MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khó giảm lãi suất: Vì sao?

22-06-2016 - 10:36 AM | Tài chính - ngân hàng

Mục tiêu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhận được sự đồng thuận trên bàn họp của các ngân hàng thương mại. Nhưng thực tế, lãi suất huy động và cho vay hiện vẫn được đẩy lên cao so với mặt bằng năm 2015, khiến không ít DN gặp khó trong bối cảnh sức ép hội nhập sâu với thế giới ngày càng tăng. Vậy, lãi suất khó giảm vì sao?

Lãi suất tiếp tục tăng

Yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) hạ lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhận được sự ủng hộ trên bàn họp của hầu hết các ngân hàng trong hệ thống. Song thực tế, cuộc chạy đua giữa các ngân hàng về lãi suất huy động thời gian qua khiến lãi suất cho vay không thể giảm như kỳ vọng.

Theo NHNN, lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; 6,4-7,2%/năm kỳ hạn trên 12 tháng.

Lãi suất cho vay VND với các lĩnh vực ưu tiên 6-7%/năm (ngắn hạn), 9-10%/năm (trung và dài hạn). Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường 6,8-9%/năm (ngắn hạn), 9,3-11%/năm (trung, dài hạn). Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay là 5-6%/năm.

Nếu nhìn vào bảng thống kê, rõ ràng lãi suất huy động và cho vay không có nhiều biến động. Tuy nhiên, đây là mức bình quân trong hệ thống, nên thực tế vẫn có những TCTD huy động và cho vay với lãi suất cao hơn. Tại hầu hết các điểm giao dịch ngân hàng trên địa bàn Hà Nội, lãi suất huy động kỳ hạn dài được đẩy sát mức 8%/năm, cao hơn gần 1% so với mức bình quân. Nếu cộng theo biên độ 3,5-4%, lãi suất cho vay với kỳ hạn dài có thể lên đến 11,5-12%/năm, quá cao so với mong đợi, làm hạn chế khả năng cạnh tranh của DN trong nước với DN trong khu vực.

Ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi - Chế biến và Xuất nhập khẩu (Aprocimex) cho biết, Công ty vẫn phải vay ngân hàng với lãi suất 9%/năm cho kỳ hạn 4 tháng. Với lãi suất này, đơn vị khó cạnh tranh với DN nước ngoài, vì họ chỉ phải trả lãi suất 1-2%/năm.

Nhiều DN khác cũng cho biết, mức lãi suất 5-6%/năm chủ yếu dưới hình thức hỗ trợ ngắn hạn 1-3 tháng đầu, hoặc chỉ áp dụng cho khoản vay nhỏ. Hầu hết các khoản vay sản xuất, kinh doanh thông thường, lãi suất không thấp như ngân hàng quảng cáo. DN vẫn phải "oằn mình" gánh chi phí vốn nên khó có lợi nhuận.

Lãi suất cao do nợ xấu?

Theo các ngân hàng thương mại, "sóng ngầm" tăng lãi suất huy động VND từ một vài TCTD lan rộng ra toàn hệ thống, bởi các ngân hàng buộc phải giữ chân khách cũ, hút thêm khách mới. Song, nguyên nhân khác đáng chú ý hơn, không nằm ở lãi suất huy động tăng, mà do hậu quả của nợ xấu.

Theo công bố của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), nợ xấu đang tồn tại ở VAMC khoảng 220.000 tỷ đồng. Cùng với đó, báo cáo tài chính của một số TCTD cho biết, nợ xấu tại các ngân hàng thương mại còn hơn 120.000 tỷ đồng. Mặc dù nợ xấu đã giảm nhiều nhưng vẫn là "ám ảnh" của hệ thống ngân hàng nói riêng, cũng như nền kinh tế nói chung.

Nợ xấu đồng nghĩa với việc các ngân hàng sẽ phải sử dụng cả vốn và phần lớn lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro và trả lãi suất huy động, thay vì đưa nguồn tiền này vào kinh doanh. Đây được coi như chi phí kinh doanh, cùng các chi phí khác, khiến ngân hàng khó có thể giảm lãi suất cho vay.

Trong một hội thảo mới đây, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, lãi suất là vấn đề lớn trong năm 2016. Các ngân hàng không có khả năng hạ lãi suất do nợ xấu cơ bản không được giải quyết, mà chủ yếu là đưa vào VAMC. Trong khi đó, vì thiếu cơ sở pháp lý để giải quyết tài sản thế chấp, không tạo được thị trường mua bán nợ, nên nợ xấu do VAMC mua về vẫn nằm trong "kho". Nợ xấu cao chưa được giải quyết khiến vốn hiệu dụng của ngân hàng thấp.

Theo ông Trương Đình Tuyển, khi lãi suất huy động tăng ở tất cả các kỳ hạn, mặt bằng lãi suất cho vay khó giữ như năm 2015. Điều này tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh của DN, nhất là DN vừa và nhỏ. Nếu nợ xấu không được xử lý dứt điểm, nghịch lý lạm phát thấp nhưng lãi suất cho vay cao vẫn không thể giải quyết.

NHNN vừa ban hành Thông tư số 08/2016/TT-NHNN, sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2013/TT-NHNN, quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC. Theo đó, NHNN bổ sung quy định về gia hạn thời hạn của trái phiếu đặc biệt. Ngoài ra, cơ cấu lại khoản nợ, bán nợ xấu của VAMC theo hai trường hợp: Nợ xấu mua bằng trái phiếu đặc biệt và nợ xấu mua theo giá thị trường. NHNN nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân lợi dụng việc cơ cấu lại nợ để hưởng lợi bất hợp pháp. VAMC xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm về việc cơ cấu lại khoản nợ xấu mua theo giá trị thị trường, trên cơ sở đề nghị bằng văn bản của khách hàng vay. Thông tư 08 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8.

Theo Đức Anh

Báo Hà Nội mới

Trở lên trên