MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hơn 35 nghìn tỷ đồng đầu tư vào Đà Nẵng, Thủ tướng chỉ đạo xây dựng hành lang pháp lý phát triển condotel

15-10-2017 - 09:17 AM | Bất động sản

Sáng nay, 15/10, tại Đà Nẵng diễn ra diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2017. Đây là diễn đàn đầu tư lớn nhất của Đà Nẵng trong nhiều năm qua, thể hiện quyết tâm của thành phố trong phát triển kinh tế, xã hội, thu hút nguồn lực để Đà Nẵng trở thành đô thị động lực miền Trung – Tây nguyên.

Tại đây, thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh đây là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, giới thiệu môi trường thuận lợi, cơ chế chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư.

Qua đó, thành phố kêu gọi các tập đoàn lớn đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, khuyến khích các tổ hợp giải trí, bất động sản, dịch vụ nghỉ dưỡng... Đặc biệt, thành phố đang rất cần các hoạt động dịch vụ vui chơi giải trí sau 0 giờ để phục vụ khách nước ngoài và các mô hình du lịch dựa vào cộng đồng.

Tân Bí thư Đà Nẵng, ông Trương Quang Nghĩa, cho biết tại diễn đàn này Đà Nẵng muốn giới thiệu đến các doanh nghiệp những dự án, ưu tiên đầu tư đối với các dự án. Đây cũng là diễn đàn để các doanh nghiệp nói lên ý kiến, bày tỏ kiến nghị đến chính quyền. Đà Nẵng cũng mong nhận được ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Nhà nước để xây dựng Đà Nẵng phát triển mạnh sánh vai với các thành phố lớn trên thế giới.

Bí thư Nghĩa cho rằng du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Để tăng cường thu hút khách du lịch, góp phần đa dạng hoá các sản phẩm du lịch của thành phố, thành phố hiện đang xúc tiến kêu gọi đầu tư dự án về công viên bách thảo, bến tàu du lịch. Cùng với xu hướng phát triển cả nước cũng như hiện trạng quỹ đất phát triển bất động sản của thành phố, hình thức mua bán - sáp nhập đang diễn ra tương đối sôi động với đa dạng các hình thức kinh doanh bất động sản tạo môi trường đầu tư năng động và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đại diện cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản du lịch tại Đà Nẵng, ông Trịnh Việt Hưng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Empire, nêu rõ, hiện nay tiềm năng phát triển du lịch của Đà Nẵng còn rất lớn, trong đó hoạt động kinh doanh bất động sản du lịch tại Đà Nẵng đang phát triển mạnh.

Tuy nhiên, Đà Nẵng hiện đang thiếu các tổ hợp dịch vụ vui chơi giải trí, nhất là giải trí về đêm, khu mua sắm, ẩm thực cũng như các show diễn nghệ thuật có quy mô lớn, đặc sắc nhằm thu hút và giữ chân du khách. Thành phố cũng thiếu chính sách ưu tiên cho việc đầu tư vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, các dự án xây dựng cầu tàu, bến du thuyền đang trong tình trạng triển khai chậm, ảnh hưởng đến hoạt động du lịch đường sông.

Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Quang Hải, Trưởng ban Phát triển dự án của Tập đoàn Sun Group nhìn nhận, hiện nay và trong tương lai, xu thế du lịch MICE (du lịch hội nghị kết hợp nghỉ dưỡng) trên thế giới phát triển mạnh. Đà Nẵng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch này, có thể trở thành một trung tâm du lịch MICE mới của châu Á nếu tận dụng hợp lý những thế mạnh đang có về sông nước, biển, núi để tạo nên những sản phẩm du lịch mới, độc đáo, mang lại những trải nghiệm khác biệt.

“APEC 2017 sẽ mở ra cơ hội phát triển du lịch MICE cho Đà Nẵng và chúng ta nên tận dụng cơ hội này”, ông Nguyễn Quang Hải khẳng định.

Để Đà Nẵng phát triển bền vững, lãnh đạo thành phố này đã đưa ra nhiều kiến nghị tại hội nghị. Theo đó, Đà Nẵng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan Trung ương nhanh chóng xem xét và tham mưu để Thủ tướng phê duyệt, ban hành nghị định quy định cơ chế chính sách ưu đãi đối với Khu công nghệ cao Đà Nẵng làm cơ sở đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện hạ tầng và thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng.

Nhằm tạo cơ chế huy động, khai thác hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước, các tiềm năng và lợi thế so sánh của thành phố, gắn kết thành phố với các địa phương Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Tây Nguyên và cả nước, Đà Nẵng mong muốn Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng ý chủ trương cho phép thành phố Đà Nẵng triển khai lập Quy hoạch Khu kinh tế ven biển thành phố Đà Nẵng và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Đà Nẵng thành lập và bổ sung Khu kinh tế ven biển Đà Nẵng vào Quy hoạch tổng thể phát triển các Khu Kinh tế ven biển Việt Nam đến năm 2020.

Sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh công tác quản lý nhà nước đối với dự án đầu tư căn hộ khách sạn nhằm tạo hành lang pháp lý an toàn cho doanh nghiệp, trong đó tập trung các nội dung về quy chuẩn thiết kế quy hoạch, các vấn đề về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cũng như các nội dung liên quan đến điều kiện đưa các căn hộ khách sạn này vào kinh doanh.

Đà Nẵng cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm đồng ý chủ trương xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi đột phá thí điểm áp dụng cho Cụm du lịch trọng điểm miền Trung gồm Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam theo hướng một số địa phương đang được áp dụng nhằm tạo cú hích quan trọng phát triển du lịch miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng.

Về một số dự án cụ thể, như dự án Cảng Liên Chiểu, thành phố này kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án; đồng thời bố trí vốn ODA thực hiện hợp phần đê kè chắn sóng của Dự án. Đối với dự án Cải thiện môi trường nước Đà Nẵng, kính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm tra, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề xuất dự án.

Đối với một số dự án đặc thù sử dụng nguồn vốn tư nhân để xây dựng và vận hành, Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành trung ương sớm có chủ trương về phương án lựa chọn nhà đầu tư và xem xét các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đặc thù áp dụng đối với các dự án này.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: tháng 11/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 144 quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng nhằm thúc đẩy nhanh và bền vững kinh tế - xã hội của thành phố, tạo điều kiện để Đà Nẵng phát huy hơn nữa những lợi thế của mình trở thành trung tâm công nghiệp, thương mại và dịch vụ của miền Trung.

"Với những điều kiện thuận lợi này, tôi đề nghị Đà Nẵng cần phải có tư duy mới, cách làm mới để thể hiện rõ vai trò đầu tàu trong thu hút đầu tư tại khu vực miền Trung. Đặc biệt, Đà Nẵng cần có tầm nhìn xa, chú trọng tăng cường tính liên kết với các địa phương lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi và Thừa Thiên Huế trong công tác xúc tiến đầu tư, tạo nên một không gian kinh tế nối liền, một cụm điểm đến hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư trong nước và quốc tế tại miền Trung Việt Nam. Làm được điều đó, Đà Nẵng mới thật sự là đầu tàu, là hạt nhân tăng trưởng của khu vực miền Trung và Tây Nguyên", Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định cơ bản đồng ý với định hướng và báo cáo của chính quyền thành phố Đà Nẵng là tập trung nguồn lực để thu hút đầu tư vào những lĩnh vực thành phố có lợi thế cạnh tranh rõ rệt như công nghệ cao, công nghệ thông tin, dịch vụ chất lượng cao… "Để có thể thu hút được các nhà đầu tư chiến lược tầm cỡ với thương hiệu quốc tế nhằm tạo ra cú huých lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng và miền Trung, tôi cho rằng Đà Nẵng cần phải tạo được bản sắc, định vị được thương hiệu của riêng mình", Thủ tướng chỉ đạo.

Theo đó, Thủ tướng cho rằng Đà Nẵng còn rất nhiều dư địa để phát triển nếu biết bứt phá, vượt qua tư duy lối mòn. Đà Nẵng cần nghiên cứu các mô hình thành công trên thế giới như ở Singapore, Haifa (Israel), Bangalore (Ấn Độ), Tân Trúc (Đài Loan – Trung Quốc)… để xác định rõ mô hình phát triển kinh tế và chiến lược thu hút đầu tư, chú trọng phát triển các cụm ngành công nghiệp có quan hệ tương hỗ để tạo ra hệ sinh thái bền vững về đầu tư.

Ví dụ như trong lĩnh vực công nghệ thông tin, bên cạnh việc hình thành các Khu công viên phần mềm, Đà Nẵng còn cần chú trọng thu hút các doanh nghiệp sản xuất phần cứng, các trung tâm nghiên cứu phát triển về CNTT, các cơ sở đào tạo nhân lực CNTT, các vườn ươm doanh nghiệp và không gian dành riêng cho cộng đồng khởi nghiệp, đồng thời tạo môi trường an sinh xã hội hấp dẫn đối với các chuyên gia CNTT trong nước và quốc tế đến Đà Nẵng đầu tư và làm việc. Một khi hệ sinh thái này được hình thành, Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ là Thung lũng Silicon của Đông Nam Á, là nơi hội tụ của công nghệ, nhân lực và tài chính quốc tế.

"Tôi đánh giá cao việc chính quyền thành phố đã chủ động lắng nghe các vấn đề của doanh nghiệp và có các đề xuất về việc sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách thông thoáng hơn cho các nhà đầu tư. Cụ thể, liên quan đến kiến nghị của Đà Nẵng về khung pháp lý cho các dự án căn hộ - khách sạn (condotel), tôi đề nghị Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan sớm nghiên cứu trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh công tác quản lý nhà nước đối với loại hình dự án đầu tư căn hộ khách sạn nhằm tạo hành lang pháp lý an toàn cho doanh nghiệp", Thủ tướng chỉ đạo thêm.

Để ghi nhận sự quan tâm và cam kết của các nhà đầu tư, với sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các lãnh đạo Bộ, ngành Trung ương, UBND TP Đà Nẵng đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, thông báo cho phép nghiên cứu đầu tư, quyết định cho vay, thỏa thuận cho vay 27 dự án với tổng vốn 35.293 tỉ đồng.

Lũy kế đến tháng 9/2017, Đà Nẵng đã thu hút được 408 dự án trong nước với số vốn đầu tư đạt 101.379 tỉ đồng, tương đương 4,5 tỉ USD. Và các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với số vốn đầu tư đăng ký đạt 3 tỉ USD.

Ngoài ra, tính đến thời điểm này có 13 dự án đang nghiên cứu đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 18.485 tỷ đồng, tương đương trên 815 triệu USD. Sự gia tăng về số lượng dự án cũng như xu hướng tăng vốn đầu tư do mở rộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong thời gian qua cho thấy sự tin tưởng của nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư và tiềm năng phát triển của thành phố.

Đăng Khải

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên