MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khó tăng sản lượng, ngành điều chuyển hướng tăng chất lượng

06-04-2018 - 23:09 PM | Thị trường

Không thể tăng sản lượng điều nhân chế biến do eo hẹp nguồn nguyên liệu, các doanh nghiệp (DN) thuộc Vinacas đã dần thống nhất cùng chuyển hướng sang “tăng chất”, tức là tập trung cho chế biến sâu để tạo thêm giá trị gia tăng cho hạt điều.

 Khó tăng sản lượng, ngành điều chuyển hướng tăng chất lượng - Ảnh 1.Ảnh minh họa 
Nguồn cung thiếu hụt


Theo thống kê từ Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), riêng 3 tháng đầu năm 2018, tăng trưởng kim ngạch và số lượng điều nhân xuất khẩu đều lạc quan. Tất nhiên, chưa thể nói được điều gì cho 3 quý còn lại cuối năm bởi quý I lại rơi vào kỳ nghỉ Tết Âm lịch của Việt Nam, trong khi cao điểm mua bán hạt điều của thế giới thường diễn ra vào quý 3; tồn kho hạt điều ở châu Âu và Mỹ hiện ở mức khá thấp; một số yếu tố mùa vụ khác cũng chưa xuất hiện trong quý I năm nay (thói quen tiêu dùng của thị trường Australia, New Zealand; tháng lễ Ramadan của cộng đồng Hồi giáo…).

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại đằng sau sự lạc quan về kim ngạch xuất khẩu nằm ở chỗ các báo cáo về những vùng sản xuất điều lớn trên khắp thế giới đều cho thấy thời tiết bất thuận liên tiếp trong mấy năm qua khiến cây điều không kịp phục hồi. Tỉ lệ nhân điều thu hồi năm nay vì vậy giảm đi rất nhanh, trong khi các nhà máy khi thu mua điều thô đều căn cứ theo tỷ lệ nhân thu hồi để “ra giá” với người trồng.

Với cây điều tại Việt Nam, tỉ lệ nhân thu hồi các năm trước dao động 29-30%, nay chỉ còn 25-26%. Với điều thô nhập từ Bờ Biển Ngà (châu Phi), tỉ lệ nhân thu hồi cũng giảm từ mức 48-49 pound/80 kg về còn 45-46 pound/80 kg. Bởi vậy nên dù giá điều nguyên liệu trên thị trường có tăng nhưng vẫn không thể mang lại nguồn thu khá hơn cho nông dân trồng điều.

Do đó, dự báo tổng sản lượng điều thô năm 2018 có thể đạt tới 300.000 tấn nhưng lượng điều nhân thu hồi ước chỉ khoảng 71.000 tấn. Cộng với 200.000 tấn điều nhân - thu được từ nhập khẩu và chế biến 1 triệu tấn điều thô - thì tổng sản lượng điều nhân Việt Nam có thể xuất khẩu cũng chỉ mới chạm mốc 270.000 tấn, “so với kế hoạch của năm 2018 là 300.000 tấn thì chúng ta đã hơi chủ quan”, ông Đặng Hoàng Giang, Phó Chủ tịch Vinacas thừa nhận.

Ngoài ra, giá nguyên liệu tăng trong khi nguồn cung thiếu hụt khiến nhiều nhà chế biến nhỏ không thể cân đối được tài chính. Một số nhà máy do đó đang đối mặt với nguy cơ phải đóng cửa sớm.

Kiến nghị chính sách thuế hỗ trợ

Không thể tăng sản lượng điều nhân chế biến do eo hẹp nguồn nguyên liệu, các DN tại Vinacas đã dần thống nhất cùng chuyển hướng sang “tăng chất”, tức tập trung cho chế biến sâu để tạo thêm giá trị gia tăng cho hạt điều; hoặc tăng cường chế biến sản phẩm phụ như dầu vỏ hạt điều, tinh chất dầu Cardanol…

Khá hào hứng với con đường chế biến sâu và tận dụng phế phẩm để sản xuất nhiều loại phụ phẩm khác có giá trị kinh tế là vậy nhưng đại diện Vinacas vẫn bày tỏ mối e ngại mới xuất hiện ghi nhận từ một số DN thành viên.

Cụ thể, quy định hiện nay cho phép các DN nhập điều thô nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu sẽ không phải đóng thuế 5% khi xuất khẩu. Trước đây, ngành hải quan cũng không đánh thuế vỏ hạt điều sau khi đã được tách nhân (để chế biến xuất khẩu), nhưng gần đây, thay vì đốt bỏ như trước, DN đã tìm ra nhiều cách xử lý vỏ hạt điều mang lại giá trị kinh tế (sản xuất dầu vỏ hạt điều, tinh chất dầu điều Cardanol…). Vì vậy, một số chi cục hải quan đã tính thuế với số vỏ này sau khi trừ lại định mức sản xuất nhân điều cho DN. Chính “chi phí” bất ngờ ấy đã khiến hàng nghìn tấn vỏ hạt điều không tìm được “lối thoát”, ùn tắc trong kho nhiều DN.

Ông Lê Quang Luyến, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phúc An - một trong những nhà sản xuất điều lớn nhất Bình Phước - cho rằng “vỏ hạt điều là sản phẩm phụ của hạt điều, khi nhà nước đã không tính thuế với nguyên liệu sản xuất điều nhân xuất khẩu thì đề nghị cũng đừng đánh thuế với vỏ hạt điều, vì thực ra đây đã là phế liệu!”.

Phó Chủ tịch Vinacas Đặng Hoàng Giang cũng cho hay Hiệp hội sẽ kiến nghị lên Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính để được tháo gỡ, hỗ trợ, “nếu không được giải quyết kịp thời thì Vinacas mong muốn có thể đưa vấn đề này lên Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp giao ban xuất khẩu gần nhất vào tháng 4 này”.

Sản xuất hàng organic: Đường vẫn còn xa

Không thể tăng trưởng giá trị xuất khẩu và lợi nhuận khi đầu vào thiếu hụt, nhiều DN chế biến xoay sang sản xuất điều hữu cơ (organic)- dòng sản phẩm “thời thượng” đang có mức giá bán khá tốt - hơn 6 USD/pound, trong khi giá điều bình thường chỉ 4,4-4,6 USD/pound. Dù vậy, bài toán sản xuất điều organic là không hề đơn giản.

Bởi từng có DN đầu tư 400 ha ở Bình Phước nhưng sản lượng điều thô thu được chỉ bằng khoảng 1/4 sản lượng điều trồng theo phương pháp thông thường. Giá thu mua cũng không khá hơn là bao nên người trồng khó mà “phấn khởi”.

Trong một cuộc đầu tư “mạo hiểm” khác với 500 ha điều hữu cơ, người đại diện Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phúc An cho hay không chỉ cần vốn lớn đầu tư cho máy móc thiết bị, kỹ thuật, mà còn phải cung ứng cả thực phẩm để nông dân có thể… “cầm cự” chờ thu hoạch! Đã vậy, người trồng điều vốn dĩ đã nghèo, không ít trong đó là đồng bào dân tộc thiểu số, nên rất khó để tuân thủ hàng loạt điều kiện về sản xuất nông sản hữu cơ… Và điều quan trọng hơn cả là DN phải giải được bài toán đời sống và thu nhập cho nông dân trồng điều.

Hiện một vườn điều bình thường hàng năm cho năng suất khoảng 2 tấn/ha nhưng nếu trồng điều organic thì có thể chỉ đạt sản lượng cao nhất là 600-700 kg/ha. “Nhà xuất khẩu phải tìm được đầu ra có giá thật tốt để với cùng một diện tích trồng trọt, nông dân ít nhất phải đạt mức thu nhập ngang với phương thức trồng trọt hóa học. Như vậy, người ta mới chịu đồng hành cùng DN”, ông Luyến khẳng định.

Thực tế, đã có những DN chọn giải pháp ít rắc rối hơn. Đó là nhập nguồn cung điều có chứng chỉ organic để chế biến thành sản phẩm hữu cơ. Nhưng sản lượng khá hạn chế vì nguồn cung thế giới cũng khan hiếm. Ngay cả nước có lượng điều thô xuất khẩu hằng năm rất lớn là Bờ Biển Ngà hiện vẫn cần sự hỗ trợ kỹ thuật của Việt Nam để có thể trồng trọt và thu hoạch điều theo phương thức bình thường.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2018, giá trị xuất khẩu nhân điều hữu cơ chỉ mới chiếm 1% tổng kim ngạch xuất khẩu nhân điều. Thế nên câu chuyện có được nguồn cung điều thô organic xem ra hãy còn xa lắm.


Theo Phương Hiền

Chinhphu.vn

Trở lên trên