MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

HII và PLP: Cuộc đua "song mã" trên chứng trường

18-09-2017 - 09:35 AM | Doanh nghiệp

Ngay khi vừa niêm yết trên sàn HSX, cổ phiếu HII và PLP của 2 doanh nghiệp nhựa phụ gia duy nhất trên sàn đã nhận được sự đón nhận “nồng nhiệt” của NĐT, tạo nên những làn sóng tăng giá trên thị trường.

Lên sàn từ giữa tháng 6/2017 với mức giá tham chiếu phiên đầu tiên 11.900 đồng/cp, cổ phiếu HII của CTCP Nhựa và Khoáng sản An Phát - Yên Bái sau đó đã tăng 8 phiên tăng trần liên tiếp, vọt lên mức giá 24.150 đồng/cp, khối lượng dư mua quanh mức 2 triệu cp mỗi phiên.

Cho đến phiên ngày 15/09 vừa qua, cổ phiếu HII bất ngờ có phiên tăng trần với khối lượng giao dịch hơn 762 ngàn cp và kết phiên ở giá 35.300 đồng/cp, tăng 161% sau gần 3 tháng niêm yết.

Thị giá HII và PLP từ khi lên sàn đến 15/09

“Chậm chân” hơn HII khi chỉ vừa lên sàn vào cuối tháng 8, nhưng cũng không vì thế mà sức hấp dẫn của CTCP Sản xuất và Công nghệ Nhựa Pha Lê (HOSE: PLP) kém cạnh.

Chào sàn với giá 12.000 đồng/cp, HII ghi dấu chuỗi tăng trần trong 10 phiên liên tiếp, trước khi giảm nhẹ và hồi phục đà tăng trong 5 phiên gần đây.

Trong phiên 15/09, PLP từng có thời điểm “khớp trần” trước khi chốt phiên tại giá 28.500 đồng/cp, tăng 97% trong chưa đầy 1 tháng trên sàn. Tuy nhiên, thanh khoản của PLP khá khiêm tốn, trung bình chỉ ở mức gần 115 ngàn cp/phiên.

Những diễn biến trên thị trường đặt ra câu hỏi là điều gì tạo nên sức hút của HII và PLP?

Nhìn thấy cơ hội ở một thị trường mới và đầy tiềm năng

PLP và HII là 2 doanh nghiệp sản xuất, cung cấp sản phẩm chính là hạt nhựa phụ gia được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào trong ngành công nghiệp nhựa để thay đổi thuộc tính khác nhau của nhựa nền hoặc nhựa polyme.

Hiện nay, thị trường hạt nhựa phụ gia được đánh giá là còn rất nhiều tiềm năng và dư địa phát triển. Theo báo cáo về thị trường hạt nhựa phụ gia của HII, doanh thu hạt nhựa phụ gia của thế giới năm 2017 ước đạt 10,5 tỷ USD và dự kiến tăng lên 13,41 tỷ USD vào năm 2022, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình là 5,1%/năm.

Trong đó, Trung Quốc, Châu Âu, Bắc Mỹ hiện là những thị trường tiêu thụ mạnh nhất về hạt nhựa và Châu Á Thái Bình Dương là thị trường tăng trưởng nhanh nhất.

Nhu cầu hạt nhựa phụ gia

Riêng tại Việt Nam, nguyên liệu cho ngành nhựa ở mức hơn 5 triệu tấn, tuy nhiên doanh nghiệp trong nước chỉ đáp ứng được 20%, còn lại phải nhập khẩu. Với dư địa 80% còn lại là mảnh đất màu mỡ cho những doanh nghiệp sản xuất cung ứng nguyên liệu nhựa, hạt nhựa phụ gia.

Với riêng sản phẩm hạt nhựa phụ gia, những cái tên lớn nhất trên thị trường Việt Nam có thể kể đến Nhựa Châu Âu, An Phát –Yên Bái (HII) và Nhựa Pha Lê (PLP) và Nhựa Đông Á. Trong đó, theo khảo sát năm 2017, Nhựa Châu Âu là doanh nghiệp nắm giữ thị phần lớn nhất với 30%, theo sau là HII với 12%, PLP và Nhựa Đông Á đều nắm giữ 8% thị phần, còn lại đến từ nguồn khác.

Đến những nguồn lực nội tại và lợi thế của doanh nghiệp

Với việc bắt kịp và gia nhập một thị trường non trẻ có cơ hội phát triển lớn, cả PLP và HII đều cho thấy những lợi thế về năng lực sản xuất và phân phối.

Với HII, Công ty xây dựng nhà máy sản xuất hạt nhựa phụ gia CaCo3 tại Yên Bái, cũng là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào với trữ lượng ổn định tại các mỏ đá cho doanh nghiệp. Điều này giúp HII giảm thiểu và tiết kiệm được chi phí.

Mặt khác, HII hiện đang sở hữu 2 công ty con là CTCP Liên Vận An Tín hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, hỗ trợ vận tải và CTCP Sản xuất Tổng hợp An Thành hoạt động trong lĩnh vực phân phối các sản phẩm hạt nhựa, bán buôn vật tư…. Nhờ đó, quy trình của HII gần như khép kín từ đầu vào tới khâu vận chuyển và phân phối của sản phẩm, giúp kiểm soát hoạt động và quản lý hiệu quả.

Về đầu ra cho sản phẩm, bên cạnh CTCP Nhựa và Môi trường Xanh An Phát (HOSE: AAA) – công ty mẹ nắm 51% vốn của HII là đối tác tiêu thụ, Công ty còn có nhiều khách hàng khác như Mitsubishi, Philips, Marlex…

Tiến tới đây, HII dự kiến triển khai sản phẩm hạt tự hủy - một trong những sản phẩm mới tại Việt Nam nhưng được kỳ vọng là xu hướng của thế giới trong tương lai. HII đặt mục tiêu năm 2018 sẽ chiếm 30% thị phần cung ứng hạt nhựa phụ gia tại Việt Nam, vươn lên vị trí số 1 thị trường.

Vừa qua, HII đã đưa dự án nâng công suất nhà máy sản xuất hạt Nhựa CaCO3 lên 150.000 tấn/năm và dự án xây dựng nhà máy sản xuất bột đá CaCO3 công suất 220.000 tấn/năm của An Phát - Yên Bái đi vào hoạt động kỳ vọng thúc đẩy đà tăng trưởng của Công ty.

Năm 2017, HII đặt mục tiêu doanh thu 1.150 tỷ đồng và lãi ròng 70 tỷ đồng. Qua năm 2018, tiến tới doanh thu 2.200 tỷ đồng và lãi ròng 100 tỷ đồng. Mục tiêu tăng trưởng EPS 30% , cổ tức tiền mặt đều đặn 20-30% mỗi năm.

Mới đây, Ban lãnh đạo HII cho biết, trong quý III/2017, Công ty sẽ đạt khoảng 300 tỷ đồng doanh thu và lãi ròng 20 tỷ đồng. Như vậy, lũy kế 9 tháng, HII ước đạt doanh thu và lợi nhuận lần lượt 690 tỷ đồng và lãi ròng 54 tỷ đồng, tương đương 60% và 77% chỉ tiêu đề ra.

Bên cạnh HII, PLP cũng là doanh nghiệp có được những ưu thế nhất định trong ngành. PLP hiện sở hữu 2 mỏ đá granite tại Ninh Thuận, 3 mỏ đá cẩm thạch trắng tại Nghệ An và đặc biệt là mỏ đá vôi tại núi Thung Hung, Quỳ Hợp, đây được xem là tài sản chiến lược của Công ty. Nhà máy sản xuất của PLP đặt tại Hải Phòng khá thuận tiện cho việc vận chuyển bằng đường biển.

Về thị trường tiêu thụ, PLP cũng định hướng mở rộng tại các thị trường châu Mỹ, châu Âu, châu Úc, châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, đẩy mạnh sản lượng tiêu thụ.

Hiện nay, Công ty đã hoàn thiện lắp đặt và đi vào sản xuất 4 dây chuyền sản xuất hạt nhựa Filler Masterbatch. Dự kiến cuối năm 2017, PLP tiếp tục nâng công suất 3 dây chuyền sản suất hạt nhựa Filler Masterbatch lên hơn 9.000 tấn/tháng (2 dây chuyền mới sẽ bắt đầu chạy thử nghiệm vào tháng 10/2017 và đi vào sản xuất đại trà từ đầu tháng 12/2017).

Năm 2017, PLP đặt mục tiêu doanh thu thuần 350 tỷ đồng và lãi ròng 40 tỷ đồng tăng trưởng 161% và 427% ; dự kiến cổ tức tỷ lệ 10%. Qua năm 2018, Công ty hướng đến kế hoạch doanh thu 530 tỷ đồng, tăng 51% và lãi ròng 70 tỷ đồng, tăng 75% với mức cổ tức tỷ lệ 15%.

Theo Thế Nhất

NDH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên