MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hoạt động thoái vốn trầm lắng, lợi nhuận nửa đầu năm 2017 của SCIC giảm một nửa so với cùng kỳ

23-08-2017 - 17:23 PM | Doanh nghiệp

Trong 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu từ bán các khoản đầu tư của SCIC là 3.266 tỷ đồng nhưng năm nay chỉ có 193 tỷ đồng.

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vừa công bố BCTC 6 tháng đầu năm 2017 với doanh thu giảm 54% so với cùng kỳ còn 2.668 tỷ đồng và tương ứng, lợi nhuận sau thuế giảm 41% còn 2.401 tỷ đồng.

Doanh thu từ bán các khoản đầu tư (hoạt động thoái vốn) giảm mạnh là nguyên nhân chính dẫn đến kết quả nói trên. Trong 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu từ bán các khoản đầu tư của SCIC là 3.266 tỷ đồng nhưng năm nay chỉ có 193 tỷ đồng.

Có thể thấy, trong nửa đầu năm 2016, SCIC đã thực hiện những vụ thoái vốn với giá trị rất lớn. Một trong số đó là thương vụ SCIC bán toàn bộ 44,68 triệu cổ phần tại Tổng CTCP Đường Sông miền Nam (mã chứng khoán: SWC) tương đương tỷ lệ sở hữu 66,58% và thu về 447 tỷ đồng. Vụ thoái vốn khỏi CTCP Khoáng sản Bình Dương (Bimico, mã: KSB) đem lại cho SCIC khoảng 440 tỷ đồng. Bên cạnh đó là những lần thoái vốn khỏi Xi măng Quảng Ninh (QNC), Vietransimex (VTX)…

Nửa cuối năm 2016 mới thực sự là “mùa” thoái vốn của SCIC với hàng loạt thương vụ “khủng” như bán 5,4% vốn tại Vinamilk (VNM) thu về 11.286 tỷ đồng, Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh (VSH) thu về gần 800 tỷ đồng, bán hết vốn tại Gemadept thu về hơn 420 tỷ đồng…

Trong khi đó, trong 6 tháng đầu năm 2017, ngoài vụ thoái vốn khỏi gang thép Thái Nguyên (TISCO) đem về khoản doanh thu từ việc bán vốn (chênh lệch giá bán và giá vốn) không đáng kể thì thị trường chưa ghi nhận thương vụ “khủng” nào của SCIC.

Trong danh sách trình Chính phủ năm 2017, SCIC có kế hoạch bán vốn tại 137 doanh nghiệp trong giai đoạn 2017 – 2020 trong đó có Vinamilk, Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, Nhựa Bình Minh, Tập đoàn Bảo Việt, Ngân hàng Quân đội…

Đặc biệt, theo công bố mới nhất, SCIC sẽ bán tiếp 3,3% vốn tại Vinamilk (tương đương 48,33 triệu cổ phiếu) trong thời gian sắp tới.

Tại thời điểm cuối quý 2/2017, tổng tài sản của SCIC giảm 5.154 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu do sự sụt giảm của đầu tư tài chính ngắn hạn. Với giá trị danh mục hơn 31.000 tỷ đồng, đầu tư tài chính ngắn hạn luôn chiếm một nửa tổng tài sản của SCIC. Phần lớn còn lại là đầu tư tài chính dài hạn.

Theo thuyết minh cụ thể, sự sụt giảm này đến từ số tiền trong quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp tại thời điểm cuối quý 2/2017 đã giảm từ 13.237 tỷ đồng xuống còn 6.000 tỷ đồng.

BCTC quý 2/2017

Mai Linh

SCIC

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên