MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kể cả ngân sách không gặp khó, Bộ Tài chính vẫn phải thu cổ tức BIDV và VietinBank

09-06-2016 - 11:20 AM | Tài chính - ngân hàng

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, việc yêu cầu người đại diện vốn nhà nước tại VietinBank, BIDV biểu quyết theo phương án trả cổ tức bằng tiền mặt để nộp về ngân sách được thực hiện theo đúng quy định và Nghị quốc của Quốc hội.

Câu chuyện Bộ Tài chính yêu cầu hai ngân hàng VietinBank và BIDV phải trả cổ tức bằng tiền mặt là câu chuyện đang được dư luận chú ý bởi đây là hiện tượng chưa từng có tiền lệ.

Hơn nữa, việc Bộ Tài chính "đòi" cổ tức khi cả hai ngân hàng này đã tiến hành cuộc họp đại hội đồng cổ đông từ tháng 4/2016, và đại hội đồng cổ đông đã biểu quyết thông qua VietinBank không chia cổ tức cho năm 2015, còn BIDV biểu quyết chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 8,5%.

Trao đổi với báo chí, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính khẳng định, việc Bộ Tài chính yêu cầu BIDV và VietinBank trả cổ tức bằng tiền mặt là thực hiện Nghị quyết của Quốc hội chứ không phải do ngân sách gặp khó khăn. Ngay cả khi ngân sách không gặp khó khăn thì vẫn phải thu cổ tức.

Ông Tiến cũng cho rằng ngân hàng của Việt Nam khiêm tốn về tài sản so với khu vực nên nhu cầu tăng vốn là có. Tuy nhiên, có nhiều cách để tăng vốn. Phát hành tăng vốn từ phần cổ tức giữ lại không phải là giải pháp căn cơ vì số vốn rất nhỏ, không đáng kể. Nếu ngân hàng thương mại cần tăng vốn thì có nhiều giải pháp mạnh hơn, như thoái bớt vốn nhà nước hoặc phát hành thêm cổ phiếu chứ không phải bổ sung vốn một cách nhỏ giọt vì nguồn cổ tức giữ lại.

Theo tính toán của CTCK HSC, NHNN hiện đang nắm giữ 95,28% vốn điều lệ của BIDV và 64,46% vốn điều lệ của VietinBank, giả sử BIDV và Vietinbank chi trả cổ tức tiền mặt tương ứng ở mức 8,5% và 8%, Bộ tài chính sẽ thu về khoảng 2.700 tỷ đồng từ BIDV và 1.900 tỷ đồng từ Vietinbank. Đây là một con số không hề nhỏ.

Trước đó ngày 18/5, Bộ Tài chính đã có công văn số 6715/BTC-TCT gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc thu NSNN từ cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước.

Bộ Tài chính cho biết ngay sau khi văn bản phát hành, một số thông tin cho rằng việc quyết định thu tiền về ngân sách của Bộ Tài chính là “làm khó” cho ngân hàng.

Tuy nhiên, Bộ tài chính khẳng định việc ban hành văn bản nói trên đã cho thấy Bộ Tài chính đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc yêu cầu các ngân hàng phải chấp hành đúng chính sách pháp luật của nhà nước. Cụ thể:

Ngày 11/11/2015, Quốc Hội ban hành Nghị Quyết số 99/2015/QH13 giao dự toán thu cân đối Ngân sách nhà nước năm 2016 từ lợi nhuận còn lại và cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước của các công ty cổ phần có vốn góp do Bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu và số lợi nhuận còn lại sau khi trích nộp các quỹ theo quy định của pháp luật của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước sở hữu 100% là 55.000 tỷ đồng.

Tại khoản 5 Điều 23 Nghị định 57/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định: “Việc phân chia phần lợi nhuận còn lại do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự quyết định. Đối với tổ chức tín dụng là ngân hàng thương mại cổ phần do nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, người đại diện vốn nhà nước tại ngân hàng phải lấy ý kiến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và thống nhất với Bộ Tài chính về việc phân chia lợi nhuận còn lại để biểu quyết tại đại hội đồng cổ đông.”

Tại Khoản 4 Điều 48 Luật số 69/2014/QH13 ngày 26/11/2014 quy định về quyền, trách nhiệm của người đại diện vốn nhà nước: “4. Yêu cầu công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên nộp vào ngân sách nhà nước khoản lợi nhuận, cổ tức được chia tương ứng với phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty.”

Đồng thời, tại Khoản 4 Điều 43 Luật số 69/2014/QH13 quy định về quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên: “ 4. Yêu cầu người đại diện phần vốn nhà nước thực hiện những nhiệm vụ quy định tại Điều 48 của Luật này”.

Quy định của pháp luật rất rõ ràng như vậy, nhưng thời gian qua một số ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ đã tự quyết định hình thức phân chia lợi nhuận không đúng theo quy định của pháp luật, không thống nhất với Bộ Tài chính. Vì lẽ đó để đảm bảo thực hiện đúng Nghị Quyết số 99/2015/QH13 ngày 11/11/2015 của Quốc Hội về dự toán thu cân đối Ngân sách nhà nước năm 2016; thực hiện đúng Luật số 69/2014/QH13 ngày 26/11/2014 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp. Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị Ngân hàng nhà nước chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam biểu quyết chia cổ tức năm tài chính 2015 bằng tiền mặt và nộp toàn bộ số cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước tại 02 Ngân hàng.

Hiện cả hai ngân hàng VietinBank và BIDV đều muốn giữ nguyên phương án đã được Hội đồng cổ đông thông qua.

Còn về phía NHNN, Phó Thống đốc NHNN, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết sau khi nhận kiến nghị của Bộ Tài chính, các đơn vị chức năng của NHNN đang xem xét đánh giá mặt thuận lợi của việc chuyển cổ tức vào ngân sách Nhà nước và khó khăn của các tổ chức tín dụng để đề xuất chính sách thực hiện, phù hợp với đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng đã được Chính phủ thông qua và báo cáo Chính phủ về vấn đề này.

Mai Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên