MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Huy động vốn qua TTCK vẫn thấp hơn ngân hàng vì đâu?

05-03-2019 - 22:11 PM | Tài chính - ngân hàng

Việc huy động vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp vẫn "đè nặng" lên vai hệ thống ngân hàng. Do đó, cần thúc đẩy thị trường chứng khoán (TTCK) phát triển trở thành kênh dẫn vốn chính cho nền kinh tế.

Năm 2018, TTCK Việt Nam là kênh huy động vốn hữu hiệu cho nền kinh tế, được đánh giá là thị trường thành công nhất khu vực Đông Nam Á về huy động vốn. Theo đó, tổng giá trị huy động vốn qua TTCK đạt hơn 278.000 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2017, trong đó Chính phủ huy động 192.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ và doanh nghiệp huy động được hơn 86.000 tỷ đồng.

Dòng vốn gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục chảy vào TTCK Việt Nam trong khi nhà đầu tư nước ngoài rút ròng ở các thị trường trong khu vực. Giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường cổ phiếu cao nhất với nhiều phiên mua ròng có giá trị cao đột biến hơn 100 triệu USD, thậm chí có phiên có giá trị mua ròng đạt mức kỷ lục, hơn 1,25 tỷ USD.

Tính chung trong cả năm 2018, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng khoảng 43.900 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu chứng chỉ quỹ, tập trung vào các giao dịch thỏa thuận lớn. Dòng vốn nước ngoài vào ròng trên TTCK vẫn duy trì ở mức cao (2,75 tỷ USD năm 2018 so với 2,92 tỷ USD năm 2017), thể hiện cầu đầu tư mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN, hiện tổng tín dụng được cấp qua kênh ngân hàng đạt 7,5 triệu tỷ đồng, tương đương 130% GDP trong khi quy mô thị trường chứng khoán hiện tại mới chỉ ở mức 3 triệu tỷ đồng. "Con số này là vốn hoá thị trường chứng khoán, còn phần tài sản thật thấp hơn rất nhiều. Phần lớn các doanh nghiệp vốn hoá lớn được hình thành từ vốn Nhà nước, chỉ một số ít doanh nghiệp tư nhân tự huy động vốn lớn", bà Hồng cho biết.

Năm 2018, các doanh nghiệp huy động vốn qua kênh trái phiếu đạt khoảng 100.000 tỷ đồng, tuy nhiên vẫn tập trung ở một số doanh nghiệp lớn như Masan, Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai..., và bên mua cũng chủ yếu là các tổ chức tài chính, ngân hàng. Do đó, việc huy động vốn trung và dài hạn của nền kinh tế hiện nay vẫn đè nặng lên vai hệ thống ngân hàng thương mại.

Ông Nguyễn Duy Hưng- Chủ tịch SSI, cho biết, để TTCK trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư cần có niềm tin và thị trường cần minh bạch hơn. "Ở nhiều quốc gia, tiền tiết kiệm của cá nhân để đầu tư rất lớn, do đó họ xây dựng cơ chế để thị trường chứng khoán phát triển song song với kênh ngân hàng. Nhưng ở nước ta hiện nay tất cả mọi người đang nhìn TTCK là nơi bán, kiếm lợi nhuận và không nghĩ chứng khoán cũng là nơi giữ tiền, tài sản. Đây là lý do tại sao trong thời gian qua TTCK vẫn chưa phải là kênh huy động vốn chính cho nền kinh tế", ông Hưng nhấn mạnh.

Để TTCK là kênh dẫn vốn cho nền kinh tế, ông Phạm Hồng Sơn- Phó Chủ tịch UBCK cho rằng cần tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển, nâng cao năng lực cho hệ thống các tổ chức trung gian thị trường; đồng thời thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, cần triển khai các sản phẩm chứng khoán phái sinh hợp đồng tương lai trên một số chỉ số mới và hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ, triển khai sản phẩm chứng quyền có bảo đảm, và thúc đẩy các giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam từ hạng thị trường cận biên lên hạng thị trường mới nổi trên bảng xếp hạng MSCI và FTSE.

Theo Hà Phương

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên