MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hướng đi nào cho các nhà sản xuất xe máy Việt Nam trước lệnh cấm 2030 của Hà Nội?

Khi dư địa để thị trường trong nước phát triển không còn nhiều, các nhà sản xuất xe máy buộc phải tìm hướng đi mới để duy trì doanh số và tiếp tục tăng trưởng.

Việt Nam tiêu thụ xe máy lớn thứ 4 thế giới

Cách đây hơn 1 năm, không ít chuyên gia và người tiêu dùng lo ngại rằng thị trường xe máy Việt Nam đã đến giai đoạn bão hòa. Nhận định này là có cơ sở bởi khi thu nhập được cải thiện, ngày càng nhiều người Việt chuyển sang dùng xe 4 bánh. Thực tế, trong suốt 3 năm (từ 2013-2015), chưa năm nào doanh số toàn thị trường xe máy cán mốc 3 triệu chiếc, dù 2 năm trước đó đều vượt qua con số này.

Tuy nhiên, với tổng sức mua tăng bất ngờ trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017 cho thấy khái niệm bão hòa vẫn chưa phù hợp để nói về thị trường xe máy Việt Nam.

Theo báo cáo từ Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), trong năm 2016, 5 nhà sản xuất xe máy lớn nhất đã bán ra thị trường trên 3,12 triệu chiếc, tăng đến 9,5% so với 2015.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, 5 hãng xe thành viên VAMM bao gồm Honda, Yamaha, Piaggio, Suzuki và SYM tiêu thụ 1,5 triệu chiếc, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường xe máy Việt vẫn chưa đến điểm bão hòa

Thị trường xe máy Việt vẫn chưa đến điểm bão hòa

Với dân số hơn 90 triệu dân và xe máy là phương tiện phổ biến nhất, Việt Nam được đánh giá là mảnh đất màu mỡ cho các nhà sản xuất rót tiền đầu tư. Trong một cuộc họp báo diễn ra hồi tháng 4/2017, ông Yano Takeshi, Tổng Giám đốc Yamaha Motor Việt Nam đồng thời là Chủ tịch VAMM cho biết Việt Nam hiện là thị trường đứng thứ 4 thế giới về tiêu thụ xe máy.

Theo quy hoạch phát triển của Bộ Công thương, đến năm 2020 Việt Nam sẽ có 36 triệu xe máy. Thế nhưng, mới chỉ đến năm 2016, lượng xe lưu thông trên toàn thị trường đã đạt 45 triệu xe, vượt 25% so với quy hoạch.

Đẩy mạnh xuất khẩu - hướng đi mới cho các hãng xe

Để giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thủ đô, HĐND TP.Hà Nội đã thông qua nghị quyết dừng hoạt động xe máy tại các quận nội thành vào năm 2030. Mới đây, một ý tưởng tương tự cũng đang được đề xuất áp dụng tại TP.HCM.

Thách thức này buộc các nhà sản xuất xe máy tại Việt Nam phải tìm ra hướng đi mới nếu không muốn sớm rơi vào tình trạng sụt giảm doanh số hoặc thậm chí đóng cửa vì kinh doanh thua lỗ.

Trên thực tế, từ vài năm trở lại đây, khi thị trường xe máy có dấu hiệu giảm tốc, các hãng xe đã tìm cho mình chiến lược riêng để thích nghi. Trong đó đẩy mạnh xuất khẩu được coi là hướng đi phù hợp nhất khi dư địa để thị trường trong nước phát triển không còn nhiều.

Đẩy mạnh xuất khẩu - hướng đi mới cho các hãng xe. Ảnh minh họa

Đẩy mạnh xuất khẩu - hướng đi mới cho các hãng xe. Ảnh minh họa

Tại buổi lễ tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2017 của Honda Việt Nam, đại diện liên doanh Nhật Bản cho biết sẽ nỗ lực đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu xe máy ra các thị trường nước ngoài.

Trong năm tài chính 2018 được tính từ tháng 4/2017 đến hết tháng 3/2018, Honda Việt Nam hướng đến mục tiêu xuất khẩu khoảng 147.000 xe máy ra các thị trường quốc tế. Trước đó, trong năm tài chính 2017, công ty đạt kim ngạch xuất khẩu xe máy nguyên chiếc (CBU) gần 131.000 xe, tăng 2% so với năm tài chính 2016.

Mục tiêu dài hạn của liên doanh Nhật Bản là đưa Việt Nam trở thành trung tâm xuất khẩu xe máy của Honda toàn cầu. Xe máy do Honda sản xuất hiện được xuất khẩu ra 20 thị trường trên thế giới, bao gồm cả thị trường Nhật Bản.

Bên cạnh Honda, Piaggio Việt Nam cũng bắt đầu xúc tiến xuất khẩu từ năm 2010 tại Đông Nam Á. Đến năm 2015, hãng xe Ý đã đưa sản phẩm đến thị trường Trung Quốc, châu Âu và đang mở rộng đến nhiều thị trường khác. Theo thống kê sơ bộ, sản lượng xuất khẩu năm 2016 của Piaggio đạt 72.973 xe, chiếm 62,3% sản lượng sản xuất, tăng 45,7% so với cùng kỳ năm 2015.

Tương tự, ngoài việc sản xuất, lắp ráp phục vụ nhu cầu trong nước, Yamaha Việt Nam cũng đã xuất khẩu một vài mẫu xe sang thị trường nước ngoài dù tỷ trọng chưa cao.

Theo Linh Lam

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên