MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Học tập nhà văn Haruki Murakami trong 3 tháng, tôi đã lĩnh hội được bí quyết dậy sớm đều đặn lúc 5h sáng chẳng cần báo thức: Không khó nhưng cần kiên trì!

19-10-2019 - 05:37 AM | Sống

Từ một con "cú đêm", tôi đã trở thành "chim sớm" nhờ nghiêm túc làm theo những điều sau.

Tôi từng nghĩ mình sẽ mãi là một con cú đêm.

Dù biết rõ về lợi ích mà việc dậy sớm mang lại, tôi chẳng thể nào thực hiện được do quá bận bịu với chuyện học hành và công việc. Một ngày nọ, tôi bỗng đọc được bài phỏng vấn của nhà văn nổi tiếng Nhật Bản - Haruki Murakami.

Học tập nhà văn Haruki Murakami trong 3 tháng, tôi đã lĩnh hội được bí quyết dậy sớm đều đặn lúc 5h sáng chẳng cần báo thức: Không khó nhưng cần kiên trì! - Ảnh 1.

Nhờ vậy, tôi nhận ra, việc tự thôi miên bản thân là rất quan trọng. Nó luôn là một phần trong tôi, giúp tôi tự giác đánh răng, tập luyện mỗi ngày. Giờ đây, nó có thể giúp tôi tập dậy sớm.

Trong vòng 3 tháng, tôi đã biến mình từ một "cú đêm" thành "chim sớm". Tôi đi ngủ vào lúc 9h tối và thức dậy mà không cần báo thức vào 5h sáng hôm sau. Dưới đây là quá trình tôi "tự thôi miên" bản thân để dậy sớm mà bạn có thể học hỏi.

Xác định mục đích để dậy sớm

Dậy sớm là một chuyện rất khó. Nếu không có lý do chính đáng, bạn sẽ không thể dậy sớm được. Đối với tôi, làm việc vào buổi sáng thì dễ dàng hơn vào buổi tối. Đây chính là lý do để tôi dậy sớm.

Nếu bạn không thể tìm thấy mục đích, hãy thử hỏi mình 5 câu hỏi "Tại sao" này nhiều lần:

Tôi muốn dậy vào 5h sáng.

Tại sao bạn lại muốn dậy vào 5h sáng?

Tôi muốn làm việc năng suất.

Tại sao bạn cần làm việc năng suất?

Tôi cần tập viết lách.

Tại sao bạn cần tập viết lách?

Tôi muốn viết sách.

Tại sao bạn muốn viết sách?

Tôi muốn làm một công việc sáng tạo.

Tại sao bạn muốn làm một công việc sáng tạo?

Bởi vì đó là điều thỏa mãn nhất trong sự nghiệp của tôi.

Học tập nhà văn Haruki Murakami trong 3 tháng, tôi đã lĩnh hội được bí quyết dậy sớm đều đặn lúc 5h sáng chẳng cần báo thức: Không khó nhưng cần kiên trì! - Ảnh 2.

Bằng cách tìm ra nguồn gốc vấn đề, bạn sẽ thấy việc dậy sớm là cần thiết. Dậy sớm sẽ giúp bạn có thêm thời gian không bị ai làm phiền.

Biết mình được gì và mất gì

Bạn chỉ có thể dậy sớm nếu biết cách từ bỏ một vài sở thích cá nhân. Chẳng ai có thể dậy sớm nếu đi chơi tới khuya vào đêm hôm trước cả.

Dậy sớm sẽ giúp bạn có thêm vài giờ trong ngày để làm điều mình muốn. Phần vỏ não trước trán sẽ hoạt động tích cực nhất sau khi ngủ dậy, được tối ưu hóa cho sự sáng tạo. Tôi cảm thấy mình có nhiều ý tưởng hay hơn khi viết lách vào buổi sáng.

Tuy nhiên, muốn dậy sớm thì bạn cũng phải ngủ sớm. Như vậy, bạn sẽ mất thêm vài tiếng mỗi tối. Từ khi trở thành người dậy sớm, tôi mất đi 2 tiếng/ngày, nhưng cảm thấy khỏe khoắn hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, ngủ sớm đồng nghĩa với việc tôi chỉ còn 4 tiếng/tối để làm mọi thứ sau giờ làm: đi về nhà, nấu nướng, tập thể dục và thư giãn. Như vậy, tôi chẳng còn thời gian để làm điều gì khác. Đôi lúc, để có thời gian đi ăn với bạn bè khoảng 2 tiếng, tôi buộc phải từ bỏ việc tập thể dục. Duy trì thời gian biểu kiểu này khiến tôi cảm thấy hơi bí bách, nhưng rồi tôi cũng hiểu: muốn đạt được mục tiêu thì phải biết sống một cách có kỷ luật.

Mỗi tuần, tôi lại tự cho phép bản thân được "buông thả" trong một ngày để đi chơi với bạn bè và về muộn. Điều này sẽ giúp bạn cảm thấy tự do hơn, từ đó có thêm động lực để duy trì thời gian biểu nghiêm khắc của mình.

Muốn biết có nên dậy sớm hay không, bạn cần tự hỏi mình được gì và mất gì khi dậy sớm. Nếu mất nhiều hơn được, bạn cũng chẳng cần phải dậy sớm làm gì.

Học tập nhà văn Haruki Murakami trong 3 tháng, tôi đã lĩnh hội được bí quyết dậy sớm đều đặn lúc 5h sáng chẳng cần báo thức: Không khó nhưng cần kiên trì! - Ảnh 3.

Chú ý thời gian ngủ

Những hôm ngủ trễ, đi chơi về muộn hoặc thức đêm học bài, tôi thường tự nhủ: "Mình sẽ dậy lúc 5h sáng", nhưng đều thất bại. Tuy nhiên, ngủ đủ là cách duy nhất để bạn dậy sớm.

Sai lầm mọi người thường mắc là nghĩ mình có thể ngủ ít mà vẫn thức dậy được. Hôm nay bạn ngủ 6 tiếng và dậy sớm không có nghĩa là ngày mai bạn cũng có thể tiếp tục như vậy. Muốn dậy sớm, bạn buộc phải ngủ đủ 8 tiếng/ngày.

Khi mới tập dậy sớm, tôi không đặt đồng hồ báo thức. Vì đồng hồ sinh học của bạn chuẩn bị thay đổi, bạn sẽ cần ngủ nhiều hơn một chút để cơ thể kịp điều chỉnh. Bạn còn phải làm quen với bóng tối, bởi vì 5h trời vẫn chưa sáng hẳn. Hãy nhớ rằng, bạn có rất nhiều thời gian để rèn cho mình thói quen dậy sớm. Đây là một cuộc thi marathon, không phải cuộc đua chạy nước rút.

Mỗi ngày, tôi lại dậy sớm thêm một chút. Dần dần, tôi có thể tự dậy mà không cần báo thức.

Đừng cố thay đổi mọi thứ

Muốn dậy sớm, bạn phải kiên nhẫn. Bởi lẽ, thay đổi thói quen ngủ là chuyện hệ trọng, không thể thành công ngay trong một sớm một chiều. Thay đổi ngay lập tức sẽ khiến bạn bị choáng ngợp và rất dễ thất bại, từ đó tìm về thói quen cũ. Bạn chỉ nên thay đổi từng thứ một, đầu tiên là giờ ngủ, sau đó là giờ dậy, rồi mới đến những thứ khác.

Nếu cảm thấy uể oải khi dậy sớm, hãy làm điều gì đó vui vẻ để lấy động lực. Suốt 2 tuần đầu dậy sớm, tôi chỉ ngồi xem TV. Dần dần, khi đã quen, tôi mới bắt tay vào làm việc.

Học tập nhà văn Haruki Murakami trong 3 tháng, tôi đã lĩnh hội được bí quyết dậy sớm đều đặn lúc 5h sáng chẳng cần báo thức: Không khó nhưng cần kiên trì! - Ảnh 4.

Thiết lập thói quen cố định vào sáng sớm

Nếu không có thói quen cố định vào sáng sớm, bạn sẽ lười biếng, chẳng muốn thức dậy. Nó chính là một cách để thôi miên, giúp bạn dậy sớm.

Tôi luôn bắt mình phải viết 3 mặt giấy về bất kỳ chủ đề nào sau khi thức dậy. Điều này khiến tôi cảm thấy hào hứng và vui vẻ hơn khi nghĩ đến chuyện dậy sớm. Tôi đã từng thử bỏ qua thói quen này nhưng rồi lại cảm thấy trong người bứt rứt.

Bạn có thể lựa chọn thói quen theo sở thích của mình: thiền định, yoga, uống trà… Điều này sẽ giúp cơ thể của bạn biết phải làm gì sau khi thức dậy.

Chọn báo thức phù hợp với bản thân

Nếu muốn dậy sớm, lời khuyên tôi dành cho bạn là: đừng dùng báo thức. Thay vào đó, hãy dùng chúng như một cách để bảo đảm.

Trước đây, tôi dùng báo thức để ngủ nướng thêm 5-10 phút. Điều này càng khiến tôi cảm thấy uể oải, mệt mỏi sau khi ngủ dậy, bởi vì trước đó tôi không hề ngủ đủ. Muốn dậy sớm, hãy đặt báo thức sau giờ bạn thức dậy. Tôi luôn đặt báo thức sau giờ ngủ khoảng 8,5  tiếng. Như vậy, tôi sẽ tự dậy mà không cần báo thức.

Bạn cũng có thể sử dụng đèn báo thức. Chúng sẽ đánh thức bạn dậy bằng ánh sáng nhẹ nhàng, thay vì âm thanh inh ỏi.

Học tập nhà văn Haruki Murakami trong 3 tháng, tôi đã lĩnh hội được bí quyết dậy sớm đều đặn lúc 5h sáng chẳng cần báo thức: Không khó nhưng cần kiên trì! - Ảnh 5.

Tránh xa điện thoại khi đi ngủ

Tránh xa điện thoại không chỉ giúp bạn đi ngủ sớm, mà còn khiến bạn nhanh chóng ra khỏi giường.

Trước đây, tôi thường nhắn tin với bạn bè, lướt mạng xã hội trên điện thoại liên tục trước khi đi ngủ. Sáng ngủ dậy, tôi lại cầm điện thoại chơi thêm vài tiếng trên giường. Vì không thể kiểm soát bản thân, tôi quyết định kiểm soát môi trường xung quanh mình.

Tôi đặt điện thoại sang hẳn một phòng khác, khuất khỏi tầm mắt mình. Việc này ban đầu rất khó, nhưng rồi bạn sẽ sớm quen. Bạn có thể đặt điện thoại ở bếp, phòng khách, phòng ngủ dự phòng để sạc nó qua đêm.

Muốn dậy sớm, bạn sẽ buộc phải hy sinh một số sở thích của mình. Chỉ cần dám từ bỏ chúng, bạn sẽ dậy sớm như mình mong muốn và tận hưởng những lợi ích mà thói quen này mang lại như làm việc hiệu quả, không bị ai làm phiền,...

Bài chia sẻ của Bryan Ye - biên tập viên mục Devil's Advocate trên Medium. 

Ngọc Hà

Medium

Trở lên trên