MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kết cấu hạ tầng giao thông trên cả nước cần nhiều nguồn vốn để cải tạo

"Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là xu thế tất yếu", ông Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương nói.

Lý giải nguyên nhân thực hiện nhiều dự án BOT, một lãnh đạo Bộ Giao thông cho biết hành lang pháp lý theo nghị định 108 chỉ quy định 3 hình thức BOT, BTO và BT. Trong đó, hình thức BTO (xây dựng - chuyển giao - vận hành) không phù hợp với đặc thù ngành, còn BT không thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia (chỉ chiếm 8,7% tổng số vốn huy động được), vì bản chất của BT là đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước trả chậm, trong khi vốn ngân sách hạn hẹp.

Còn hình thức BOT có lợi thế ở chỗ không hoặc sử dụng ít vốn ngân sách, chủ yếu hoàn vốn cho nhà đầu tư thông qua kinh doanh công trình dự án.

Đầu tư trên 186 nghìn tỷ đồng vào các dự án, doanh nghiệp tư nhân đã góp phần cải thiện hạ tầng giao thông 5 năm qua, tuy vậy những bất cập còn tồn tại xoay quanh việc bàn giao công trình không hợp lý, công tác quản lý chất lượng chưa thật sự hiệu quả, chính là những vấn đề khiến nhiều dự án gây bức xúc cho người dân.

Từ năm 2011 đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã huy động được hơn 186.000 tỷ đồng đầu tư 62 dự án đường bộ theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) và BT (xây dựng - chuyển giao). Trong đó 58 dự án BOT với tổng mức đầu tư hơn 170.000 tỷ đồng và 4 dự án BT với mức đầu tư trên 16.000 tỷ đồng.

Nhiều chuyên gia đánh giá việc huy động được hơn 186.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng đường bộ là kết quả tích cực. Bởi giai đoạn trước năm 2011, ngành giao thông mới có 18 dự án đường bộ được đầu tư theo hình thức BOT, với tổng vốn đầu tư hơn 37.000 tỷ đồng.

Hiện nay, có rất nhiều nguồn ý kiến khác nhau về việc hình thức BT, BOT đã lỗi thời và gây ra nhiều bất cập, trục lợi. Riêng trong đợt thanh tra chính phủ, TP.HCM cũng đã có những báo cáo cụ thể, chi tiết cho những thắc mắc của người dân và nhiều nội dung bài viết do Cơ quan báo chí đề cập.

Chánh Văn phòng UBND TP.HCM Ông Võ Văn Hoan từng chia sẻ, TP.HCM là nơi thể hiện sinh động các quyết sách của trung ương. Bởi Thành phố là trung tâm nhiều mặt của cả nước và khu vực, đang đô thị hóa rất mạnh mẽ, nhà cửa khang trang hơn, cuộc sống người dân được nâng lên. Nhưng mặt trái của đô thị hóa là những khó khăn, thách thức mà chúng ta phải đối mặt như kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm.

Để khắc phục những vấn đề đó, việc cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông là điều tất yếu phải làm. Tuy nhiên, trong điều kiện vốn để đầu tư cho cơ sở hạ tầng rất lớn nhưng ngân sách thì có hạn nên phải tìm vốn từ nhiều nguồn. Thành phố là địa phương đi đầu triển khai thực hiện BOT, BT.

Trong tình hình thực tế của cả nước, khắc phục lo ngại về cầu đường luôn được người dân quan tâm hơn hết, thì rõ ràng việc đầu tư vào các dự án BOT và BT từ các doanh nghiệp tư nhân có tiềm lực tài chính ổn định là cần thiết, cũng như nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân khi việc xây dựng các cơ sở hạ tầng cầu đường và giao thông được thực hiện và đi vào hoạt động một cách nhanh chóng.

A.D

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên