MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Học trường top, ra trường với tấm bằng đẹp, CV như mơ nhưng vì sao nhiều người vẫn vỡ mộng?

24-04-2017 - 14:15 PM | Sống

Nhiều sinh viên mới ra trường cho rằng mình có kết quả học tập tốt, bằng cấp của trường thuộc nhóm "top" thế nhưng khi đi làm thực tế, những gì họ nhận được lại chẳng giống với kì vọng.

Điểm cao chót vót, thành tích đầy mình có thể giúp bạn “ghi điểm” với nhà tuyển dụng nhưng điều đó đôi khi lại khiến bạn tự hài lòng với bản thân và sống trong “ảo tưởng”. Thực tế, để có được một công việc tốt, bạn còn cần rất nhiều yếu tố ngoài một chiếc “CV đẹp”.

Mọi người luôn nghĩ rằng một sinh viên mới ra trường chỉ cần một chiếc CV đẹp với tấm bằng xuất sắc, đầy đủ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học như IELTS hay MOS, hoạt động ngoại khóa, kinh nghiệm làm thêm thì mức lương ít nhất cũng phải hai chữ số trở lên.

Mới đây trên mạng xã hội có rất nhiều bạn sinh viên trường top tâm sự rằng dù có thành tích “khủng”, nhưng các bạn lại bị choáng ngợp bởi thực tế không được như mơ: Lương hai chữ số không thấy, ngược lại còn phải rất vất vả để có thể thích ứng được với môi trường làm việc khắc nghiệt. Có khi nào xuất phát điểm tốt hơn người khác lại là một bất lợi?

Thành tích “khủng” khiến bạn ảo tưởng

Tấm bằng xuất sắc thể hiện bạn thông minh và đã nỗ lực thế nào ở trường học, dĩ nhiên bạn có quyền tự hào về điều đó. Nhưng khi mới đi làm, kinh nghiệm và kỹ năng chưa có, bạn phải cố gắng gấp nhiều lần hơn thế trước khi tự hài lòng với bản thân. Chưa kể đến việc nhiều bạn làm trái ngành, nên chuyên môn cũng coi như bắt đầu từ con số 0. Có thể bạn đủ giỏi để làm được bất kỳ điều gì bạn muốn, nhưng bạn còn cần có sự khiêm tốn và kiên nhẫn để hoàn thành được nó.

Hoạt động ngoại khóa và làm thêm giúp bạn rèn luyện kỹ năng mềm , mở rộng mối quan hệ, và có thêm những trải nghiệm. Tuy nhiên, khi chạy theo quá nhiều thứ như vậy, bạn có thể sẽ kiệt sức mà mọi thứ vẫn chỉ dừng lại ở mức “làm cho vui”, CV được lấp đầy nhưng bạn vẫn chưa biết mình thực sự giỏi cái gì, thích cái gì. Hơn nữa, đừng vội tưởng mình đã có trong tay nhiều thứ lắm, bạn còn phải học nhiều nữa để tự nhận ra giá trị của mình.

Người ta thường khuyên cho các bạn trẻ là hãy làm thật nhiều, thử thật nhiều. Nhưng lời khuyên này chưa đủ: hãy làm thật kỹ, thử thật lâu!

Thay vì sự kiện nào cũng có mặt, công việc nào cũng tham gia, hãy chọn một việc bạn cảm thấy thực sự hứng thú để làm và làm đến cùng. Dốc hết sức mình vào một việc nhất định cũng giúp bạn khám phá bản thân mình muốn gì và có thể làm được gì. Bạn có thể không biết mình thích kinh doanh, cho đến khi bán được hợp đồng đầu tiên sau bao nhiêu lần muốn bỏ cuộc.

Luôn kiếm tìm mức lương hai chữ số thay vì tìm kiếm bản thân mình là ai

Một khảo sát thực hiện bởi mạng việc làm JobStreet.com vào quý 2/2016 trên gần 1.200 sinh viên mới tốt nghiệp chỉ ra rằng có đến gần 75% xác định mức lương là yếu tố quan trọng khi đọc mẩu tin tuyển dụng trên các trang mạng việc làm. Yêu cầu của việc làm là yếu tố được nhóm đối tượng này quan tâm thứ 2 (71%) và địa điểm làm việc là mối quan tâm thứ 3 (50%). Trong khi đó, mô tả việc làm, yếu tố tối quan trọng để xác định một công việc có phù hợp với người lao động hay không chỉ đứng ở vị trí ưu tiên thứ 4 (48%).

Mức lương quả thực là một tiêu chí hấp dẫn đối với các bạn trẻ, vậy nên có một tâm lý phổ biến rằng điểm cao và CV nhiều thành tích sẽ dẫn bạn tới công việc tốt. Nhưng quá nôn nóng tìm một công việc lương cao khiến bạn cứ cố gắng “làm đầy" CV bằng đủ thể loại hoạt động mà xem nhẹ yếu tố phù hợp với công việc. Các nghiên cứu chỉ ra rằng tiền lương cao không làm tăng độ thỏa mãn trong công việc, nên khi có được mức lương như mong muốn, không có gì đảm bảo bạn sẽ gắn bó với công việc đó lâu dài nếu không thực sự yêu thích nó.

“Nếu lọt top 10% những người giỏi nhất trong bất kỳ lĩnh vực nào thì chắc chắn bạn sẽ có lương cao và thành công” - đó là lời khuyên của chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành dành cho các bạn trẻ trong cuốn sách Thần thoại PR. Mà để lọt top những người giỏi nhất, đương nhiên bạn phải dành thời gian suy nghĩ về con người mình, những giá trị phù hợp với bản thân thay vì chỉ cố gắng tìm kiếm việc làm lương cao hào nhoáng ngay từ đầu.

Khoảng thời gian sau khi mới ra trường là cơ hội tốt để bạn học hỏi và trải nghiệm, nên đừng quá quan trọng vấn đề tiền lương mà hãy cân nhắc giữa lợi ích nhận lại được trong dài hạn với chi phí thời gian và công sức bỏ ra.

Không tìm hiểu kỹ kỳ vọng của nhà tuyển dụng

Các bạn trẻ hay lầm tưởng thành tích tốt, nhiều chứng chỉ đã là xuất sắc, nên cảm thấy mức lương nhận được là không xứng đáng. Nhưng thực tế nhà tuyển dụng nhiều khi muốn tránh né những người… quá giỏi bởi sự mơ mộng và đòi hỏi, trong khi thực tế vẫn phải đào tạo lại rất nhiều thì mới đáp ứng được yêu cầu công việc thực tiễn.

Bạn có quyền tự hào về thành tích mình đã đạt được, nhưng đừng ngủ quên trên chiến thắng. Thay vì sống trong ảo tưởng, hãy tìm hiểu xem nhà tuyển dụng mong muốn gì ở những ứng viên tiềm năng để biết mình đã có những gì và còn thiếu sót những gì. Một người chăm chỉ chịu khó làm việc đôi khi sẽ tốt hơn một người giỏi nhưng luôn thích phá bỏ những quy tắc chung.

Cuối cùng, nếu bạn vẫn còn băn khoăn về mức lương “nghìn đô” khi mới ra trường có thật không, thì câu trả lời là có, với điều kiện bạn đã cố gắng đủ nhiều, khiêm tốn đủ nhiều và không tự hài lòng với bản thân.

Theo Hachane Spiderum

Trí thức trẻ

Trở lên trên