MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi nhà băng Việt hướng đến các chuẩn mực quốc tế

07-12-2017 - 17:30 PM | Tài chính - ngân hàng

Từng bước vươn mình ra thế giới, các ngân hàng Việt cũng dần xây dựng nền tảng cho việc đáp ứng những nhu cầu khắt khe của thị trường và định vị được thương hiệu mang tầm cao mới. Trong đó, việc triển khai Basel II sẽ là bước đi quan trọng để đảm bảo hoạt động an toàn hiệu quả và hướng tới những chuẩn mực quốc tế.

Sự đổi mới trong công nghệ ngân hàng và quá trình hội nhập nhanh chóng vào thị trường tài chính thế giới đã khiến môi trường hoạt động của các ngân hàng ngày càng phức tạp và nhiều rủi ro. Những rủi ro tài chính xuất hiện với tần suất cao và mức độ nghiêm trọng lại tiếp tục đẩy các chủ thể kinh tế trong vào ngoài nước phải đối mặt với nhiều rủi ro khác. Vậy, đâu là giải pháp để các Ngân hàng thương mại trụ vững trước những biến động khó lường của thị trường tài chính ?

Hiệp ước vốn Basel được coi là Quy định mang lại tính hiệu quả nhất trong giám sát hoạt động của các ngân hàng và là công cụ tốt mang lại sự ổn định cho hệ thống ngân hàng. Chuẩn mực Basel giúp cho nhà quản lý phát hiện, đo lường được rủi ro, giúp loại bỏ hoặc giảm thiểu tác động của rủi ro và xây dựng được một Quy trình giám sát hoạt động quản trị rủi ro cho tổ chức của mình. Chuẩn mực Basel là bước chuyển hóa cơ bản đầu tiên để Ngân hàng Thương mại có nhận thức cơ bản nhằm thay đổi phương thức điều hành, đưa ra quyết định kinh doanh tiếp cận từ khía cạnh rủi ro (risk based-approach).

Trong khi các Ngân hàng tại Việt Nam đang áp dụng Basel I thì các Ngân hàng trong khu vực đã áp dụng Basel II, hoặc Basel III. Vì vậy, việc áp dụng tiêu chuẩn Basel II là xu thế tất yếu và bắt buộc khi Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với Khu vực và Thế giới. Áp dụng thành công Basel II giúp các ngân hàng Việt Nam không chỉ dễ dàng thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài mà sẽ tự mình mở rộng vươn xa ra thị trường các nước phát triển.

Thấy được tầm quan trọng của việc tuân thủ các chuẩn mực Basel II, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chọn 10 ngân hàng thí điểm thực hiện phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II. Dự kiến đầu năm 2018, việc thí điểm này sẽ hoàn thành, sau đó sẽ mở rộng áp dụng Basel II với các ngân hàng thương mại khác trong nước. Theo Thông tư 41 của NHNN, năm 2020 sẽ là thời điểm mà tất cả các Ngân hàng tại Việt nam phải tuân thủ các quy định này.

Không nằm trong danh sách 10 Ngân hàng được chỉ định thực hiện thí điểm Basel II, Ngân hàng Phương Đông – OCB nhận định việc triển khai sớm dự án Basel 2 là bước đi quan trọng nhằm giúp Ngân hàng có được nền tảng quản trị rủi ro mạnh, tiên tiến, đồng thời, càng về đích sớm thì càng tối ưu hóa hiệu quả hoạt động, giúp OCB tiệm cận dần với những thông lệ quốc tế tiên tiến và tạo đột phá trong những năm tiếp theo. OCB đã trở thành ngân hàng VN đầu tiên công bố hoàn tất việc triển khai dự án Basel II.

Từ năm 2008, OCB đã tạo các nền tảng cho Basel như đầu tư hệ thống Công nghệ thông tin hiện đại; xây dựng mô hình Quản lý rủi ro tiên tiến, xây dựng các chính sách, công cụ và hệ thống báo cáo theo chuẩn mực quốc tế v.v… Đến tháng 12/2017, OCB đã chính thức công bố về việc nghiệm thu hoàn thành dự án trụ cột 2 – ICAAP, đồng nghĩa với việc OCB hoàn tất tất cả các hạng mục triển khai Basel 2 theo phương pháp tiêu chuẩn.

“Chúng tôi có đặc quyền được làm việc cùng với OCB - chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của Basel. OCB hiện đang ở trạng thái sẵn sàng và có các bước tiến rất tốt hướng đến năm 2020, thời hạn quy định tại Thông tư 41. Tôi không nghi ngờ gì với những bước tiến này, OCB có thể là một trong những ngân hàng đầu tiên của Việt Nam triển khai thành công Basel 2” – Khẳng định từ Ông Eddie - đại diện ngân hàng DSB Singapore, tập đoàn dịch vụ tài chính hàng đầu Châu Á và là một trong những những Ngân hàng triển khai sớm nhất Basel II ở châu Á và hiện đang áp dụng Basel III.

Trong quá trình triển khai dự án, OCB đã đạt được một số thành tựu tiêu biểu có thể kể đến như: thu thập và hoàn thiện kho dữ liệu của hơn 40.000 khách hàng thuộc 117 Đơn vị kinh doanh trên cả nước trong thời gian 6 tháng; Nghiên cứu soạn thảo, điều chỉnh bổ sung, cải tiến gần 30 quy trình/quy định lớn nhỏ liên quan đến công tác tín dụng, dữ liệu và quản trị rủi ro.

Đồng thời, OCB cũng tổ chức hàng loạt chương trình truyền thông, đào tạo được thực hiện đều cho cả Ban dự án Basel và các Cán bộ nhân viên toàn hệ thống giúp nâng cao nhận thức và năng lực quản trị rủi ro cho toàn hệ thống. Và đặc biệt, OCB được tổ chức Moody’ xếp hạng B2 - hạng cao nhất của các NHTM Việt Nam tính tới thời điểm hiện tại.

Để đạt được những thành tựu kể trên, OCB đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, áp lực không nhỏ với một nhà băng tầm trung. Tuy nhiên, với quyết tâm của toàn hệ thống từ Hội đồng quản trị xuống đến các đơn vị kinh doanh trên tinh thần sẵn sàng thay đổi, nhanh chóng tiếp nhận và thích nghi với phương thức quản lý mới đã giúp OCB có khả năng triển khai Basel thành công sớm hơn dự kiến.

Bà Huỳnh Lê Mai – Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối quản lý rủi ro OCB chia sẻ: “Lợi ích rõ rệt nhất mà Basel II mang lại cho hệ thống ngân hàng Việt Nam là tăng cường cạnh tranh lành mạnh và minh bạch của hệ thống, tăng cường sức đề kháng của các ngân hàng trước bất ổn và biến động của thị trường.

Việc triển khai Basel thành công sẽ giúp chúng tôi tối ưu hóa lợi nhuận bằng các chiến lược kinh doanh dựa vào mức độ rủi ro, phân bổ vốn hợp lý vào các đối tượng KH và sản phẩm, thiết lập được danh mục đầu tư/ tín dụng có mức lợi nhuận tối ưu.

Khách hàng của chúng tôi được hưởng các quyền lợi về các điều kiện cấp tín dụng phù hợp với mức độ rủi ro của khách hàng. Thông tin càng đầy đủ, điều kiện cấp tín dụng càng thuận lợi, … sẽ nhận được mức lãi suất hấp dẫn. Thêm vào đó, khách hàng cũng sẽ yên tâm hơn khi giao dịch ở OCB, bởi tài sản của khách hàng đã được bảo vệ trước các rủi ro có thể phát sinh”.

OCB cũng sẽ tiếp tục cho lộ trình triển khai Basel II để mang thêm nhiều lợi ích cho khách hàng, đối tác. Đó cũng là một quá trình thách thức, tuy nhiên đây là một cơ hội không thể bỏ qua để Ngân hàng lĩnh bước tiên phong, trở thành một trong top 10 ngân hàng tốt nhất Việt Nam và vươn tầm châu Á trong thời gian không xa.

A.D

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên