MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khó chặn người vi phạm làm bằng lái mới

10-05-2017 - 15:37 PM | Xã hội

Người vi phạm sẵn sàng bỏ giấy phép lái xe để xin cấp lại vì chi phí thấp hơn đóng phạt nhiều lần.

Trung tá Nguyễn Văn Cường, Đội trưởng Đội Tuyên truyền Công an TP.HCM, cho biết hiện nay nhiều người vi phạm đang xem nhẹ việc đóng phạt theo quy định xử phạt vi phạm hành chính nên số giấy phép lái xe (GPLX) bị người dân bỏ lại đang ngày một tăng lên.

Vướng mức phạt cao nên bỏ giấy phép lái xe

Ngày 9-5, có mặt tại Đội CSGT An Lạc (thuộc PC67), PV Pháp Luật TP.HCM ghi nhận các hồ sơ xử lý vi phạm, trong đó có GPLX bị tạm giữ được chất đầy kho lưu trữ hồ sơ. Những hồ sơ được xếp vào kho là hồ sơ đã quá thời hạn xử lý mà người vi phạm không đến làm thủ tục đóng phạt để nhận lại GPLX. Các hồ sơ này được chất đầy trong các tủ sắt cao hơn 2 m và được phân thành từng năm vi phạm. Trung tá Trương Trần Minh Tuấn, Đội trưởng Đội CSGT An Lạc, cho biết đội vẫn còn lưu giữ GPLX bị tạm giữ từ năm 2007 đến nay với số lượng lên đến hơn 21.000 GPLX. Hiện nay đội cũng đang rà soát để chuẩn bị tiêu hủy một số lượng GPLX đã quá 10 năm lưu giữ mà người dân không đến đóng phạt.

Đội CSGT Bình Triệu cũng đang tạm giữ khoảng 10.000 GPLX bị người dân bỏ lại. Lãnh đạo Đội CSGT Bình Triệu cho biết một trong những nguyên nhân khiến người dân bỏ lại GPLX là do họ vi phạm các lỗi có mức phạt tiền cao, thậm chí cao hơn nhiều so với chi phí cấp mới GPLX. Trong đó nhiều nhất là các lỗi: đi vào đường cấm, đường ngược chiều, chạy xe trong khi có nồng độ cồn quá mức quy định...

Cán bộ Đội CSGT An Lạc đang gửi thông báo ngăn chặn đến sở GTVT các tỉnh, TP để ngăn chặn tình trạng người dân xin cấp lại GPLX. Ảnh: LÊ THOA

Hồ sơ vi phạm và GPLX được Đội CSGT An Lạc lưu trữ từ năm 2007 đến nay được chất cao trong các tủ. Ảnh: LÊ THOA

Nhiều chiêu đối phó

Ngăn chặn tình trạng bỏ và xin cấp lại GPLX sau khi vi phạm là vấn đề không đơn giản. Trung tá Nguyễn Văn Cường, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, cho biết đối với các trường hợp quá thời hạn hẹn giải quyết mà người vi phạm chưa đến đóng phạt thì PC67 đều gửi thông báo ngăn chặn đề nghị Sở GTVT (nơi người dân làm GPLX) không cấp mới GPLX cho các trường hợp đang bị tạm giữ. “Tuy nhiên, hiện nay người dân hoàn toàn có thể thi GPLX ở nhiều địa phương khác nhau nên rất khó quản lý. Tức người dân bị tạm giữ GPLX ở tỉnh này vẫn có thể đến tỉnh khác để đăng ký thi sát hạch lấy GPLX mới” - Trung tá Cường cho biết. Ngoài ra, ông Cường cũng cảnh báo hiện có nhiều trường hợp làm GPLX giả, ngoại trừ thẻ nhựa thì các loại thẻ thường rất khó phát hiện. Ngoài ra, một số trường hợp đã thủ sẵn nhiều GPLX trong người, khi bị tạm giữ thẻ này thì còn thẻ khác.

Trung tá Trương Trần Minh Tuấn cũng nhận định: “Nhiều trường hợp người dân bị tạm giữ GPLX rồi đến các trung tâm đăng ký thi sát hạch báo mất GPLX để xin được cấp mới. Đối với những trường hợp này, có thể là do các thông báo ngăn chặn mà CSGT gửi Sở GTVT đến chậm hoặc thất lạc trong quá trình gửi đi. Nếu văn bản gửi đến kịp và bên GTVT tiếp nhận thì chắc chắn sẽ không cấp lại cho người dân. Như vậy, để khắc phục vấn đề này, theo tôi giữa cơ quan cấp GPLX và cơ quan tạm giữ cần có những kết nối thông tin qua Internet để cập nhật kịp thời, tránh tình trạng văn bản thất lạc”.

Nên có cơ sở dữ liệu dùng chung

Chuyên gia giao thông Lâm Thiếu Quân cho biết: “Ở nước ngoài, thông thường bất cứ trường hợp vi phạm nào, trong đó có vi phạm giao thông đều được lưu vào một cơ sở dữ liệu chung trên toàn quốc. Nếu không nộp phạt thì khi người vi phạm đến làm dịch vụ ở cơ quan công quyền khác thì hệ thống sẽ báo và ngăn chặn, buộc họ phải nộp phạt xong mới được thực hiện các dịch vụ khác. Chẳng hạn, vấn đề vi phạm giao thông sẽ do CSGT quản lý và cơ sở dữ liệu sẽ được chia sẻ với các đơn vị có liên quan”.

Ông Quân đề xuất tất cả dữ liệu xử phạt đều phải có một hệ thống dữ liệu chung do công an quản lý. Đối với việc vi phạm giao thông, khi người dân đến các trung tâm đăng ký thi sát hạch để cấp GPLX mới thì cơ quan này sẽ nhanh chóng rà soát trên hệ thống và nhanh chóng phát hiện người này có bị tạm giữ GPLX hay không. Nếu người dân vi phạm nhiều lần, phải có những hình thức răn đe mạnh như tăng mức xử phạt, từ chối cấp bằng…

“Chúng tôi xác minh từ các tỉnh trước khi cấp lại giấy phép lái xe”

• Hiện nay quy định xin cấp lại GPLX được thực hiện như thế nào?

+ Ông Võ Trọng Nhân, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, sát hạch và cấp GPLX, Sở GTVT TP.HCM: Người bị mất GPLX còn thời hạn sử dụng hoặc quá thời hạn sử dụng dưới ba tháng thì sẽ được xét cấp lại. Khi đến các cơ sở thuộc Phòng Quản lý đào tạo, sát hạch và cấp GPLX, người lái xe gửi một bộ hồ sơ xin cấp lại GPLX và phải xuất trình bản chính để đối chiếu. Sau thời gian hai tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ, nếu không phát hiện GPLX đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý (vi phạm giao thông) thì được cấp lại bằng lái.

• Hiện có tình trạng người vi phạm ở TP.HCM chạy về các tỉnh để xin cấp lại GPLX và ngược lại. Ngăn chặn các trường hợp này như thế nào?

+ Vừa qua, PC67 Công an TP có thông báo đang thu giữ hơn 10.000 GPLX của người vi phạm giao thông, trong đó có gần 4.000 GPLX do Sở GTVT TP.HCM cấp. Số GPLX bị thu giữ do các tỉnh cấp cũng đã được PC67 thông báo về các sở GTVT tỉnh. Khi người dân các tỉnh muốn được Sở GTVT TP.HCM cấp lại GPLX bị mất thì Sở sẽ xác minh thông tin từ tỉnh bạn, nếu đúng như trong đơn xin cấp lại (không phải bị thu giữ) thì sau hai tháng nộp hồ sơ sẽ được cấp lại GPLX.

Đặc biệt, đối với người bị mất GPLX lần thứ hai thì khi xin cấp lại sẽ phải thi lại lý thuyết; GPLX bị mất và đã quá hạn sử dụng từ ba tháng đến dưới một năm thì phải thi lại lý thuyết; trên một năm thì phải thi lại cả lý thuyết lẫn thực hành… Đây là những biện pháp nhằm chống tình trạng báo giả mất để được cấp lại bằng lái hoặc bị mất mà chậm đi xin cấp lại.

L.Đức thực hiện

Hiện nay người vi phạm bị tạm giữ GPLX ở tỉnh này vẫn có thể đến tỉnh khác để đăng ký thi sát hạch lấy GPLX mới nên rất khó quản lý.

Trung tá Nguyễn Văn Cường, Đội trưởng Đội Tuyên truyền Công an TP.HCM

Theo Lê Thoa

Pháp luật TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên