MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hỗ trợ doanh nghiệp vẫn là nhiệm vụ hàng đầu

Phỏng vấn TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)...

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, 50% mục tiêu của Nghị quyết vẫn chưa đạt được, mặc dù theo báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, trên 99% các nhiệm vụ, giải pháp đã được hoàn thành.

Thưa ông, ở thời điểm Nghị quyết 35/NQ-CP được ban hành, rất nhiều người đánh giá cao tinh thần đổi mới của Nghị quyết?

Nghị quyết 35/NQ-CP được ban hành ngay từ đầu nhiệm kỳ của Chính phủ giai đoạn 2016-2020, đã phản ánh tinh thần đổi mới mạnh mẽ và hành động quyết liệt của Chính phủ mới, coi doanh nghiệp là động lực của phát triển kinh tế với những nguyên tắc như doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm; Nhà nước lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ; có chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo... Đặc biệt, nghị quyết đưa ra nguyên tắc mang quan điểm rất mới, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, như không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự.

Nghị quyết 35/NQ-CP cùng với Nghị quyết 19/NQ-CP và sau này là Nghị quyết 02/NQ-CP đã trở thành "cặp" nghị quyết bổ sung, bổ trợ cho nhau nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp tốt hơn và hiệu quả hơn. Cộng đồng doanh nghiệp đã rất tin tưởng và kỳ vọng vào việc thực thi nghị quyết nhất là kể từ sau hiệu ứng của quán cà phê "Xin chào".

Tuy nhiên, sau khi vụ đó rộ lên, mọi thứ lại lắng xuống. Cuối cùng kết quả thực hiện nghị quyết không đạt hiệu quả như mong đợi vì rất nhiều nguyên nhân, có cả chủ quan lẫn khách quan.

Theo ông, điều gì đã khiến chúng ta không đạt được các mục tiêu trong Nghị quyết 35/NQ-CP đặc biệt là mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020?

Thời điểm nghị quyết ra đời, cả nước có khoảng 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Điều này có nghĩa là để đạt được con số 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động vào năm 2020, chúng ta cần thêm 100.000 doanh nghiệp/năm, tương đương với mức tăng trưởng doanh nghiệp khoảng trên 17%/năm. Tuy nhiên, tăng trưởng hiện nay mới chỉ hơn 10%/năm khi chênh lệch giữa số doanh nghiệp đăng ký mới và số doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể vẫn rất lớn.

5 năm qua, tỷ lệ doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể là rất cao, có lúc tới trên 60%. Tại sao lại bật cao như vậy? Đáng lẽ, cơ quan thực thi phải đi tìm lời giải cho câu hỏi này. Họ phải lao ra thị trường để điều tra, tìm hiểu, nghiên cứu xem doanh nghiệp vùng nào, ngành nào, quy mô nào giải thể nhiều, từ đó có những đề xuất, giải pháp hiệu quả vực dậy khu vực doanh nghiệp, khiến số doanh nghiệp chết ít đi. Nhưng họ đã không đủ nhạy cảm trước những biến đổi khó dự báo của môi trường kinh doanh, nguyên nhân hàng đầu khiến doanh nghiệp phá sản hàng loạt thời gian qua.

Vậy hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn tới cần tập trung theo hướng nào, thưa ông?

Theo tôi, không tách riêng mà nên gộp Nghị quyết 35/NQ-CP với Nghị quyết 19/NQ-CP hay sau này là Nghị quyết 02/NQ-CP để có một nghị quyết chung về cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp. Trong đó, hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp vẫn là nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ trong giai đoạn tới khi rất nhiều doanh nghiệp điêu đứng vì "cú sốc" Covid-19. Theo đó, những yếu tố nền tảng phải được thiết lập để doanh nghiệp tiếp tục phát triển.

Những yếu tố nền tảng mà ông nhắc tới là những yếu tố nào?

Đó là tự do và an toàn trong kinh doanh. Chúng ta mới cho phép người dân và doanh nghiệp được tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm mà chưa cho phép người dân và doanh nghiệp được tự do làm như thế nào. Rất nhiều hộ kinh doanh, doanh nghiệp đã chết vì không được tự do sáng tạo, bị kìm hãm bởi rào cản "làm thế nào". Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đã phải thốt lên rằng "chết còn hơn sống" vì suốt ngày phải chịu cảnh "nay thanh tra, mai kiểm tra".

Nhưng tự do phải gắn với an toàn. Hiện nay, doanh nghiệp không có công cụ để tự bảo vệ mình, không có toà án đúng nghĩa dành cho họ, tất cả các cơ quan quản lý dường như đều đang "xỉa" doanh nghiệp khiến doanh nghiệp uể oải, không thể lớn và không muốn lớn.

So sánh tinh thần doanh nghiệp hiện nay với những năm 2000-2005 mới thấy, tinh thần doanh nghiệp hiện giờ đang giảm sút rất nhiều. Các hiệp hội doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng, không còn hào hứng với công việc của hiệp hội. Cho nên, chúng ta phải khơi dậy tinh thần của doanh nghiệp, tạo dựng lực lượng lãnh đạo dẫn dắt, thúc đẩy tinh thần tự do và an toàn trong kinh doanh để tạo ra sức bật cho khu vực này. Đồng thời phải dẹp bỏ thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch không cần thiết, tăng cường hậu kiểm... để tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất - kinh doanh phát triển thay vì tạo ra những công cụ "hành" doanh nghiệp như thời gian qua.

Theo Anh Nhi

Theo VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên