MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khắp nơi bức bối rác thải: Người dân phải chung tay

27-08-2018 - 07:46 AM | Xã hội

Về biện pháp xử lý rác thải thông qua đầu tư công nghệ, ông Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhấn mạnh nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền.

Ông có thể nêu nguyên nhân dẫn đến việc nhiều địa phương rơi vào tình trạng ô nhiễm rác thải trầm trọng gây ra phản ứng tiêu cực giữa người dân và chính quyền?

Khắp nơi bức bối rác thải: Người dân phải chung tay - Ảnh 1.

- Ông Hoàng Dương Tùng: Hiện nay, tại các thành thị, trung bình tỉ lệ thu gom rác thải đạt 85%, còn nông thôn mới gom được 50%. Nhiều nơi, đầu làng một bãi rác, cuối làng một bãi rác.

Theo thống kê có tới 95% số rác thải thu gom được xử lý qua chôn lấp. Tại nhiều nơi, hậu quả của chôn lấp là ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm mùi trầm trọng. Ngay ở Hà Nội, có những bãi rác mà người ta đếm ruồi... bằng cân! Nhưng không còn cách nào khác. Bởi lẽ, các địa phương đều lúng túng, tỉnh giao lại cho huyện, huyện giao lại cho xã. Mà xã thì chỉ có cách duy nhất là lấy một chỗ nào đó, như ngoài cánh đồng chẳng hạn, để đào hố chôn lấp.

Về nguyên tắc, nếu thực hiện đúng quy trình thì hố đào phải được lót đáy bằng vật liệu chống thấm trước khi đổ rác xuống. Việc này nhằm bảo đảm vệ sinh nguồn nước. Tuy nhiên, dù có tuân thủ nguyên tắc thì trung bình cũng chỉ 1-2 năm, hố rác sẽ đầy và phải tìm chỗ khác để tiếp tục chôn lấp, đấy là chưa kể phần lớn các hố rác như vậy đều không hợp vệ sinh, không đúng quy cách. Như thế là không giải quyết được căn cơ, chỉ là đẩy rác từ chỗ này sang chỗ khác.

Trong khi đó, quỹ đất để dành cho xử lý rác thải cũng như dành cho nhiều mục đích khác đều đang ngày càng cạn kiệt. Nhiều xã, huyện để "khuất mắt trông coi" thì đã xử lý rác bằng cách đốt bằng các lò đốt công suất nhỏ không hợp quy chuẩn hoặc đốt ngoài trời, lại phát thải dioxin/furan, gây ô nhiễm trầm trọng.

. Vì sao Việt Nam vẫn trung thành với phương pháp chôn lấp hoặc đốt rác rất lạc hậu này?

- Không chỉ ở Việt Nam, rất nhiều nước đang phát triển vẫn còn áp dụng phương pháp chôn lấp do giá thành rẻ, mặc dù nó không giải quyết hoàn toàn bài toán môi trường. Nhưng đến nay, theo tôi biết, các địa phương không muốn mở bãi rác chôn lấp nữa, phần do không có đất, phần do người dân phản đối không muốn bãi rác tại địa phương mình. Chính phủ đang yêu cầu có biện pháp để sử dụng công nghệ mới, hợp lý thay vì phương pháp này.

Khắp nơi bức bối rác thải: Người dân phải chung tay - Ảnh 2.

Các bãi rác tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đang quá tải, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: CÔNG TUẤN

. Ông có thể cho biết thế giới đang xử lý rác theo cách nào?

- Hàn Quốc và nhiều nước khác đã không còn coi việc thu gom và xử lý rác là trách nhiệm của riêng nhà nước. Họ thu phí thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải như như mọi dịch vụ khác, bảo đảm công khai, minh bạch. Số tiền đó để trả thẳng cho các công ty thu gom xử lý theo công nghệ đốt thu hồi năng lượng.

Với cách thức đó, công nghệ được đầu tư sẽ là công nghệ mới với công suất lớn, hiệu quả xử lý rác cũng tốt hơn. Đồng thời, giảm dần gánh nặng cho nhà nước.

Ở ta, mỗi gia đình chỉ nộp khoảng 20.000 đồng/tháng, có nơi 10.000 đồng. Số này chỉ đủ chi trả cho việc thu gom rác từ hộ gia đình đến nơi trung chuyển. Còn vận chuyển và xử lý rác hoàn toàn do nhà nước chi trả. Như vậy, nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền chưa được áp dụng trong bài toán xử lý rác thải.

. Đúng là người dân phải có ý thức và góp một phần trách nhiệm trong việc xử lý rác thải. Tuy nhiên, cần chính sách ra sao khi mà mức đóng vài chục ngàn đồng vẫn là con số không nhỏ đối với người dân nhiều địa phương khó khăn?

- Bảo đảm nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền không có nghĩa là chúng ta sẽ bỏ qua chính sách an sinh xã hội. Tất nhiên, cần phải tách bạch 2 chính sách này. Đối với các địa phương nghèo, cần phải có chính sách trợ cấp của nhà nước. Và cũng cần tính toán cụ thể mức tăng dần đối với các địa phương. Đồng thời, phải tuyên truyền để người dân hiểu việc xả rác là tốn tiền, là trách nhiệm của từng người, từng gia đình, qua đó mới tạo động lực để phân loại rác tại nguồn, bỏ tư duy "cứ xả rác rồi có người đi dọn cho mình".

Lưu ý thêm, khi thu tiền của người dân để thuê đơn vị cung cấp dịch vụ xử lý rác thì cần có thỏa thuận và giám sát tốt để bảo đảm họ cũng phải có trách nhiệm hơn trong ứng dụng công nghệ mới nhất, không gây ô nhiễm môi trường.

Tóm lại, xử lý rác thải là vấn đề phải thực hiện theo cơ chế thị trường và phải tách ra khỏi vấn đề khỏi an sinh xã hội. Ngân sách có hạn mà dựa vào ngân sách để xử lý thì lại phát sinh áp lực về thuế, người dân cũng bất lợi.

Theo ông Dương, việc giao trách nhiệm xử lý rác thải cho xã, phường là quá sức. Cần có cách thức quản lý tổng hợp đến tận nguồn và đòi hỏi nghĩa vụ của người dân.


Theo Hoài Dương

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên