MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Infographic: Thời hạn cuối cho Basel sắp đến gần, các ngân hàng “chạy đua nước rút”

12-10-2019 - 13:30 PM | Tài chính - ngân hàng

Tính đến thời điểm hiện tại đã có 11 ngân hàng đạt được chuẩn Basel II. Hạn chót năm 2020 càng đến gần thì áp lực tăng vốn và đảm bảo các yêu cầu theo chuẩn mực càng khó đối với một số ngân hàng.

Basel là một trong những chuẩn mực quản trị rủi ro được áp dụng tại hầu hết các ngân hàng thương mại hàng đầu trên thế giới từ nhiều năm qua. Với các ngân hàng Việt Nam, việc triển khai Basel II giúp các ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh và quản lý hiệu quả hơn, góp phần nguồn vốn mang lại các kết quả kinh doanh khả quan và bền vững hơn cho ngân hàng. Đặc biệt, sau triển khai Basel II với các chỉ số vốn và các yêu cầu về thanh khoản, quản trị rủi ro đạt chuẩn quốc tế, các ngân hàng Việt Nam sẽ có cơ hội vươn xa, thâm nhập sâu vào thị trường các nước phát triển khác.

Theo thống kê của chúng tôi, tính đến thời điểm hiện tại đã có 11 ngân hàng đạt được chuẩn Basel II, trong đó 10 ngân hàng nội và 1 ngân hàng ngoại. Theo Thông tư 41/2016/TT - Ngân hàng Nhà nước quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, thì 1/1/2020 là thời điểm tất cả các ngân hàng phải tuân thủ các quy định Basel II. Như vậy, thời gian chỉ còn khoảng gần 2 tháng nữa để các ngân hàng còn lại "chạy đua nước rút" để về được đích Basel II…

Infographic: Thời hạn cuối cho Basel sắp đến gần, các ngân hàng “chạy đua nước rút” - Ảnh 1.

Theo mục tiêu của Chính phủ đề ra, các ngân hàng cổ phần đến cuối năm 2020 cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực quy định của Basel II, trong đó ít nhất 12 - 15 ngân hàng áp dụng thành công Basel II phương pháp tiêu chuẩn trở lên.

Tới cuối năm 2025, tất cả các ngân hàng thương mại áp dụng Basel II tiêu chuẩn, thí điểm áp dụng Basel II nâng cao tại ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng cổ phần có chất lượng quản trị tốt. Vì thế, các nhà băng đang phải chạy đua thời gian để sớm "tốt nghiệp" Basel II.

Đại diện Ngân hàng DBS Singapore, đơn vị tư vấn triển khai dự án Basel II cho OCB, ông Eddie Lim khẳng định: "Việc áp dụng một khung kiểm tra căng thẳng sẽ cho phép Ngân hàng xác định, đo lường và kiểm soát các rủi ro về thanh khoản tài chính, đặc biệt để đánh giá hồ sơ thanh khoản của ngân hàng và mức vốn đệm thích hợp dành cho thanh khoản trong trường hợp các sự kiện căng thẳng trên toàn cầu và của ngân hàng. Với việc hoàn thành các hạng mục để áp dụng Basel II cho toàn hệ thống, Ngân hàng đã thực hiện những bước đi quan trọng cho một ngân hàng hiện đại và hội nhập với các Ngân hàng thế giới."


Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên