MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hồ sơ 2 'ông lớn' bảo hiểm được cho là đang cạnh tranh để làm đối tác của Vietcombank

25-07-2019 - 07:11 AM | Tài chính - ngân hàng

Prudential và FWD được cho là đang cạnh tranh để giành quyền độc quyền phân phối các sản phẩm bảo hiểm thông qua mạng lưới của Vietcombank, theo Bloomberg. Ông Huỳnh Thanh Phong, CEO đương nhiệm của FWD, từng là Giám đốc đầu tiên Prudential Việt Nam.

Bloomberg đưa tin Prudential và FWD là 2 trong số các doanh nghiệp đang tìm cách giành quyền độc quyền phân phối các sản phẩm bảo hiểm thông qua mạng lưới của Vietcombank. Vietcombank được cho là sẽ nhận khoản thanh toán ban đầu khoảng 400 triệu USD hoặc cao hơn dựa trên hiệu quả kinh doanh.

Trước đó, tháng 6/2018, Bloomberg cũng từng đưa tin Credit Suisse Group từng tư vấn cho Vietcombank để tìm đối tác phân phối bảo hiểm mới, với tổng giá trị thỏa thuận có thể đạt 1 tỷ USD.

Prudential là doanh nghiệp Mỹ hoạt động trong lĩnh vực tài chính bảo hiểm có quy mô tài sản 1.456 tỷ USD, hiện diện tại 40 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam với 50.000 nhân viên. Công ty này niêm yết trên sàn chứng khoán New York với mã PRU. Năm 2019, công ty này được bình chọn là doanh nghiệp bảo hiểm số 1 về bảo hiểm nhân thọ và sức khoẻ.

Tại Việt Nam, Prudential có mặt từ năm 1995, chính thức đi vào hoạt động năm 1999. Hiện doanh nghiệp có 176.000 tư vấn viên, 360 văn phòng tổng đại lý, văn phòng giao dịch và trung tâm phục vụ khách hàng tại 63 tỉnh, thành phố Việt Nam. Số ngân hàng đối tác và hệ thống bảo lãnh viện phí của đơn vị này lần lượt là 6 và 128.

Hồ sơ 2 ông lớn bảo hiểm được cho là đang cạnh tranh để làm đối tác của Vietcombank - Ảnh 1.

Prudential là doanh nghiệp bảo hiểm hàng đầu của Mỹ. Ảnh: The Straits Times.

Trong khi đó, FWD là doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ trực thuộc Tập đoàn Pacific Century của Richard Li, tỷ phú đứng thứ 413 thế giới với giá trị tài sản ròng 4,6 tỷ USD. Ông cũng chính là con trai út của tỷ phú Hong Kong Ly Ka Shing.

FWD cung cấp các dịch vụ về bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm y tế, bảo hiểm cho người lao động, và các dịch vụ bảo hiểm khác tại Hong Kong, Macau, Thái Lan, Indonesia, Philippines và mới đây đã xuất hiện tại Singapore cũng thông qua thương vụ thâu tóm 90% vốn Tập đoàn bảo hiểm y tế Shenton Insurance từ Parkway Holding.

Giữa 2016, FWD mua lại toàn bộ Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Great Eastern Việt Nam trực thuộc Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Great Eastern (GE). Giá trị thương vụ chuyển nhượng là 48,2 triệu đôla Singapore, tương đương hơn 820 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại.

Cuối tháng 6, FWD công bố thỏa thuận mua lại MetLife Limited và Metropolitan Life Insurance Company of Hong Kong Limited (gọi chung là MetLife Hồng Kông) từ MetLife Inc. Việc mua lại nhằm giúp FWD tiếp tục tăng thị phần tại Hong Kong và củng cố vị thế là công ty bảo hiểm nhân thọ tại đây.

CEO của FWD là ông Huỳnh Thanh Phong, quê ở Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, từng đảm nhận vị trí Giám đốc điều hành và làm việc tại nhiều doanh nghiệp bảo hiểm lớn.

Hồ sơ 2 ông lớn bảo hiểm được cho là đang cạnh tranh để làm đối tác của Vietcombank - Ảnh 2.

Ông Huỳnh Thanh Phong, CEO FWD. Ảnh: FWD.

Ông lần đầu trở về nước vào năm 1993 và đã hỗ trợ Manulife thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam và giúp tổ chức này tuyển mộ nhân sự.

Ông Phong là người sáng lập và đảm nhận vị trí Tổng giám đốc đầu tiên của Prudential Việt Nam vào năm 1999, sau khi doanh nghiệp này có giấy phép kinh doanh tại Việt Nam. Sau đó, ông được giao vị trí CEO của Prudential châu Á, và lãnh đạo cao cấp của Tập đoàn Prudential toàn cầu.

Sau đó, ông Phong từ làm việc tại một công ty thuộc Tập đoàn Temasek Holdings của Chính phủ Singapore, Tập đoàn AIA. Ông rời AIA và tham gia FWD từ năm 2013.

Năm 2019, thị trường bảo hiểm Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 20%.

Năm 2018, tổng doanh thu bảo hiểm ước đạt hơn 160.000 tỷ đồng, tương đương 2,9% GDP, tăng 21% so với cùng kỳ 2017. Tổng doanh thu phí toàn thị trường ước đạt gần 133.000 tỷ đồng, tăng 23% so với 2017. Doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt trên 46.700 tỷ đồng; bảo hiểm nhân thọ ước đạt 86.200 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động đầu tư ước đạt gần 27.500 tỷ đồng.

Chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 38.500 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 19.874 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 18.650 tỷ đồng.

CTCK Rồng Việt (VDSC) từng nhận định, đối với bảo hiểm nhân thọ, trừ Bảo Việt Life thì hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm là công ty nước ngoài. Có 18 công ty bảo hiểm nhân thọ cạnh tranh trong một thị trường quy mô rất nhỏ.

Với bảo hiểm phi nhân thọ, VDSC cho rằng tiềm năng cho các công ty bảo hiểm nước ngoài vẫn còn. Giải thích cho nhận định này, VDSC cho biết trọng tâm của ngành đã dần chuyển từ bán buôn sang bán lẻ trong những năm gần đây. Tuy nhiên, các sản phẩm chất lượng cho khách hàng cá nhân vẫn còn thiếu.

Do đó, cơ hội tham gia vào phân khúc của các công ty bảo hiểm nước ngoài vẫn còn, do họ có chuyên môn sâu trong phân khúc bán lẻ. Bên cạnh đó, các công nghệ trên nền tảng kỹ thuật số sẽ là một yếu tố chính được phát triển nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng và kinh nghiệm quản lý.


Theo Lê Hải

Người đồng hành

Trở lên trên