng vì các nhà máy chuyển sang những nơi khác ở châu Á có chi phí rẻ hơn. Tuy nhiên, sự thật không phải như vậy.

Trong cuốn sách mới xuất bản có tựa đề “The Great Convergence” (tạm dịch: Cuộc hội tụ lớn lao), tác giả Richard Baldwin đã lập luận rằng trong quá trình công nghiệp hóa, công nghệ và những yếu tố văn hóa cần thiết cho các ngành công nghệ cao chỉ bó hẹp trong các nhà máy ở những nước phát triển. Đó chính là nguyên nhân tạo ra sự chênh lệch về của cải giữa phương Tây và phần còn lại của thế giới. Sau năm 1990, khi các phương tiện liên lạc bùng nổ giúp việc truyền đạt thông tin và kết nối với nhau dễ dàng hơn, dòng chảy kiến thức và kéo theo đó là của cải mới vận động mạnh mẽ và trơn tru hơn. Các tập đoàn đa quốc gia của phương Tây xây dựng nhà máy ở những vùng xa xôi, thuê lao động bản địa giá rẻ và tạo nên chuỗi cung ứng rộng khắp trên toàn cầu.

Trung Quốc chính là nước hưởng lợi nhiều nhất từ quá trình này. Công nghệ tiên tiến mà các nước phát triển mang đến và mức chi phí nhân công thấp của vùng đồng bằng Châu Giang (PRD) kết hợp với nhau trong 1 công thức không thể hoàn hảo hơn. Kết quả là “cơn lũ” hàng hóa giá rẻ cuồn cuộn chảy từ các nhà máy của vùng PRD ra toàn thế giới để đáp ứng nhu cầu khổng lồ của người tiêu dùng. Không chỉ các nhà xuất khẩu Trung Quốc, người tiêu dùng phương Tây cũng được lợi khi được dùng hàng hóa giá rẻ.

Tuy nhiên, giờ đây dòng chảy này đang có nguy cơ bị chặn lại. Nguồn cung lao động ở vùng PRD không còn dồi dào như trước, trong khi chi phí lao động thì ngày càng tăng lên (hiện đã cao hơn so với một số nước Đông Nam Á hay Ấn Độ). Cùng lúc đó, sau nhiều năm kinh tế trì trệ, nhu cầu của người tiêu dùng phương Tây đối với hàng hóa nhập khẩu cũng sụt giảm.

Đây là vấn đề khiến cả Trung Quốc đau đầu, nhưng PRD chính là vùng cảm nhận rõ nét nhất. Mức lương trung bình mỗi giờ mà lao động ở Quảng Châu nhận được hiện đã cao hơn khoảng 30% so với mức trung bình cả nước. Đối phó với điều này, một số nhà sản xuất đã phải chuyển cơ sở sang những vùng lân cận có chi phí rẻ hơn đồng thời chuyển sang tập trung vào thị trường trong nước thay vì xuất khẩu.

"Trung Quốc 2.0"

Marshall Fisher, giáo sư của trường kinh doanh Wharton gọi xu hướng này là “Trung Quốc 2.0”. Trong phiên bản 1.0 (kéo dài đến khoảng năm 2010), các nhà máy thâm dụng lao động của khu vực PRD vẫn chủ yếu dựa vào lợi thế lao động giá rẻ. Khi chi phí nhân công tăng mạnh, nhiều học giả đã dự đoán vùng đồng bằng này sẽ trở nên hoang vắng vì các nhà máy chuyển sang những nơi khác ở châu Á có chi phí rẻ hơn. Tuy nhiên, Fisher cho rằng họ đã không làm như vậy. Thay vào đó, những nhà máy nhanh chóng biến đổi để thích nghi với môi trường mới.

Cần lưu ý rằng bất chấp những khó khăn hiện tại, Trung Quốc vẫn là “ông vua” của hoạt động sản xuất toàn cầu. 3 năm 1 lần, Deloitt lại thực hiện 1 cuộc khảo sát trên 500 lãnh đạo doanh nghiệp trên toàn thế giới để xếp hạng các quốc gia dựa trên năng lực sản xuất. Trong báo cáo mới nhất được công bố năm ngoái, Trung Quốc vẫn đứng đầu, xếp trên Mỹ, Đức và Nhật Bản (giống như năm 2010 và 2013).

Đúng là nhiều doanh nghiệp đã tính đến chuyện ra đi, và nhiều công ty đứng ở những nấc thang thấp nhất của chuỗi giá trị (như gia công mặt hàng da giày và dệt may) đã chuyển nhà máy đến nơi khác. Tuy nhiên, hầu hết chọn ở lại, giữ phần lớn hoạt động ở vùng PRD nhưng phòng vệ bằng cách đầu tư vào những vùng rẻ hơn. Một số xây nhà máy mới ở Đông Nam Á hoặc những tỉnh khác có chi phí nhân công vẫn ở mức thấp và chuyển các phần việc tạo ra ít giá trị thặng dư sang đó.

George Yeo là người hiểu chuyện này hơn ai hết. Anh điều hành Kerry Logistics, công ty vận tải và giao nhận có trụ sở ở Hồng Kông nhưng có phạm vi hoạt động khá rộng và có tiếng tăm trong khu vực. Anh cho biết các khách hàng đang mở thêm nhà máy ở miền Bắc Việt Nam, nơi mà từ đó hàng hóa có thể được chuyển về vùng PRD chỉ trong 1 ngày.

Sự đa dạng hóa giúp tạo nên 1 mạng lưới sản xuất vững chắc ở khu vực và trong mạng lưới ấy, vai trò của vùng PRD được củng cố thêm chứ không hề suy giảm. Hệ thống phức tạp gồm các nhà cung ứng, người môi giới và các công nhân lành nghề sẽ không thể biến mất trong tương lai gần.

Tommi Laine-Ylijoki – người đang quản lý chuỗi cung ứng tại Huawei, tập đoàn đa quốc gia hàng đầu của Trung Quốc có trụ sở đặt tại Thâm Quyến – đặc biệt phản đối ý tưởng cho rằng chi phí tăng sẽ buộc Huawei phải chuyển khỏi vùng PRD.

Theo anh, mức chênh lệch chỉ vào khoảng 20 – 30% nhưng toàn bộ chuỗi cung ứng của Huawei vẫn nằm ở đây do đó mức chênh lệch trên là không đáng kể. Ngoài ra, anh cũng muốn các nhà máy phải ở gần với đội ngũ nghiên cứu và phát triển sản phẩm để thúc đẩy sáng tạo. Hầu như toàn bộ smartphone của Huawei được sản xuất ở nơi khác, nhưng khoảng 10% được giữ lại ở ngay tại vùng đồng bằng này. Theo anh, chẳng nơi nào trên thế giới có thể tốt hơn nơi đây.

Sức hút vẫn nằm ở PRD

Khu phố đi bộ nằm ở chính giữa Quảng Châu đem đến cho người ta cảm giác giống như đang đi dạo trên con phố đi bộ Rambla nổi tiếng của thành phố Barcelona. Bên đường là nhà hát opera tráng lệ được thiết kế bởi nữ kiến trúc sư huyền thoại Zaha Hadid, đối diện là bảo tàng nghệ thuật có hình dáng được thiết kế giống như một chiếc rương chứa đầy châu báu ngọc ngà. Ánh đèn bảy sắc cầu vồng từ tòa tháp Canton soi bóng xuống dòng Châu Giang, tạo nên vẻ lung linh huyền ảo.

Khu vực này không mang dáng vẻ gai góc như những thành phố công nghiệp khác. Nhiều thập kỷ tăng trưởng giúp vùng PRD giàu có và năng động. Hơn nữa sự giàu có ấy đến từ các doanh nghiệp tư nhân, vì thế của cải được phân bổ đồng đều hơn. Quảng Đông có tầng lớp thu nhập trung bình cũng là đội quân người tiêu dùng hùng hậu. Tổng doanh số bán lẻ hàng năm của Quảng Châu và Thâm Quyến vượt xa Hồng Kông.

Hàng năm, gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba đều tổ chức ngày hội mua sắm trực tuyến đúng vào ngày lễ độc thân 11/11. Năm ngoái, kỷ lục mới được thiết lập khi người tiêu dùng chi tới 17 tỷ USD để mua sắm trên các trang web của Alibaba trong 24 giờ, lớn hơn cả số tiền người Mỹ chi trả trong 2 ngày Black Friday và Cyber Monday. Alibaba thường tổ chức đêm gala ở quê nhà Hàng Châu, nhưng bữa tiệc năm ngoái với sự xuất hiện của Kobe Bryant và một số siêu mẫu Victoria’s Secret được tổ chức ở Thâm Quyến.

Quảng Đông là nơi chi nhiều tiền nhất trong dịp này, nhưng có 1 lý do khác để chọn Thâm Quyến. Theo như giám đốc marketing của Alibaba Chris Tung chia sẻ, Alibaba coi trọng toàn cầu hóa và sáng tạo, và Thâm Quyến luôn luôn đi đầu trong 2 lĩnh vực này.

Sự xoay trục sang tiêu dùng nội địa sẽ là động lực lớn lao thúc đẩy các nhà máy của vùng PRD phát triển, nhưng các doanh nghiệp nước ngoài đang đóng đô ở PRD dường như chậm chạp hơn. Giờ đây họ cũng phải bắt nhịp với xu hướng mới.

Edwin Keh, học giả từng giữ vị trí cấp cao trong ban lãnh đạo của nhà bán lẻ Mỹ Walmart, đưa ra lời giải thích: “Chúng tôi đã tạo ra chuỗi cung ứng toàn cầu rất hiệu quả trong việc làm ra hàng hóa ở phương Đông và tiêu thụ chúng ở phương Tây. Nhưng ở thời điểm hiện tại, đó là hướng đi sai lầm”.

Những bến tàu, mạng lưới vận tải và hậu cần của vùng PRD đã được thiết kế để vận chuyển hàng hóa từ Thâm Quyến đến Los Angeles trong thời gian nhanh nhất, chứ không phải từ Thâm Quyến đến Tây An. May mắn là chúng đang thay đổi và thích ứng rất nhanh với môi trường mới.

Là khu vực trung tâm của tỉnh Quảng Đông, vùng đồng bằng sông Châu Giang (Pearl River Delta – PRD) là nơi tập trung 9 thành phố lớn gồm Quảng Châu, Thâm Quyến, Chu Hải, Đông Quản, Trung Sơn, Phật Sơn, Quý Châu, Giang Môn và Triệu Khánh, cùng Đặc khu hành chính Hồng Kông và Ma Cao. Ngân hàng Thế giới World Bank mới đây cho rằng PRD chính là siêu đô thị lớn nhất thế giới (vượt Tokyo). Với 66 triệu dân, khu vực này đông dân hơn cả nước Ý.

Vùng tam giác có diện tích không lớn nằm ở cửa ngõ phía Nam của Trung Quốc có sức mạnh kinh tế đáng nể. Với GDP đạt 1.200 tỷ USD, nền kinh tế khu vực PRD còn lớn hơn cả Indonesia – nơi có dân số đông gấp 4 lần. 10 năm qua, khu vực này có tốc độ tăng trưởng trung bình 12%/năm.

Thu Hương

Economist

Trở lên trên