MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi lãnh đạo ngân hàng chợt quên... kinh doanh vàng

27-05-2018 - 20:55 PM | Tài chính - ngân hàng

"Hiện tượng" này xẩy ra 5 năm sau giai đoạn căng thẳng thực hiện mua bán vàng miếng...

Tuần qua, VnEconomy hỏi chuyện lãnh đạo cao cấp một số ngân hàng thương mại về hoạt động mua - bán vàng miếng. Điểm chung, họ chợt quên và không nhớ ngân hàng mình đã chia tay từ lúc nào.

Hỏi chuyện, vì ngày 11/5 vừa qua Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) thông báo chấm dứt hoạt động kinh doanh vàng miếng tại 9/19 địa điểm được phép - một sự kiện đáng chú ý.

Từ nóng bỏng đến lạnh nhạt

Sự kiện trên đánh dấu điểm rơi, gần 5 năm sau giai đoạn cao điểm và căng thẳng tổ chức kinh doanh vàng miếng trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam.

Cuối năm 2012, triển khai chủ trương thiết lập lại trật tự thị trường vàng Việt Nam, hoạt động kinh doanh vàng miếng trở nên nóng bỏng. Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng cũng như sở hữu thương hiệu vàng miếng SJC; các điều kiện kinh doanh vàng miếng siết lại chặt chẽ, tổ chức lại mạng lưới mới.

Khi đó, dư âm những cơn sốt vàng 2010-2011 vẫn còn nóng, hoạt động kinh doanh vàng còn ồn ào đến tận loạt phiên đấu thầu tạo cung của Ngân hàng Nhà nước về sau…

Một điểm nóng nổi bật khi đó là tổ chức lại mạng lưới các điểm kinh doanh vàng miếng. Vấn đề Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng có nhiều tranh luận, việc tham gia kinh doanh vàng miếng cũng có nhiều ý kiến, gắn với yêu cầu đảm bảo quyền lợi đầu tư, mua bán chính đáng và thuận lợi cho người dân; hạn chế tình trạng các kênh giao dịch gây trở ngại trên thị trường.

Tháng 12/2012, một loạt giấy phép kinh doanh vàng miếng được cấp mới. Đáng chú ý, nhóm "big 4" gồm Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), Ngân hàng Công thương (VietinBank), Ngân hàng Đầu tư và phát triển (BIDV) lãnh sứ mệnh nóng cốt cho việc tổ chức lại mạng lưới này.

Giai đoạn đó, để đáp ứng nhu cầu người dân, nhà quản lý lẫn các đầu mối từng phải tính đến việc tổ chức các xe lưu động điều hàng, làm con thoi trên các địa bàn để xóa các "điểm trắng" giao dịch. Tức là, làm sao vừa siết lại quản lý thị trường nhưng vẫn đảm bảo được nhu cầu giao dịch của người dân thông suốt, thuận tiện. Bối cảnh vấn đề thị trường vàng nóng bỏng, nếu để những "điểm trắng" nổi lên thì dễ "nhức nhối" thêm trong dư luận.

Với hệ thống mạng lưới trải rộng trên cả nước, "big 4" nhanh chóng tạo kết nối và tổ chức giao dịch, khỏa lấp những quan ngại trên. Cùng đó, gần hai chục ngân hàng thương mại khác, cùng các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn nhanh chóng mở rộng mạng lưới, đại lý…, để làm sao tại các địa bàn xa nhất vẫn đảm bảo mua bán vàng miếng được.

Thế rồi, sau gần 5 năm từ đợt cao điểm trên, khi VnEconomy tìm hiểu, tại một số địa bàn như ở Hà Giang, có chi nhánh ngân hàng cả tháng trời chỉ giao dịch… 2 lượng vàng miếng.

Nhân quyết định đóng cửa bớt nói trên của BIDV, hỏi chuyện một số lãnh đạo ngân hàng thương mại, họ cũng "ngớ người" chợt quên, không rõ hiện nay hệ thống của mình đang kinh doanh vàng miếng như thế nào, mà thực ra cũng đã lạnh nhạt từ lâu.

"Tự nhiên thôi"

Trao đổi với VnEconomy, lãnh đạo một ngân hàng thương mại lớn cho biết, quả thực lâu rồi ông quên không nắm rõ tình hình tổ chức mua bán vàng miếng của hệ thống mình như thế nào, do các khối chuyên trách nắm. Nhưng qua đó cho thấy, vàng không còn nằm trong tính toán kinh doanh của vị lãnh đạo này.

"Gọi là kinh doanh, nhưng ngày trước chủ yếu thực hiện sứ mệnh tổ chức giao dịch, thực thi chính sách. Chứ hiện nay chúng tôi không còn chút nào vốn vàng. Chỉ thấy rằng, nếu nhìn lại trước đây, nhờ xử lý được vốn vàng mà lãi suất, tỷ giá đã êm và bình ổn những năm gần đây và hiện nay", vị lãnh đạo ngân hàng trên nói.

Tương tự, tại Vietcombank hay VietinBank, vốn vàng gần như không còn trong các kế hoạch kinh doanh nữa. Riêng tại VietinBank, hiện có công ty kinh doanh vàng trực thuộc, nhưng theo lãnh đạo ngân hàng này, họ chủ yếu chỉ làm vàng trang sức mỹ nghệ, trọng tâm là trang sức kim cương hợp tác với các đối tác Châu Âu…

Theo một tài liệu của Ngân hàng Nhà nước báo cáo Chính phủ gần đây, năm 2012 cơ quan này đã cấp phép cho khoảng 2.500 điểm giao dịch vàng miếng, có mặt tại tất cả 63 tỉnh thành. Nhưng đến cuối 2017 chỉ còn 2.271 điểm.

Quy mô trên chưa cập nhật đến thời điểm BIDV quyết định chấm dứt gần một nửa số điểm họ có, cũng như một số tổ chức tín dụng và doanh nghiệp có đề nghị được cắt giảm, thu hẹp đầu mối kinh doanh vàng miếng thời gian gần đây, và có thể xu hướng tiếp tục thể hiện trong thời gian tới.

Việc cắt giảm và thu hẹp nói trên chưa thể hiện mạnh, chủ yếu ở các tổ chức tín dụng. Và với hệ thống các điểm hiện tại, Ngân hàng Nhà nước khẳng định các nhu cầu giao dịch của người dân vẫn được đảm bảo, thông suốt.

Nhưng cũng có sự bù trừ. Tại giai đoạn đầu tổ chức lại thị trường, các ngân hàng thương mại lãnh sứ mệnh nhanh chóng thiết lập mạng lưới, trong khi các doanh nghiệp kinh doanh vàng một bộ phận lớn cần thời gian để chuẩn bị hạ tầng, đáp ứng những điều kiện mới. Thời gian chuẩn bị của các doanh nghiệp đã từng bước được rút ngắn và bổ sung thêm các điểm mà ngân hàng rút.

"Đây là xu hướng điều chỉnh tự nhiên thôi, theo thực tế kinh doanh của mỗi tổ chức tín dụng, gắn với cung - cầu trên thị trường. Như tại một chi nhánh ngân hàng, cả tháng chỉ có 2 lượng vàng miếng giao dịch, trong khi phải duy trì khâu giao dịch, ngân quỹ, kiểm định… Họ phải tính toán hiệu quả kinh doanh của mình", một cán bộ Vụ Quản lý Ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) chia sẻ góc nhìn cá nhân với VnEconomy.

Còn ở toàn cục, việc một số ngân hàng thương mại lạnh nhạt với kinh doanh vàng miếng cũng do nhu cầu và doanh số giao dịch sụt giảm.

Báo cáo trên của Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến năm 2017 doanh số mua, bán vàng của toàn bộ hệ thống tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được kinh doanh vàng miếng đã giảm hơn 70% so với năm 2013 (từ mức trung bình khoảng 40.000 lượng/ngày năm 2013 xuống còn khoảng 10.000 lượng/ngày).

Với sự sụt giảm rất mạnh như trên, một lượng vốn lớn đã không còn bị cuốn vào kênh đầu tư và giao dịch vàng miếng như nhiều năm trước, mà chuyển sang các kênh khác như gửi ngân hàng, bất động sản, chứng khoán hoặc đi vào sản xuất kinh doanh…

Về vĩ mô, việc không phải dùng 1 USD nào để nhập khẩu vàng về từ năm 2014 đến nay đồng nghĩa nguồn vốn, nguồn ngoại tệ của nền kinh tế không còn bị hút vào vàng như nóng bỏng nhiều năm trước. Nhu cầu vàng nguyên liệu khoảng 10-15 tấn/năm cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ cũng được tự chuyển hóa nguồn vàng trong dân cư.

Và như nhìn nhận của vị lãnh đạo ngân hàng thương mại ở trên, nhờ xử lý được các vấn đề vốn vàng trước đây mà góp phần để lãi suất, tỷ giá êm và bình ổn những năm gần đây, cũng như hiện nay.

Theo Minh Đức

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên