MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hiệp hội BĐS Việt Nam kiến nghị xem xét quy định khống chế chi phí lãi vay trong Nghị định 20

07-12-2018 - 14:31 PM | Bất động sản

Hiệp hội BĐS Việt Nam vừa có văn bản đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ về NĐ 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Văn bản nêu rõ, ngày 24/02/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết (sau đây xin gọi tắt là Nghị định 20). Qua nghiên cứu nội dung Nghị định 20 và tập hợp ý kiến của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (thành viên của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam), Hiệp hội Bất động sản Việt Nam xin có một số ý kiến, đề xuất về quy định khống chế chi phí lãi vay tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 như sau:

Cụ thể, điều 8 Nghị định 20 quy định:"Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế".

Quy định này không áp dụng với người nộp thuế là đối tượng áp dụng của Luật các tổ chức tín dụng và Luật kinh doanh bảo hiểm. Người nộp thuế kê khai tỷ lệ chi phí lãi vay trong kỳ tính thuế theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, quy định này không phù hợp với nguyên tắc tự do kinh doanh đã được ghi nhận trong Luật doanh nghiệp năm 2014, không phù hợp với thực tế và gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp bởi 3 lý do.

Thứ nhất, Điều 7 Luật doanh nghiệp quy định quyền của doanh nghiệp được "tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm". Trên tinh thần của nguyên tắc tôn trọng quyền tự do kinh doanh, doanh nghiệp có quyền tự do vay vốn, huy động các nguồn tài chính không trái với quy định pháp luật để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Vì vậy, quy định giới hạn chi phí lãi vay của Nghị định 20 chưa phù hợp với nguyên tắc tôn trọng quyền tự do kinh doanh.

Thứ hai, vay vốn là nhu cầu thực tế, thường xuyên của doanh nghiệp nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh đặc biệt với những ngành nghề đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài như đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh doanh bất động sản. 

Quy định khống chế chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp sẽ gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp kinh doanh trong các ngành nghề đòi hỏi vốn đầu tư lớn nói riêng khiến các doanh nghiệp e ngại khi vay vốn vì lợi nhuận không đủ bù đắp cho phần chi phí lãi vay không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Như vậy, quy định khống chế chi phí lãi vay đã tạo ra rào cản đối với hoạt động vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp.

Thứ ba, quy định của Nghị định 20 sẽ tạo ra nhiều khó khăn đối với các tập đoàn kinh tế tư nhân với mô hình công ty mẹ - con hiện đang phát triển mạnh ở nước ta. Trong các tập đoàn kinh tế, công ty mẹ sẽ có các hoạt động chính là đầu tư vào các công ty con thông qua việc góp vốn vào các các công ty con. Công ty mẹ là đầu mối huy động vốn vay từ các nguồn vốn trong nước và nước ngoài để cho vay lại các đơn vị thành viên. 

Với những lý do nêu trên, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam xin báo cáo và kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cân nhắc về quy định khống chế chi phí lãi vay trong Nghị định 20 trên tinh thần tôn trọng quyền tự do kinh doanh và tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.

Trước đó, bàn về Nghị định 20, LS. Trương Thanh Đức cũng đã cho biết quy định này sẽ không phù hợp với tất cả doanh nghiệp trong nước khi đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc khống chế chi phí lãi vay được trừ 20% trên lợi nhuận thuần trước lãi và khấu hao lại là các doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, những doanh nghiệp đang đầu tư vào các ngành trọng điểm cần số vốn rất lớn. Bởi lẽ, các doanh nghiệp cùng công ty con đều hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam nên đều phải áp dụng các quy định về chính sách thuế của pháp luật Việt Nam.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng khẳng định: "Với nhiều năm hoạt động tài chính tại Mỹ, tôi nhận thấy không có việc áp trần chi phí lãi vay cho doanh nghiệp tại quốc gia này cũng như nhiều đất nước phát triển. Nếu một doanh nghiệp nào đó có dấu hiệu đẩy chi phí vay để trốn thuế, thì cơ quan quản lý sẽ yêu cầu doanh nghiệp giải trình và sau đó là tiến hành điều tra.

"Thật ra, Nghị định 20 nhắm vào doanh nghiệp có giao dịch liên kết nhằm gia tăng tính minh bạch và nỗ lực chống thất thu. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp nội không có công ty liên kết bên ngoài thì không phù hợp và đặc biệt là có thể gây thiệt hại cho nhiều doanh nghiệp hoạt động theo mô hình mẹ - con trong nước. Việc áp trần chi phí lãi vay đối với doanh nghiệp nội là chưa công bằng. Sẽ có một nhóm doanh nghiệp phải gánh trách nhiệm nặng nề cho những doanh nghiệp khác trốn thuế", chuyên gia khẳng định.

Nam Anh (Tổng hợp)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên