MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khách du lịch Việt Nam bỏ trốn ở nước ngoài: Cách nào ngăn chặn?

Số người dân có điều kiện đi du lịch nước ngoài tăng kèm theo đó là những thách thức về tình trạng du khách bỏ trốn trái phép ở nước ngoài.

Cùng với lượng khách du lịch quốc tế Việt Nam tăng hàng năm, lượng người Việt Nam đi du lịch nước ngoài tăng trưởng liên tục, bình quân 20% một năm. Do khả năng chi trả cao, người Việt Nam không chỉ quan tâm đến thị trường Đông Nam Á, mà đang dần quan tâm đến thị trường Đông Á, Châu Âu, Châu Mỹ, Trung Đông. Việc người Việt Nam có điều kiện đi du lịch nước ngoài nhiều thể hiện mức sống dân cư ngày một tăng, các công ty du lịch khai thác tour, tuyến nước ngoái cũng nhờ đó mà tăng trưởng mạnh về doanh số.

Khách du lịch Việt Nam bỏ trốn ở nước ngoài: Cách nào ngăn chặn? - Ảnh 1.

Trình trạng lợi dụng du lịch để cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài vẫn diễn ra. (Ảnh minh họa, Nguồn: KT)

Thế nhưng, một trong những vấn đề khiến các nhà làm du lịch lo ngại hiện nay chính là tình trạng lợi dụng du lịch để ở nước ngoài lại cư trú bất hợp pháp. Vụ việc 152 khách du lịch bỏ trốn tại Đài Loan gần đây là một trong nhiều vụ việc nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty du lịch Trans Việt cho biết: “Tôi cho rằng Nhà nước phải vào cuộc bóc trần những đường dây lợi dụng du lịch đưa người đi lao động trái phép. Chúng tôi quan sát thì thấy những đường dây này đang hoạt động phổ biến nhưng chưa bị phanh phui hay bị phát nặng. Chính vì vậy nó vẫn phổ biến và gây nhiều hệ lụy đến hợp tác du lịch Việt Nam với các nước”.

Theo ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty HanoiTourist, không chỉ bỏ trốn, tình trạng khách du lịch Việt Nam vi phạm pháp luật ở nước sở tại khiến nhiều nước quan ngại với khách du lịch Việt Nam và đưa ra nhiều thủ tục khó khăn hạn chế khách du lịch Việt.

Trong khi đó, các doanh nghiệp tổ chức loại hình du lịch ra nước ngoài (gọi tắt là outbound) rất khó phát hiện những đối tượng có ý đồ bỏ trốn để ngăn chặn. Chính vì vậy, sau khi xảy ra sự việc, hầu hết doanh nghiệp đều lúng túng trong cách giải quyết  do không có chỉ dẫn cụ thể.

Ông Phùng Quang Thắng nêu thực trạng:“Tôi chắc chắn có rất nhiều doanh nghiệp đưa khách du lịch đi nước ngoài, khách ở lại nhưng về im lặng. Họ không biết bao nhiêu người ở lại bao nhiêu người đã về. Vì nở rộ nhiều doanh nghiệp ra đời, tuy nhiên nhiều khách đi cá nhân, không cần hóa đơn, nhiều doanh nghiệp lách chuyện đó, coi như nhóm khách đó, đoàn khách đó tự tổ chức đi theo dạng cá nhân, không liên quan đến doanh nghiệp. Điều này cũng làm cho thị trường cạnh tranh du lịch outbound không bình đẳng”.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, để khắc phục tình trạng này, cần xác định rõ cơ quan, tổ chức quản lý tổng thể về việc đưa khách du lịch đi du lịch nước ngoài. Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan để giám sát định hướng hoạt động du lịch outbound, đồng thời cùng đồng hành với các doanh nghiệp để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức du lịch outbound.

Ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh: "Việc sắp đặt đưa người sang nước ngoài trốn ở lại phải có kế hoạch chi tiết và có nhiều thủ đoạn. Nhưng rồi ai theo dõi và cuối cùng lại đẩy sang công an và đến nay cũng không biết xử ai hay không xử ai. Như thế có thể răn đe được không? Vì vậy những vấn đề đó cần phải đặt ra một cách rõ ràng trong hoạt động quản lý, xem xét và từ đó hình thành chính sách quản lý".

Cần có chính sách hỗ trợ tốt nhất để hoạt động du lịch ra nước ngoài lành mạnh hơn, để những bước chân của người Việt đi đến đâu được chào đón tới đó, hình ảnh người Việt được tôn trọng khắp nơi trên thế giới. Đó không chỉ là mong mỏi của các công ty du lịch mà là vấn đề cần được quan tâm rộng khắp, là danh dự và hình ảnh quốc gia. /.

Theo Kim Thanh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên