MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi tái cơ cấu nền kinh tế vẫn gắn với 4 chữ "nhưng"

Tái cơ cấu nền kinh tế cần gắn với ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng và tăng cường vị thế vùng động lực tăng trưởng như Tp.HCM, Hà Nội...

TS Nguyễn Đình Cung
TS Nguyễn Đình Cung
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ
109 bài viết

"Tăng trưởng kinh tế giai đoạn vừa qua đã có dấu hiệu suy giảm và thậm chí, có thể trở thành thách thức khó vượt qua nếu tư duy về thể chế kinh tế, quản lý kinh tế của ta không có thay đổi", TS.Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nói.

Đây là nhận định được TS.Nguyễn Đình Cung nêu tại hội thảo Đánh giá giữa kỳ kết quả cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 do CIEM phối hợp với Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) tổ chức ngày 5/9.

Thách thức khó hoàn thành mục tiêu

Kết quả sơ bộ về tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2018 cho thấy, trong số 16 định hướng, chính sách lớn và 120 nhóm nhiệm vụ thực hiện ở cấp bộ ngành được Nghị quyết 27/NQ-CP đưa ra, chỉ có 25,8% nhiệm vụ đã triển khai và có kết quả rõ ràng; 57,5% nhiệm vụ đang triển khai nhưng chưa có kết quả rõ ràng; 16,7% nhiệm vụ đã triển khai và chưa ra kết quả.

Đánh giá chung về 16 mục tiêu, định hướng lớn, CIEM nhận định 24% mục tiêu cơ cấu lại dự kiến hoàn thành; 32% có khả năng hoàn thành và 41% mục tiêu sẽ khó hoàn thành.

Vì vậy, theo TS.Nguyễn Đình Cung, mặc dù chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện, cách thức tăng trưởng có thay đổi tích cực... song nền kinh tế vẫn gắn với 4 chữ "nhưng".

Thứ nhất, đó là cách thức phân bổ nguồn lực chưa thay đổi, nguồn lực về cơ bản chưa được phân bố lại theo hướng nâng cao hiệu quả.

Thứ hai, các dòng chảy lớn trong nền kinh tế như chuyển nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ, nông thôn sang thành thị, Nhà nước sang tư nhân hay khu vực chính thức thành phi chính thức... vẫn đang diễn ra rất chậm.

Thứ ba, các động lực tăng trưởng hiện hành đã tới hạn và suy giảm năng lượng nội sinh cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới.

Thứ tư, việc duy trì tăng trưởng cao và bền vững như mức tăng trưởng hiện tại là thách thức lớn nếu không thay đổi khác biệt về tư duy, cải cách thể chế, chỉ đạo điều hành phân bố, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực Nhà nước, và tạo cực tăng trưởng động lực cho nền kinh tế.

PGS.TS Vũ Sỹ Cương, Học viện Tài chính, Bộ Tài chính cho rằng nền kinh tế đang không chỉ diễn ra bất cập trong phân bổ nguồn lực đầu tư mà còn có câu chuyện "trên bảo dưới không nghe" khi việc phân bổ nguồn lực, sử dụng nguồn lực ngân sách công chưa minh bạch và thiếu hiệu quả.

Hỗ trợ doanh nghiệp tiềm năng phát triển

Trong bối cảnh này, ông Cung cho rằng việc phải làm lúc này là phải có giải pháp để xử lý 4 chữ "nhưng". "Những giải pháp hiện có như Nghị quyết 19, Nghị quyết 35, xử lý nợ xấu... cần phải tăng quy mô, tốc độ và đảm bảo tính thực chất, đầy đủ, không hình thức, nửa vời. Phải có nhóm chuyên gia độc lập thẩm định các dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành... trước khi trình Chính phủ. Cách thức quản lý kinh tế của ta hiện nay là cách thức can thiệp quá sâu vào nội bộ doanh nghiệp. Cách quản lý này là phi khoa học và phi thị trường và rất bất hợp lý", TS.Nguyễn Đình Cung nêu quan điểm.

Theo đó, CIEM đề xuất việc phân bổ nguồn lực cần thực hiện các giải pháp mạnh theo hướng thị trường và thị trường hơn, phát triển các doanh nghiệp tư nhân theo hướng thực hiện các giải pháp hỗ trợ những doanh nghiệp thành công. Tập hợp các dự án đầu tư quy mô lớn của tư nhân trong nước trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, du lịch... Lựa chọn, chỉ đạo các địa phương, bộ có liên quan giải quyết ngay vướng mắc về đất đai, môi trường kinh doanh để đất đã giao đưa vào sử dụng. Giải quyết các bất hợp lý về thuế, nhập khẩu, các loại phí...

Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, theo TS.Nguyễn Đình Cung, thay vì nỗ lực tái cơ cấu dự án, doanh nghiệp thua lỗ, cần tập trung thực hiện tái cơ cấu toàn diện, tập trung đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp tốt, có tiềm năng phát triển. "Như rà roát, loại bỏ khoản trợ cấp với doanh nghiệp nhà nước, loại bỏ hành vi độc quyền; rà soát danh mục dự án đầu tư, chỉ đạo, hỗ trợ và tập trung thực hiện dự án tốt. Tập trung đầu tư vào doanh nghiệp quản trị tốt, đạt tỷ suất lợi nhuận/vốn sở hữu ít nhất 20%/năm", CIEM đề xuất.

Đặc biệt, theo người đứng đầu CIEM, tái cơ cấu nền kinh tế cần gắn với ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng và tăng cường vị thế vùng động lực tăng trưởng như Tp.HCM, Hà Nội... "Chúng ta kêu gọi nhân tài Việt Nam ở nước ngoài về đóng góp xây dựng kinh tế trong nước. Chúng ta trước hết hãy phát huy hết trí tuệ người trong nước vì chừng nào thể chế kinh tế còn bất cập, môi trường kinh doanh còn chưa minh bạch, người Việt còn phải ra Singapore để thành lập doanh nghiệp thì người Việt Nam vẫn sẽ ra đi hay người Việt Nam ở nước ngoài cũng khó trở về", ông Cung nhận định.

Theo Đặng Hương

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên