MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hoạt động mua bán doanh nghiệp ở Anh "đóng băng" vì Brexit

16-06-2016 - 19:51 PM | Tài chính quốc tế

Cuộc trưng cầu dân ý tại Anh trong tuần tới có thể sẽ làm tổn thương các thương vụ M&A ở Anh và có thể khiến cho các chuyên gia tài chính tài năng rời London – trung tâm tài chính hàng đầu thế giới.

Năm 2015, hoạt động M&A tại Anh chiếm 55% tổng số giao dịch mua lại và sáp nhập ở liên minh châu Âu. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu người Anh nói “Có” với việc tách khỏi EU ?

Theo báo cáo được cơ quan tư vấn M&A công bố ngày hôm nay, hoạt động M&A ở Anh đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc trưng cầu dân ý sẽ diễn ra vào hôm 23/6 tới. Phía này cũng vẽ ra một loạt viễn cảnh có thể xảy ra nếu người dân quyết định rời khối liên minh châu Âu.

“Trải qua một năm thị trường M&A diễn ra sôi nổi giữa các nhà đầu tư trong nước và cả nhà đầu tư nước ngoài, chúng ta đang phải chứng kiến tốc độ M&A giảm dần trong vòng 6 tháng trở về đây. Số lượng các thương vụ chỉ có vỏn vẹn 500 hợp đồng so với 800 hợp đồng cùng kỳ năm ngoái.” David Fergusson – Giám đốc điều hành kiêm chủ tịch The M&A Advisor cho biết.

“Trong quý II, con số này còn giảm xuống dưới 300 hợp đồng. Đây là một bước ngoặt thay đổi lớn mà nguyên nhân cốt lõi là do khả năng Anh sẽ rời EU.” Ông David bổ sung.

Báo cáo của The M&A Advisor còn bao gồm một cuộc khảo sát 600 thành viên tham gia đến từ 35 nước trên thế giới bên cạnh nhiều cuộc phỏng vấn sâu, phỏng vấn 1-1 với các chuyên gia đầu ngành từ Winchester Capital, công ty kiểm toán PwC và công ty vốn cổ phần tư nhân của Wilbur Ross. Cuộc khảo sát đi đến kết luận rằng cuộc trưng cầu dân ý ở Anh có thể sẽ dẫn đến một giai đoạn bất ổn mạnh và lâu dài.

60% câu trả lời rằng Anh sẽ không thịnh vượng hơn nếu rời khỏi EU. Một số lượng tương tự cũng cho rằng Anh sẽ trở nên kém hấp dẫn đối với các công ty nhận sát nhập nước ngoài nếu không còn ở trong khối EU. Đặc biệt, 56% người tham gia khảo sát còn trả lời rằng các công ty của Anh cũng sẽ không hứng thú với việc mua lại các công ty có trụ sở tại EU.

Trong ngắn hạn, nhà đầu tư trên toàn cầu sẽ không hứng thú với việc mua lại và sáp nhập các công ty có trụ sở tại Anh. Cuộc trưng cầu dân ý sẽ ảnh hưởng đến thời hạn các thương vụ trong ngắn hạn. Ví dụ, nhiều công ty nhắm vào thị trường EU có thể trì hoãn động thái cho đến khi cuộc bỏ phiếu kết thúc. Cùng lúc đó, bất ổn kinh tế và chính trị có thể tạo nên một không khí đàm phán khó khăn cho hoạt động M&A ở Anh.

Bất ổn bởi lẽ, khi Anh rời EU, giới làm chính sách sẽ phải sửa đổi lại hệ thống luật pháp. Thủ tướng Cameron có thể sẽ từ chức và London sẽ mất đi vị trí là trung tâm tài chính hàng đầu và là trung tâm của những thương vụ M&A ở EU.

Tuy nhiên cũng cần phải lưu ý rằng, hoạt động M&A tại Anh phát triển bởi vì nước này sở hữu thị trường tài chính, hệ thống quản lý và luật phát ổn định cùng với thuế doanh nghiệp thấp, chứ không phải bởi vì Anh là thành viên của Liên minh châu Âu. Giả dụ rằng Anh thành công bước ra khỏi EU mà không gây ra bất ổn, vậy thì những hậu quả mà sự thay đổi đó đến với hoạt động M&A sẽ chỉ tồn tại trong ngắn hạn.

Anh Sa

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên