MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khó tìm nhà đầu tư cho các ngân hàng mua bắt buộc

17-05-2019 - 07:32 AM | Tài chính - ngân hàng

Đó là một trong những khó khăn được nêu tại báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, vừa được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội...

Với thực trạng tài chính hiện nay của các ngân hàng mua bắt buộc, việc tìm kiếm nhà đầu tư có năng lực tài chính và năng lực quản trị tham gia xử lý, cơ cấu lại các ngân hàng này gặp rất nhiều khó khăn và phụ thuộc vào kết quả đàm phán với các nhà đầu tư.

Triển khai có hiệu quả đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng là một trong các yêu cầu quan trọng với ngành ngân hàng, được nêu không chỉ tại một nghị quyết của Quốc hội.

Theo báo cáo, công tác cơ cấu lại các tổ chức tín dụng đã đạt được những kết quả quan trọng theo đúng mục tiêu, lộ trình đề ra tại đề án, tạo sự ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Kết quả này thể hiện ở năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng tiếp tục được củng cố, vốn điều lệ tăng dần qua các năm. Đến cuối tháng 3/2019, vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt 578,9 nghìn tỷ đồng, tăng 0,45% so với cuối năm 2018 và tăng 13% so với cuối năm 2017. Vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống đạt 792,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,2% so với cuối năm 2018 và 20,1% so với cuối năm 2017.

Việc triển khai Basel II được tập trung thực hiện để đáp ứng các thông lệ quốc tế về an toàn vốn. Đến nay, đã có 7 ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước công nhận đạt chuẩn Basel II.

Kết quả cơ cấu lại còn thể hiện qua chất lượng tín dụng được cải thiện. Các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, Nghị quyết 42 bước đầu đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để xử lý nợ xấu và tiếp tục duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức dưới 3%, đến cuối tháng 3/2019 là 2,02%.

Quy mô hệ thống các tổ chức tín dụng, theo báo cáo, tiếp tục tăng. Đến cuối tháng 3/2019, tổng tài sản của hệ thống các tổ chức tín dụng đạt hơn 11 triệu tỷ đồng, tăng 0,8% so với cuối năm 2018; huy động vốn từ thị trường 1 đạt 8,5 triệu tỷ đồng, tăng 2,5% so với năm 2018.

Đối với các ngân hàng mua lại bắt buộc và ngân hàng Đông Á (DAB), Ngân hàng Nhà nước cho biết, sau khi được phê duyệt chủ trương, Ngân hàng Nhà nước đã khẩn trương tiến hành các bước để tái cơ cấu và xử lý đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Theo đó, thực hiện kiểm toán độc lập đánh giá thực trạng tài chính, xác định giá trị thực của vốn điều lệ và quỹ dự trữ để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo phù hợp với từng trường hợp cụ thể.

Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phương án chuyển nhượng và cơ cấu lại Ngân hàng Đại Dương sau chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài. Phương án cơ cấu lại các Ngân hàng Xây dựng, Dầu khí Toàn Cầu, DAB đang được khẩn trương hoàn thiện để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu rõ, việc triển khai cơ cấu lại 3 ngân hàng mua bắt buộc là một quá trình khó khăn, phức tạp, chưa có tiền lệ, phải phối hợp chặt chẽ và lấy ý kiến của nhiều bộ, ngành và các cơ quan liên quan. Với thực trạng tài chính hiện nay của các ngân hàng, việc tìm kiếm nhà đầu tư có năng lực tài chính và năng lực quản trị tham gia xử lý, cơ cấu lại các ngân hàng này gặp rất nhiều khó khăn và phụ thuộc vào kết quả đàm phán với các nhà đầu tư.

Khó khăn nữa cũng được nêu tại báo cáo là tiến độ xử lý cơ cấu lại đối với một số tổ chức tín dụng phi ngân hàng có chủ sở hữu/cổ đông lớn là các tập đoàn/tổng công ty nhà nước còn chậm, phụ thuộc vào nội dung phương án cơ cấu lại tổng thể của tập đoàn/tổng công ty nhà nước.

Trong khi đó, việc cơ cấu lại các tập đoàn/tổng công ty nhà nước phải được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ hoặc các bộ, ngành chủ quản. Đồng thời, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn đang gặp khó khăn về tài chính, thiếu nguồn lực để xử lý tổn thất và thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng phi ngân hàng này.

Ngoài ra, việc xử lý nợ xấu của các tổ chức yếu kém gặp nhiều khó khăn do để xử lý dứt điểm nợ xấu, thu hồi tài sản không sinh lời của các tổ chức tín dụng này đòi hỏi phải có cơ chế phân bổ tổn thất, giảm nhẹ gánh nặng tài chính bằng chính sách tài chính phù hợp để tổ chức tín dụng hấp thụ dần tổn thất, vượt qua được khó khăn tài chính.

Bên cạnh đó, việc xử lý, thu hồi nợ và tài sản đảm bảo của các ngân hàng mua bắt buộc khó khăn do phần lớn tài sản đảm bảo cho các khoản nợ đều đang bị kê biên, liên quan đến các vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh, Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận.

Tại báo cáo này, Ngân hàng Nhà nước cũng không quên nêu vấn đề việc nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ của ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước nhằm đảm bảo vai trò chỉ đạo của các ngân hàng này trên thị trường tài chính tiền tệ thời gian qua gặp nhiều khó khăn.

Tổng số vốn cần đầu tư, bổ sung cho các ngân hàng này là khá lớn để đảm bảo đáp ứng yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Basel II trong khi nguồn lực Nhà nước có thể được sử dụng để tăng vốn cho các ngân hàng này cũng hết sức hạn chế. Do đó, cần có biện pháp xử lý phù hợp, trong đó có việc giữ lại lợi nhuận của ngân hàng hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng năng lực tài chính cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, theo báo cáo.

Theo Hà Vũ

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên