MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khoảng thời gian chờ đợi phục hồi là cơ hội để các doanh nghiệp tái cấu trúc “bật dậy” sau dịch

31-08-2020 - 13:53 PM | Bất động sản

Theo các chuyên gia trong ngành, giai đoạn khó khăn này là phép thử cho doanh nghiệp BĐS nói chung, nhất là các doanh nghiệp mới, cũng là phép thử đối với một số phân khúc trên thị trường có dấu hiệu phát triển nóng trước đó.

Thời điểm này, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu của nhiều doanh nghiệp BĐS sụt giảm đến 70-80%. Giai đoạn 2017-2018 là những năm phát triển rực rỡ nhất của các doanh nghiệp BĐS, đặc biệt môi giới BĐS. Từ năm 2019 có những sụt giảm  nhưng sang năm đầu năm 2020, khi Covid-19 bùng phát thì doanh nghiệp đã thực sự "ngấm đòn".

Theo một số doanh nghiệp, giai đoạn khó khăn này là giai đoạn phép thử cho doanh nghiệp BĐS nói chung, nhất là các doanh nghiệp mới. Đây sẽ là bước đệm để các doanh nghiệp nhìn nhận lại mình và trong một vài năm tới sẽ đón đầu xu hướng đi lên của thị trường.

Thị trường BĐS Việt Nam so với thế giới vẫn còn khá non trẻ nên chưa theo kịp xu hướng của thế giới. Đôi khi có những thời điểm mà cung không gặp được cầu, chẳng hạn lượng cầu lớn thì cung không đủ hoặc ngược lại. Dù gặp khó khăn từ cuối năm 2019, sang đầu năm 2020 nhưng theo các doanh nghiệp BĐS, bản thân doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị để vượt qua khó khăn ít nhất là giai đoạn này. Doanh số của các doanh nghiệp có lúc giảm tới 70-80% nhưng lượng lao động của doanh nghiệp vẫn không bị giảm nhiều.

Chia sẻ mới đây, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, CEO Đại Phúc Land cho biết, ảnh hưởng của Covid-19 đã làm doanh số quý 1/2020 của Công ty giảm 50%, quý 2 có sự phục hồi nhưng chưa cao, lượng lao động không giảm.

Khoảng thời gian chờ đợi phục hồi là cơ hội để các doanh nghiệp tái cấu trúc “bật dậy” sau dịch - Ảnh 1.

"Dù dịch bệnh nhưng chúng tôi vẫn duy trì hoạt động đầu tư phát triển dự án, có kịch bản điều chỉnh trong tình huống mới khi xảy ra. Hiện chúng tôi đầu tư phát triển một đại đô thị tại khu đông bắc TP.HCM, hướng tới nhu cầu nhà ở là chính. Khách hàng có 50% mua sản phẩm của dự án là để ở, đầu tư mang tính dài hạn. Bước đầu nhận thấy quan tâm của khách hàng chiếm 50-70% hồi phục so trước đại dịch, tâm lý khách hàng có phần cân nhắc thận trọng", bà Hương cho biết.

Cùng quan điểm, đại diện Asian Holding cho biết, thời điểm dịch Covid-19 tái bùng phát cũng là cơ hội để doanh nghiệp "review" lại hoạt động nhân sự, đào tạo của công ty, tìm hướng đi mới để sau thời điểm dịch có thể quay lại thị trường một cách nhanh nhất có thể. Tái cấu trúc, tập trung vào khâu chất lượng, tuyển dụng và đào tạo là cách doanh nghiệp này đang làm sau 2 đơt dịch Covid-19.

Nói về thị trường BĐS, đại diện Savills Việt Nam cho rằng, ngành du lịch nghỉ dưỡng Việt Nam đã có những bước phát triển ấn tượng trong những năm trở lại đây, từng bước trở thành một trong những nguồn lực kinh tế chủ đạo, đóng góp đáng kể cho lĩnh vực đầu tư, nguồn thu quốc gia và kiến tạo nên lượng lớn nhu cầu việc làm. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang dần khẳng định được vị thế vững chắc và sức hút của một điểm đến du lịch toàn cầu khi thể hiện được tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong trung và dài hạn, ngay cả trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang phải hứng chịu những tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19.

Nếu nhìn nhận một cách tích cực, sự chững lại tạm thời hiện nay cũng tạo nên những cơ hội kinh doanh mới đồng thời cũng là dịp để các Chủ sở hữu Khách sạn và Resort tại Việt Nam có thể đánh giá lại hoạt động, chuẩn bị kỹ càng và sẵn sàng để bắt nhịp với quá trình hồi phục vào năm 2021.

Ông Mauro Gasparotti, Savills Hotels Châu Á Thái Bình cho hay, ngành nghỉ dưỡng của Việt Nam hiện đang ở một vị thế đặc biệt. Sau nhiều năm phát triển mạnh mẽ cả về cung và  cầu, thị trường đang tạm chững lại do tác động của một số sự kiện ngoài tầm kiểm soát đã và đang diễn ra trong năm nay.

"Mặc dù vậy, tôi tin rằng thị trường nghỉ dưỡng Việt Nam có những nền tảng cơ bản vững chắc để có thể hỗ trợ quá trình phục hồi và đạt được những kết quả khả quan ngay khi nguồn cầu xuất hiện trở lại. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng có không ít dự án nghỉ dưỡng tại Việt Nam đã tồn đọng rất nhiều vấn đề liên quan đến quá trình vận hành, thậm chí trước khi có sự xuất hiện của đại dịch. Rất nhiều dự án có hiệu suất hoạt động thấp hơn tiềm năng có thể đạt được, đơn giản chỉ bởi khả năng trao đổi thông tin kém hiệu quả giữa Chủ sở hữu và đội ngũ quản lý, hoặc giữa Chủ sở hữu và Nhà điều hành Khách sạn", ông Mauro nhấn mạnh.

Theo vị chuyên gia này, tốc độ phát triển nhanh chóng của ngành du lịch nghỉ dưỡng Việt Nam trong những năm gần đây dẫn đến tình trạng một số Chủ đầu tư chú trọng vào số lượng nhiều hơn chất lượng, đặc biệt là đối với phân khúc Condotel. Rất nhiều Nhà đầu tư sở hữu căn hộ tại các dự án Condotel này đã và đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt sự minh bạch thông tin về các chương trình cho thuê mà Chủ Đầu Tư đã hứa hẹn.

Theo đó, khoảng thời gian chờ đợi sự phục hồi này cũng là cơ hội tốt để các Chủ đầu tư Condotel có thể xem xét lại cấu trúc vận hành và cải thiện việc trao đổi thông tin với Người mua – những đối tượng ít khi nhận được thông tin đầy đủ về kết quả vận hành.

Hạ Vy

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên