MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kéo 500 tấn vàng ra khỏi hũ: Dân cho vay và tự trả lãi cho mình?

18-05-2016 - 14:48 PM | Tài chính - ngân hàng

Vàng là tài sản quý giá, hàng hóa có giá trị cao, theo ý kiến của chuyên gia, nếu không sử dụng nguồn vàng đang ở trong nhà dân quả thực là một điều lãng phí.

Lâu nay, người Việt có thói quen tiết kiệm để tích trữ vàng, coi vàng là tài sản phòng thân. Theo thống kê của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, lượng vàng trong dân hiện nay còn rất lớn, ước tính khoảng 500 tấn và kiến nghị Thống đốc NHNN thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia để có thể phát hành chứng chỉ vàng, hoặc trái phiếu vàng để huy động vàng trong dân, nhằm đỡ lãng phí khoản vàng này.

Ý tưởng thành lập Sàn giao dịch vàng Quốc gia không còn mới, bởi đề xuất này đã được kiến nghị cách đây vài năm nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện được.

Để làm rõ hơn vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi ý kiến với chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu.

PV: Thưa ông, gần đây một vấn đề được thị trường khá quan tâm là làm thế nào để có thể kéo được lượng lớn vàng đang “chôn” trong hũ từ dân ra nền kinh tế. Theo ông, đây có phải là bài toán khó?

TS. Nguyễn Trí Hiếu:​ Vàng là tài sản quý giá, hàng hóa có giá trị cao, nếu không sử dụng nguồn vàng đang ở trong nhà dân quả thực là một điều lãng phí trong khi có thể sử dụng nó cho nhiều mục đích như đem vào sản xuất kinh doanh và hiệu quả nhất là cho các giao dịch tài chính, dùng làm tài sản đảm bảo cho các món nợ.

Việt Nam sẽ có thể đi vào nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình, các viện trợ như ODA sẽ bị cắt giảm. Với lượng vàng lớn nằm trong dân chúng thì nên kéo ra, ví dụ như Hàn Quốc đã làm được điều này.

Tôi đồng ý việc huy động vàng từ trong dân còn cách thức theo tôi đề xuất, NHNN nên đứng ra chủ trì việc huy động vàng và phát hành chứng chỉ vàng. Vấn đề, nếu chưa có nhân sự và mạng lưới thì có thể ủy thác cho vài NHTM để làm việc này làm đầu mối huy động vàng.

Còn ý tưởng lập sàn vàng quốc gia thì sao, thưa ông?

Chuyện huy động vàng và lập sàn vàng quốc gia là khác nhau. Lập sàn vàng là tạo môi trường chính thức để các nhà đầu tư tham gia giao dịch, mua bán.

Theo tôi, chúng ta phải tổ chức sàn vàng quốc gia. Tất cả người tham gia đều phải có giấy phép hoạt động và mua bán dựa trên các thông tin chính xác.

Sàn giao dịch phải được các cơ quan chức năng quản lý, được minh bạch thông tin, để dẹp các sàn vàng ảo, tránh lừa đảo trong giao dịch như trong các năm vừa qua.

Có ý kiến cho rằng, việc trả lãi huy động vàng lấy từ ngân sách, chính là tiền của dân đóng vào, tức là dân cho vay và cuối cùng là tự trả lãi cho mình?

Khi người dân gửi vàng và nhận lãi, đương nhiên lãi lấy từ ngân sách và ngân sách là do dân đóng góp. Tuy nhiên cũng cần phân biệt nguồn thu của ngân sách và đầu ra của ngân sách. Có người đóng góp vào ngân sách mà không có vàng và người khác thì lại có vàng. Tất cả đều được phân phối hợp lý, công bằng.

Điều quan trọng là hiệu quả có được từ số vàng đã huy đông được như thế nào? Có thể dùng làm tài sản đảm bảo cho các món nợ vay của nước ngoài, hỗ trợ nền kinh tế hoặc cho Bộ Tài chính vay dùng làm tài sản đảm bảo, tăng ngân sách, hỗ trợ sản xuất kinh doanh rồi từ đó sinh ra các phúc lợi cho nền kinh tế.

Ông có nhận xét gì về toàn cảnh thị trường vàng hiện nay, đặc biệt mới đây, có thông tin vàng trong nước bị xuất lậu ra nước ngoài?

Thị trường vàng vẫn chưa có sự liên thông với thị trường thế giới. Đến thời điểm này chỉ có NHNN có quyền nhập khẩu vàng. Trong tương lai, hãy để cho các cơ quan, nhà kinh doanh có năng lực tài chính, có uy tín có thể cùng với NHNN mở tài khoản tại các Sở giao dịch vàng nước ngoài để nhập vàng và bán vàng, tạo ra một thị trường thông thoáng hơn.

Vâng cảm ơn những chia sẻ của ông!

Mai Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên