img
Hillary Clinton: “Người đàn bà trong triển lãm có tên hạnh phúc” - Ảnh 1.

Cuối năm 2016, nước Mỹ đã tuột mất cơ hội có nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử 240 năm lập quốc của mình. Hillary Rodham Clinton đã phải dừng lại giấc mơ Tổng thống ở tuổi 69 sau 15 năm theo đuổi. Nhưng câu chuyện về cuộc đời bà thì sẽ không dừng lại ở thời đại của chúng ta. Người ta đã, đang và sẽ phải luận đàm bất tận về nữ ứng viên Tổng thống được ủng hộ nhất nước Mỹ đồng thời là người phụ nữ bị căm ghét nhất nước Mỹ, người là biểu tượng nữ quyền của đất nước tự do nhất thế giới đồng thời là người phản bội nữ quyền. Hillary Clinton, người phụ nữ quyền lực thứ 2 thế giới sau đương kim Thủ tướng Đức Angela Markel theo bình chọn của tạp chí Forbes năm 2016, đã sống trong sự tranh cãi ấy kể từ khi đặt chân vào Nhà Trắng với vai trò đệ nhất phu nhân Mỹ năm 1993.

Hillary Clinton: “Người đàn bà trong triển lãm có tên hạnh phúc” - Ảnh 2.

Hillary Clinton có tên thời con gái là Hillary Diane Rodham, sinh năm 1947 ở thành phố Chicago trong một gia đình thuộc tầng lớp thượng lưu. Xinh đẹp, giỏi thể thao, đam mê trượt băng, trí thông minh hơn người, có lẽ cô gái trẻ Hillary khi ấy chưa bao giờ nghĩ rằng cuộc đời, sự nghiệp và cả sự yêu/ ghét - tôn sùng/ tẩy chay mà người đời dành cho mình đều liên quan trực tiếp tới một người đàn ông.

Hillary gặp và yêu anh bạn cùng lớp Bill Clinton tại Đại học Yale. Mối tình sinh viên đó tưởng sẽ đứt gánh khi mỗi người một con đường riêng sau tốt nghiệp. Hillary nhận được công việc ở ủy ban Watergate còn Bill về quê nhà Arkansas dạy học. Song, thay vì nỗ lực tìm kiếm cơ hội ở Washington D.C, Hillary lại luôn đau đáu ước mong đoàn tụ cùng bạn trai. Việc trượt kì thi luật sư ở thủ đô đã khiến cô gái 26 tuổi quyết tâm xách va ly vượt hơn 2000 km tới Arkansas, bắt đầu một hành trình vừa vinh quang vừa bão tố kéo dài hơn 5 thập kỉ ròng.

Hillary Clinton: “Người đàn bà trong triển lãm có tên hạnh phúc” - Ảnh 3.

Trên hành trình kéo dài 2 ngày 2 đêm vào mùa Thu năm 1974 ấy, bà Sara Ehrman, chủ nhà của Hillary, đồng thời là người đang làm việc ở Quốc hội Mỹ đích thân chở cô gái trẻ đi đoàn tụ với bạn trai bằng xe riêng của mình, đã ra sức thuyết phục Hillary đổi ý. "Hillary, cậu ấy sẽ chỉ là một luật sư quèn ở đó thôi", bà Ehrman nói. Bà lo lắng một cô gái có tài năng đủ để "làm bất cứ điều gì" như Hillary sẽ xếp xó sự nghiệp đầy hứa hẹn chỉ vì tình yêu dành cho tay luật sư không tên tuổi ở cái xứ quê mùa Arkansas. Nhưng Hillary chỉ lịch sự trả lời: "Cháu yêu anh ấy và muốn ở bên anh ấy". Mãi sau này, khi theo dõi con đường mà Hillary đã đi sau nhiều thập kỉ, ở tuổi 97, bà Ehrman thừa nhận mình đã nhìn nhận sai sự việc, và rằng: "Hillary là người rất thực tế và thực dụng. Cô ấy muốn ở bên cậu ấy, nhưng cô ấy cũng nhìn thấy một tương lai cho cậu ấy và bản thân mình".

Hillary Clinton: “Người đàn bà trong triển lãm có tên hạnh phúc” - Ảnh 4.

Năm 1975, Hillary Rodham trở thành bà Hillary Clinton. 3 năm sau, bà trở thành đệ nhất phu nhân bang Arkansas khi Bill Clinton lên chức Thống đốc bang. 15 năm sau, bà trở thành đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ khi Bill Clinton nhậm chức Tổng thống thứ 42. Hillary là bà chủ Nhà Trắng đầu tiên có học vị thạc sĩ và thành công trong nghề nghiệp chuyên môn với tư cách là một trong những luật sư hàng đầu về sở hữu trí tuệ. Hillary cũng là đệ nhất phu nhân đầu tiên tranh cử một chức vụ dân cử, giành ghế trong Thượng viện Mỹ, trở thành Ngoại trưởng Hoa Kỳ và theo đuổi chiếc ghế Tổng thống trong một chiến dịch bền bỉ kéo dài suốt 10 năm trời mà đã có lúc tưởng chừng có thể chạm tay tới giấc mơ.

Sự nghiệp chính trị của Hillary được bắt đầu sau khi Bill Clinton rời Nhà Trắng vào năm 2000. Nhưng người ta cũng nói, sự nghiệp chính trị của Hillary thực ra đã bắt đầu vào năm 1975 khi lấy Bill Clinton. Bill Clinton là tình yêu đồng thời là sự nghiệp mà Hillary hết lòng gây dựng. Đó là căn nguyên cho mọi hành động gây tranh cãi của bà sau này. Khờ dại hay thực dụng, yếu mềm hay sắt đá, nhu nhược hay mạnh mẽ cũng từ căn nguyên này mà ra.

Hillary Clinton: “Người đàn bà trong triển lãm có tên hạnh phúc” - Ảnh 5.

Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến bà Hillary Clinton thất bại trước ông Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng chính là những bê bối tình dục trong quá khứ của Bill Clinton. Ở giai đoạn nước rút, bà Hillary gặp bất lợi khi phong trào phản đối bà dâng cao. Cựu tình nguyện viên Nhà Trắng Kathleen Willey, người từng cáo buộc ông Clinton có những hành vi "đụng chạm" đến bà năm 1993, đã phát động chiến dịch tẩy chay Hillary Clinton trên diện rộng. Hầu hết những người đàn bà đã "ghi dấu" trong cuộc đời cựu Tổng thống như Gennifer Flowers, Paula Jones, Kathleen Wiley, Dolly Kyle, Monica Lewinsky… đều tham gia chiến dịch này một cách công khai. Đã hơn nửa năm cuộc tranh cử Tổng thống kết thúc, nhưng người ta không thể quên câu nói thô lỗ để đời của Donald Trump: "Nếu Hillary Clinton không thể thỏa mãn chồng bà ấy thì điều gì khiến bà ấy nghĩ rằng, bà ấy có thể thỏa mãn nước Mỹ?". Hillary đã mỉm cười lạnh nhạt trước lời nói sát thương của Donald Trump. Nhưng bên trong vẻ ngoài không mảy may rung động ấy có phải là một vết thương đang rỉ máu không ngừng?

Hillary Clinton: “Người đàn bà trong triển lãm có tên hạnh phúc” - Ảnh 6.

Hillary Clinton: “Người đàn bà trong triển lãm có tên hạnh phúc” - Ảnh 7.

Trong 8 năm làm Đệ nhất phu nhân, Hillary đã phải liên tục đứng ra làm tấm lá chắn cho chồng mình với hàng loạt những vụ bê bối tình dục kéo dài suốt từ thập niên 80 sang thập niên 90. Đình đám nhất là vụ Lewinsky. Vào thời điểm đó, Hillary cũng mỉm cười lạnh nhạt như bây giờ, một mực khẳng định chồng mình vô tội. Dĩ nhiên chỉ cho đến khi những đoạn ghi âm tỉ mỉ cuộc đối thoại "giường chiếu" giữa Tổng thống và cô thực tập sinh Nhà Trắng bị phát công khai trên sóng phát thanh. Hẳn là ai cũng có thể cảm nhận được những giây phút dài dằng dặc mà một đệ nhất phu nhân danh giá phải trải qua - những giây phút chịu đựng sự tra tấn tinh thần khốc liệt khi buộc phải cùng toàn thể dân chúng Mỹ chứng kiến cảnh chồng mình ngoại tình.

Hillary Clinton: “Người đàn bà trong triển lãm có tên hạnh phúc” - Ảnh 8.

Worthington, người quản gia trong Nhà Trắng, đã mô tả lại nơi sinh hoạt của vợ chồng Tổng thống vào thời điểm vụ Lewinsky đang ầm ĩ rằng: "Khi bạn bước lên tầng hai, nó lạnh như một nhà xác". Suốt thời gian dài, không ai nhìn thấy bà Clinton đâu cả mặc dù bà vẫn đang sống trong Nhà Trắng. Ông Clinton bị bắt gặp ngủ ngoài phòng khách trong nhiều tháng liền, và một lần người giúp việc đã được gọi vào phòng để dọn dẹp một đống đổ vỡ với những vết máu loang lổ trên ga giường. Nhưng giá như bà Clinton có thể phá vỡ mọi đồ đạc, có thể làm loạn Nhà Trắng bằng các cuộc cãi vã nảy lửa, có thể tung hê phỉ báng chồng, có thể đá Bill Clinton ra khỏi cuộc hôn nhân. Sẽ không ai cấm đoán hay phán xét nếu bà làm như thế. Chỉ có điều, bà chọn cách mà không một người phụ nữ Mỹ văn minh nào lựa chọn.

Ông Worthington kể, Hillary một hôm nói với ông rằng bà muốn ra bể bơi một mình mà không có các nhân viên mật vụ. Worthington đưa bà Hillary ra bể bơi. Xung quanh không một bóng người. Bà Hillary không trang điểm, không làm tóc và cũng không nói một lời nào. Bà ngồi ở đó, giữa lúc Mặt Trời gay gắt nhất, 12 giờ trưa, và chỉ ra về sau 3 tiếng bất động. Worthington hộ tống bà từ bể bơi lên tầng hai Nhà Trắng trong yên lặng. Mãi đến khi bà chuẩn bị bước vào thang máy, bà mới nắm lấy vai Worthington, nhìn thẳng vào mắt ông và nói "Cám ơn". Giây phút ấy, Worthington nhìn thấy nỗi cô đơn và đau khổ tột cùng tràn ngập ánh mắt bà.

Ngày hôm sau, mọi thứ trở lại bình thường. Hillary lại xuất hiện cùng chồng trong các sự kiện quan trọng. Họ lại "tung tăng" như mọi khi. Chỉ có Worthington là hiểu rõ, trái tim của người phụ nữ có vẻ ngoài bình thản và kiên định ấy đã đóng băng dưới ánh Mặt Trời.

Hillary Clinton: “Người đàn bà trong triển lãm có tên hạnh phúc” - Ảnh 9.

Không một ai hiểu được tại sao bà Hillary Clinton không hề quan tâm đến việc tìm kiếm sự ly dị. Việc bà liên tục đứng ra bảo vệ chồng, thậm chí sẵn sàng mạt sát và bôi đen tư cách của những người phụ nữ tố cáo chồng mình, chẳng những không khiến bà được tiếng bao dung mà còn làm thanh danh của bà bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những người theo đuổi phong trào nữ quyền cho rằng hành vi của bà Hillary là sự thông đồng, bao che, dung túng đáng xấu hổ. Họ quy kết bà hiệp đồng với chồng lừa dối người dân Mỹ. Và rằng, chính thái độ của bà đã gây ra cách hành xử vô trách nhiệm, coi thường giá trị gia đình của Bill Clinton. Và rằng, bà Hillary đã cổ xúy cho thói trăng hoa của nam giới, kéo lùi văn minh, làm gương xấu cho những người phụ nữ trên toàn cầu.

Mặc tất cả những chỉ trích, Hillary vẫn chọn ở lại bên cạnh Bill. Thế nên, người ta không thể tìm được lý do nào ngoài việc quy kết Hillary đã đánh đổi hạnh phúc riêng tư vì tham vọng chính trị của mình. Sự ủng hộ của bà Hillary dành cho chồng được suy đoán là sự ủng hộ có điều kiện. Hillary thao túng Bill như một công cụ để thỏa mãn giấc mơ quyền lực. Nói cách khác, Hillary giữ Bill lại bên mình không phải là giữ lại tình yêu mà đơn thuần chỉ là giữ lại sự nghiệp.

Hillary Clinton: “Người đàn bà trong triển lãm có tên hạnh phúc” - Ảnh 10.

Nhưng nếu Hillary khát khao chiếc ghế Tổng thống đến thế, thì lẽ ra bà nên ly hôn mới phải. Trong bối cảnh lúc ấy, việc ly hôn với Bill Clinton sẽ giúp bà gia tăng ảnh hưởng chính trị. Chí ít là, bà có thể đã không phải nhận những sự chỉ trích nặng nề kéo dài suốt nhiều chục năm qua. Và biết đâu, nhờ thế mà bà đã được ủng hộ mạnh mẽ hơn để có thể trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ.

Nhưng Hillary không thể quay trở lại quá khứ để thay đổi sự lựa chọn của mình. Ngay cả khi đã thất bại trước Donald Trump, Hillary cũng không ân hận với quyết định trong quá khứ của mình. "Tha thứ là một sự lựa chọn và tôi không hối hận với lựa chọn này dù nó vô cùng khó khăn. Tôi không bao giờ nghi ngờ tình yêu mà Bill dành cho tôi", Hillary Clinton nói.

Hillary Clinton: “Người đàn bà trong triển lãm có tên hạnh phúc” - Ảnh 11.

Hơn ai hết, một người thông minh, tập trung và lí trí như Hillary biết mình sẽ phải đối mặt với những gì khi lựa chọn tha thứ cho Bill Clinton. Nhưng cuối cùng, bà chấp nhận đóng băng những vết thương của mình lại để duy trì cuộc hôn nhân, cũng có nghĩa là duy trì chiếc ghế Tổng thống cho Bill Clinton cho đến hết nhiệm kỳ, cũng có nghĩa là để Bill được toàn tâm toàn ý tiếp tục với những kế sách điều hành quốc gia đang là cường quốc số 1 thế giới vào thời điểm đó. Hillary tham vọng chính trị mà đánh đổi hạnh phúc riêng tư hay bà hy sinh hạnh phúc riêng tư vì lợi ích của đại cục, mà sự thành công của đại cục ấy sẽ không có vinh danh nào dành cho tên riêng của bà?

Hillary Clinton: “Người đàn bà trong triển lãm có tên hạnh phúc” - Ảnh 12.

Câu trả lời còn tùy thuộc vào sự nhìn nhận của mỗi người. Chỉ có điều, một người phụ nữ phải có ý chí phi thường và sự thông tuệ nhường nào mới có thể chế ngự được bản thân trước những đả kích ê chề cùng nỗi đau tinh thần cùng cực như thế. 

Bao nhiêu năm qua, chưa từng ai nhìn thấy gương mặt suy sụp của bà Hillary Clinton ngoại trừ người quản gia Worthington. Vẫn thần thái điềm tĩnh, vẫn ánh mắt cương nghị khó đoán biết cảm xúc, vẫn nụ cười rạng rỡ sang trọng, nhưng bên trong người đàn bà thép ấy, trái tim đã bao giờ lành lặn vẹn nguyên như trước hành trình 2000 km về Arkansas mùa Thu năm nào? "Người đàn bà đứng trong triển lãm. Phơi bày một niềm vui. Mà nỗi buồn đã bảo tàng. Vĩnh viễn." (thơ Bình Nguyên Trang). Liệu có ngày nào, Hillary Clinton sẽ mở cửa bảo tàng nỗi buồn của mình cho công chúng thưởng lãm một lần chăng?

Hillary Clinton: “Người đàn bà trong triển lãm có tên hạnh phúc” - Ảnh 13.

Hoàng Hồng
Theo nhiều nguồn
Bi
Theo Trí Thức Trẻ14/9/2017

Theo Hoàng Hồng, Ảnh: Theo nhiều nguồn, Thiết kế: Bi

Trí thức trẻ

Trở lên trên