MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khát vọng 2035, nghĩ về vị Bộ trưởng "tự lấy đá ghè chân mình”

Những tư tưởng đổi mới của nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh từng được xem là “lấy đá ghè chân mình”, nhưng nếu không có người "tự lấy đá ghè chân mình" như vậy thì đất nước khó phát triển mạnh.

  • Nông sản thực phẩm Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm. Đó là thiếu liên kết trong sản xuất, tiêu thụ; thiếu vốn và kinh phí; cơ sở, trang thiết bị chưa đáp ứng...

Nhận định trên được chuyên gia kinh tế cao cấp, bà Phạm Chi Lan nhắc đến trong một hội thảo gần đây, khi bình luận về những nút thắt trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và Báo cáo 2035: “Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” được xây dựng bởi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Ngân hàng Thế giới.

Một nhiệm kỳ (2010-2015) với dấu ấn của các vị tư lệnh ngành, cùng nhiều vấn đề lớn của nền kinh tế được Chính phủ và các tư lệnh ngành nỗ lực giải quyết. Kinh tế vĩ mô dần đi vào ổn định, lạm phát được kiểm soát, cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh bước đầu đạt được kết quả…

Và có lẽ, một trong những vị bộ trưởng dám nói, dám làm nhất, lên tiếng mạnh mẽ nhất về đổi mới và cải cách là nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh. Xuyên suốt nửa nhiệm kỳ, chuyện ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế, đầu tư công… chiếm phần lớn thời gian làm việc của ông.

Không dễ để có thể thay đổi những cái cũ, khi mà bao trùm lên đó là những lợi ích nhóm. Đầu tư công đang ở mức 39% GDP giai đoạn 2006 – 2010, thì việc giảm xuống mức 30,5% năm 2012 vẫn được xem là chỉ số mất an toàn. Luật Đầu tư công được ông Vinh nỗ lực xây dựng, trước những quan điểm trái chiều của các bộ, vì đụng chạm đến quyền lợi, nhưng đã chính thức có hiệu lực từ 1/1/2015.

Vấn đề nợ công vốn nhạy cảm, nhưng với việc quản lý ngân sách Nhà nước còn nhiều bất cập, thì Chỉ thị 1792 ra đời, nhằm tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách và vốn trái phiếu, như một lời tuyên chiến với tình trạng đầu tư công dàn trải, lãng phí, nợ đọng xây dựng cơ bản.

Vấn đề theo nguyên Bộ trưởng, đó là: “Đất nước này cần sự minh bạch, đất nước này không được có sự tham nhũng”. Bởi vậy, không ít lần ông Vinh đã thẳng thắn chỉ ra thực tại của bức tranh ngân sách, không chỉ đưa ra những quan điểm về đổi mới kinh tế mà còn là đổi mới mạnh mẽ trong cải cách thể chế.

Cuối nhiệm kỳ, ông cùng những cộng sự tại Ngân hàng Thế giới xây dựng chương trình đầy tâm huyết: “Báo cáo 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ”. Báo cáo chỉ rõ mục tiêu: Việt Nam là nước có nền công nghiệp hóa hiện đại hóa, với thu nhập bình quân đạt tối thiểu là 18.000 USD và tối đa là 22.000 USD.

Theo đó, những chương trình hành động được đưa ra trước hết là cải cách thể chế, trên cơ sở tạo môi trường thuận lợi để khu vực tư nhân trong nước nâng cao sức cạnh tranh, cải thiện năng suất, cải cách DNNN và tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp….

Nhắc lại câu chuyện của nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cảm thấy sốt ruột khi mà hiện nay, chuyện cải cách khó có thể trông chờ vào các cơ quan, do gắn với lợi ích, sự bảo thủ.

“Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đưa ra chương trình cải cách trong bộ nhưng từng bị nói “lấy đá tự ghè chân mình”. Nếu không có người dám lấy đá tự ghè chân mình làm sao có thể cải cách được” – bà Chi Lan nhận xét.

Cùng trăn trở với câu hỏi: Làm thế nào để thúc đẩy đất nước phát triển, thực hiện được Khát vọng 2035, ông Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương (Ciem), cho rằng: Cần tiếp tục tinh thần cải cách thể chế hiện đại, không có gì khác là thị trường và thị trường hơn, cạnh tranh hơn, minh bạch và minh bạch hơn, dân chủ và dân chủ hơn.

“Những chỗ nào chưa có thị trường thì xây dựng thị trường, chỗ nào méo mó thì xây dựng minh bạch hơn. Nhà nước không làm gì khác ngoài làm thị trường cạnh tranh hơn, minh bạch hơn. Phải cổ phần hóa mạnh hơn, làm nhỏ khu vực Nhà nước, sử dụng tài sản công tốt hơn” – Viện trưởng Ciem khuyến nghị.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên