MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khiến "người tiêu dùng thiệt hơn lợi", Hiệp hội Xăng dầu đề xuất bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu

Việc sử dụng Quỹ bình ổn giá mang đậm tính can thiệp hành chính nên làm méo mó giá cả thị trường xăng dầu. Nếu bỏ Quỹ này, giá xăng dầu trong nước sẽ hoạt động theo cơ chế thị trường và giá trong nước diễn biến theo xu hướng giá thế giới.

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) trong văn bản kiến nghị gửi Chính phủ vừa qua đã đề xuất bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu.

Đơn vị này cho rằng việc trích lập cho Quỹ với mức 300 đồng/lít theo quy định tại Nghị định 83 đang khiến người tiêu dùng chịu thiệt hơn là lợi. Bởi bản chất người dân đang phải ứng trước cho quỹ.

Mặt khác, VINPA cho biết việc sử dụng Quỹ bình ổn giá mang đậm tính can thiệp hành chính nên làm méo mó giá cả thị trường xăng dầu. Nếu bỏ Quỹ này, giá xăng dầu trong nước sẽ hoạt động theo cơ chế thị trường và giá trong nước diễn biến theo xu hướng giá thế giới.

VINPA cũng tin rằng khi Quỹ này bị bỏ, tính minh bạch công khai trong điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống doanh nghiệp đầu mối.

Trong cuộc họp báo quý I/2019 ngày 5/4 tại Bộ Công thương, trước câu hỏi của báo chí về việc có nên duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nữa không, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết: "Cá nhân tôi không muốn có quỹ này. Tôi mong càng sớm càng tốt bỏ quỹ đi".

Tuy nhiên, ông cho biết ở thời điểm hiện nay, Việt Nam chưa phải nền kinh tế thị trường hoàn toàn. Do đó, ông Hải nhận định vẫn cần có vai trò quản lý của nhà nước.

"Tôi cũng nói nhiều lần, kể cả tôi nói trước mặt Phó Thủ tướng là cong ăn cong, thẳng ăn thẳng. Nhưng ngay sát Tết giá xăng phải tăng 1.000 - 2.000 đồng, như nay là tăng hơn 3.000 đồng đấy chứ. Đấy là khó khăn điều hành. Quỹ đánh giá tốt. Chúng ta đánh giá bình ổn cả năm. Chúng ta giữ giá cho bà con, tránh lạm phát kỳ vọng trước, trong và ngay sau Tết. Tôi muốn nói chia sẻ khó khăn của người điều hành. Còn điều hành phải bám vào thực tiễn giá thế giới và Nghị định 83. Tâm sự hết sức thẳng thắn để chia sẻ", ông Hải nói.

Ý kiến này về sau nhận được phản hồi lại của một cựu lãnh đạo doanh nghiệp khi cho rằng phân tích của Thứ trưởng chưa xác đáng. Bởi Quỹ là tiền đóng góp trực tiếp của dân mà không phải từ nguồn khác. Do đó, giá xăng dầu không tăng đợt này thì tăng đợt khác. "Bản thân người dân phải đóng tiền khi mua hàng thì có nghĩa là giá bán lẻ phải tăng và CPI đã ngầm tăng rồi. CPI vẫn tăng theo giá thế giới vì nén lúc này lúc khác sẽ bung ra. Hơn nữa, lúc trích quỹ thì thay vì CPI giảm thì lại tăng. Tóm lại là bù trừ cho nhau cả", vị này phân tích.

Mặt khác, khi có quỹ thì giá xăng, dầu sẽ không tăng, giảm theo thị trường, thậm chí là ngược như đợt điều chỉnh giá bán lẻ hôm 2/4/2019. Và khi thay đổi mức trích và mức sử dụng một cách hoàn toàn không có quy luật và mang tính chủ quan như vậy dễ tạo điều kiện cho các tổng đại lý, thương nhân phân phối, đại lý và thương nhân nhượng quyền có cơ hội đầu cơ nếu biết trước thông tin về mức trích và sử dụng Quỹ một ngày. Do vậy, điều này sẽ khiến cho thị trường kém đi tính minh bạch. 

Vũ Hoà

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên