MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Hố đen' khác của SoftBank xuất hiện: Kỳ lân 10 tỷ USD làm ăn bết bát, thường xuyên 'quỵt' tiền đối tác và cho thuê những khách sạn thậm chí không tồn tại

04-01-2020 - 13:20 PM | Tài chính quốc tế

Oyo tham vọng trở thành chuỗi khách sạn lớn nhất thế giới. Thế nhưng, sự tăng trưởng của start-up này cũng làm dấy lên những câu hỏi về hoạt động, cũng như tình hình kinh doanh của công ty.

Oyo, start-up đặt phòng khách sạn giá bình dân, đã "vươn lên" trở thành một trong những công ty tư nhân giá trị nhất Ấn Độ và hiện đang nhắm đến mục tiêu trở thành chuỗi khách sạn lớn nhất thế giới vào năm 2023. Dẫu vậy, sự trỗi dậy của Oyo ở Ấn Độ lại làm dấy lên những câu hỏi về tình hình kinh doanh của công ty này, dựa vào hồ sơ tài chính, tài liệu của toà án và cuộc phỏng vấn với 20 cựu và nhân viên hiện tại, cùng nhiều nguồn tin thân cận.

Theo Reuters, Oyo đã ghi nhận khoản lỗ ròng là 23,85 tỷ rupee (332 triệu USD) trong năm kế thúc vào tháng 3/2019, ở đúng thời điểm mở rộng nhanh chóng tại các thị trường quốc tế như Trung Quốc, Mỹ và Anh.

Oyo là một trong những nhóm start-up nổi bật trên thế giới, nỗ lực "chạy nước rút" để phát triển nhanh nhất có thể, được rót vốn rất nhiều từ những nhà đầu tư lớn như SoftBank. Giờ đây, một trong số những công ty đó - từ WeWork cho tới dịch vụ giao hàng Instacart, đều cho thấy sự rạn nứt trong hoạt động kinh doanh.

Nếu Oyo sụp đổ thì toàn bộ không gian start-up của Ấn Độ sẽ trở nên mịt mù. Đây là nơi đã nhận được hàng tỷ USD vốn nước ngoài trong những năm gần đây, giúp sản sinh ra nhiều công ty trị giá tỷ USD, có thể kể đến như công ty cung cấp dịch vụ gọi xe Ola và nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử Paytm.

Với những gì đang diễn ra, thì Oyo có thể sẽ là một "hố đen" khác đối với SoftBank - nhà đầu tư lớn nhất của họ và nắm giữ hơn một nửa số cổ phiếu. Tỷ phú Masayoshi Son từng ca ngợi Oyo như một "viên ngọc quý" của Quỹ Vision, ngay cả khi gần đây ông đã ghi giảm bút toán đến hàng tỷ USD trong các khoản đầu tư khác như WeWork.

Quả bong bóng Oyo

Saurabh Mukhopadhyay - từng là quản lý của Oyo tại khu vực phía bắc Ấn Độ, đã rời công ty hồi tháng 9, cho biết: "Đó là một quả bong bóng rồi sẽ vỡ tung."

Satish Meena, một nhà nghiên cứu dự báo cho công ty Forrester, nhận định về Oyo: "Đây là công ty duy nhất của Ấn Độ bước ra toàn cầu ở quy mô như vậy. Nhưng hiện tại, có rất nhiều nghi ngại về mô hình kinh doanh của họ."

Theo CEO và 9 nhân viên hiện tại và từng làm việc của Oyo, start-up này cung cấp phòng từ các khách sạn không còn hoạt động. Điều này sẽ giúp họ tăng số lượng phòng hiện trên trang web của Oyo. Giám đốc của Oyo cũng thừa nhận, hàng ngàn phòng trên trang web của họ đến từ những khách sạn, nhà nghỉ hoạt động không có giấy phép. Để tránh những rắc rối về vấn đề pháp lý, start-up này còn cung cấp phòng ở miễn phí cho cảnh sát và một số quan chức, theo tiết lộ của 9 nhân viên hiện tại và cựu nhân viên.

Hố đen khác của SoftBank xuất hiện: Kỳ lân 10 tỷ USD làm ăn bết bát, thường xuyên quỵt tiền đối tác và cho thuê những khách sạn thậm chí không tồn tại - Ảnh 1.

Ritesh Agarwal - nhà sáng lập vào CEO của Oyo.

Thông tin được NYT tổng hợp cũng tiết lộ rằng Oyo còn áp dụng thêm phí cho các khách sạn và không đồng ý thanh toán đầy đủ nợ cho các khách sạn. Một số chủ khách sạn đã tìm cách nộp đơn khiếu nại chống lại Oyo và cho biết start-up này từ chối thanh toán hầu hết khoản tiền với lý do vì dịch vụ khách hàng của khách sạn đó có vấn đề.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Ritesh Agarwal - CEO của Oyo, thừa nhận rằng một trong số các phòng hiện trên trang web có trong các khách sạn mà họ không còn hoạt động. Ông cho biết Oyo để những phòng đó trên trang nhưng đánh dấu là đã "hết phòng" để thu hút khách hàng.

Aditya Ghosh, quản lý hoạt động của Oyo ở Ấn Độ, cho biết nhiều khách sạn thiếu giấy phép cần thiết, do đó họ dễ bị các cơ quan lập pháp chú ý. Ông phủ nhận rằng Oyo cung cấp phòng miễn phí cho giới chức. Ông cũng bác bỏ những lời đồn từ các chủ khách sạn về những khoản phí thu thêm và khoản nợ không thanh toán.

Ghosh nói: "Sự bất đồng ở đây là về việc chúng tôi phạt họ về việc cung cấp dịch vụ khách hàng không đúng cách." Ông cho biết thêm rằng gần 80% nhân viên của Oyo đã ở làm việc chưa đầy 1 năm, nên việc đào tạo khá phức tạp và mất nhiều thời gian.

Văn hoá làm việc cực kỳ độc hại 

Những người từng hoặc đang làm việc ở Oyo đều cho biết rằng đây không phải là một nơi làm việc có môi trường thoải mái, nhưng áp lực thậm chí còn gia tăng trong năm vừa qua. Mohammad Jahanzeb Gul - đã làm việc ở Oyo từ tháng 1/2019 và giám sát 23 khách sạn mà Oyo liên kết, cho biết trong 9 tháng làm việc ở đây, đôi khi anh phải ngồi trước máy tính cả ngày lẫn đêm để "chạy deadline". Anh chia sẻ: "Văn hoá làm việc thực sự rất độc hại."

Mukhopadhyay - bắt đầu làm việc ở Oyo vào tháng 8/2018, cho biết các nhân viên đều chịu áp lực rất lớn để đưa thêm nhiều phòng mới lên ứng dụng, thậm chí nhiều phòng còn không có điều hoà, điện hay bình nóng lạnh. Anh và 8 nhân viên khác cho biết các sếp thường yêu cầu họ mỗi tháng đều phải đưa những căn phòng "vỏ bọc" như vậy, đến từ các khách sạn không còn hoạt động, sử dụng những hình ảnh giả, để gây ấn tượng với nhà đầu tư.

Hố đen khác của SoftBank xuất hiện: Kỳ lân 10 tỷ USD làm ăn bết bát, thường xuyên quỵt tiền đối tác và cho thuê những khách sạn thậm chí không tồn tại - Ảnh 2.

Saurabh Sharma - làm việc tại Oyo từ năm 2014 đến 2018 với vị trí quản lý điều hành, tiết lộ rằng đôi khi công ty này còn không thanh toán tiền cho các chủ khách sạn, đây cũng là điều mà hơn 10 nhân viên hiện tại và đã nghỉ cho biết. Họ còn chia sẻ rằng, Oyo muốn ép các chủ khách sạn phải tái đàm phán về các hợp đồng mà họ cho rằng không khả năng sinh lời.

Trong đơn khiếu nại gửi đến cảnh sát hồi tháng 11, Betz Fernandez - chủ nhà nghỉ Roxel Inn ở Bangalore, cho biết Oyo đã nợ ông 49.000 USD và có ý định lừa đảo và gây tổn thất bằng cách thu tiền phạt vì những vị khách ảo và không khoản tiền tối thiểu theo hợp đồng thanh toán hàng tháng.

Nhóm này còn tiết lộ, vì các khách sạn của Oyo được những cặp đôi chưa kết hôn ưa chuộng, nên những nhân viên làm việc ở 1 số địa điểm thậm chí vẫn giữ trạng thái đã nhận phòng sau khi khách rời đi. Sau đó, họ sẽ dọn dẹp và tiếp tục cho thuê phòng, thanh toán bằng tiền mặt để "đút túi" số tiền đó. Bởi vậy, Oyo cũng bất ngờ kiểm tra, thu giữ điện thoại của nhân viên và kiểm tra phòng để lấy bằng chứng.

Mukhopadhyay chia sẻ, hồi tháng 6 vừa rồi, một khách hàng sử dụng dịch vụ của Oyo từ lâu đã gọi điện thoại cho ông và cho biết cô bị 3 người đàn ông xâm hại. Sáng hôm sau, Mukhopadhyay và một nhân viên khác được triệu tập ở đồn cảnh sát và thuyết phục vị khách hàng không nộp đơn khiếu nại. Bộ phận pháp lý của Oyo không cho phép bất kỳ ai được tiết lộ vụ việc này vì có thể gây tổn hại đến hình ảnh của công ty.

Tham khảo New York Times

Giang Ng

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên