MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hiểu thêm về nét độc đáo trong văn hóa cúi chào của người Nhật qua hình ảnh ông chủ đội mưa cúi gập người khi khách vào mua xăng

12-10-2017 - 14:33 PM | Sống

Mạng xã hội gần đây đang chia sẻ rất nhiều về hình ảnh ông chủ trạm xăng người Nhật đội mưa cúi gập người chào khách vào đổ xăng. Đằng sau hình ảnh ấy chính là văn hóa cúi chào độc nhất vô nhị của người Nhật. Bài đọc dưới dây có thể giúp bạn hiểu hơn về văn hóa độc đáo đó.

Chào hỏi không chỉ là phép lịch sự, tôn trọng mà còn là một nét văn hóa đẹp được mọi người sử dụng thường xuyên trong đời sống. Tuy nhiên, ở đất nước Nhật Bản chào hỏi không chỉ là một điều bình thường nữa mà là một nét độc đáo nổi tiếng trên thế giới.

Nếu như trong văn hóa phương Tây, người ta thường bắt tay khi chào hỏi thì Nhật Bản lại rất kiêng kị chạm vào cơ thể đối phương, thay vào đó họ cúi gập người thể hiện sự tôn trọng và hành động đó thay cho câu chào hỏi.

Nghi thức cúi chào người Nhật gọi là Ojigi. Ojigi có nghĩa là đổ người từ phần eo về phía trước.Ojigi bao gồm nhiều mức độ, từ một cái gật đầu khẽ đến tư thế cúi gập người 90 độ. Trong thực tế có ba kiểu Ojigi sau:

+ Kiểu Saikeirei: cúi xuống từ từ và rất thấp là hình thức cao nhất, biểu hiện sự kính trọng sâu sắc và thường sử dụng trước bàn thờ trong các đền của Thần đạo, chùa của Phật giáo, trước Quốc kỳ, trước Thiên Hoàng.

+ Kiểu cúi chào bình thường: thân mình cúi xuống 20-30 độ và giữ nguyên 2-3 giây. Nếu đang ngồi trên sàn nhà mà muốn chào thì đặt hai tay xuống sàn, lòng bàn tay úp sấp cách nhau 10-20cm, đầu cúi thấp cách sàn nhà 10-15cm.

+ Kiểu khẽ cúi chào: thân mình và đầu chỉ hơi cúi khoảng một giây, hai tay để bên hông.

Tất cả các lời chào của người Nhật bao giờ cũng phải cúi mình và kiểu cúi chào như thế nào phụ thuộc vào địa vị xã hội, từng mối quan hệ xã hội của mỗi người khi tham gia giao tiếp. Quy tắc bất thành văn trong văn hóa chào hỏi của người Nhật là “người dưới” bao giờ cũng phải chào “người trên” trước và theo quy định đó thì người lớn tuổi là người trên của người ít tuổi, nam là người trên đối với nữ, thầy là người trên (không phụ thuộc vào tuổi tác, hoàn cảnh), khách là người trên...

Quay lại với hình ảnh ông chủ người Nhật cúi người chào khách vào mua xăng. Hình ảnh này đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau, người thì cho rằng hành động đó thể hiện sự tôn trọng khách hàng tuy nhiên cũng có người cho rằng chỉ cần xăng chất lượng tốt, đổ đủ số lượng là được còn hành động đó rườm rà gây ra sự không thoải mái. Một số người khác nghĩ rằng đây chỉ là hành động mang tính chất quảng cáo.

Tuy nhiên nếu đặt hành động cúi chào của ông chủ trong văn hóa Nhật Bản thì đó cũng là chuyện bình thường giống như cái gật đầu của người Việt khi gặp nhau, không hề có sự câu nệ, rườm rà.

Có thể dễ dàng thấy rằng hành động cúi chào của ông chủ cùng với thái độ phục vụ nhiệt tình của nhân viên trong của hàng đã đem đến sự hài lòng cho đa số người mua.Và khi mọi người hài lòng với chất lượng và thái độ độ phục vụ chắc chắn họ sẽ tiếp tục ủng hộ việc kinh doanh của cửa hàng thời gian tới.


Nhân viên trạm xăng niềm nở cúi đầu chào khách hàng sau khi đổ xăng. Nguồn ảnh: Infonet.

Nhân viên trạm xăng niềm nở cúi đầu chào khách hàng sau khi đổ xăng. Nguồn ảnh: Infonet.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên